Xây dựng tiêu chuẩn chuyên môn dành cho người dạy nghề đến từ doanh nghiệp
(Dân trí) - "Chỉ khi người đào tạo của doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo tại nhà trường thì sự liên kết của nhà trường và doanh nghiệp mới đem lại hiệu quả thực tiễn".
Ngày 5/4, tại trụ sở Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (TCGDNN) diễn ra Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Thông tư quy định chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ đối với người đào tạo nghề là người của doanh nghiệp.
Tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng TCGDNN Nguyễn Thị Việt Hương phát biểu đề dẫn, cho biết việc xây dựng Thông tư quy định chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ đối với người đào tạo nghề là người của doanh nghiệp đã thu hút được sự quan tâm, góp ý của tất cả các Vụ trong TCGDNN, đồng thời có sự phối hợp của phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, các nhà khoa học, chuyên gia.
"Chỉ khi người đào tạo của doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo tại nhà trường thì sự liên kết của nhà trường và doanh nghiệp mới đem lại hiệu quả thực tiễn", Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Việt Hương nhấn mạnh.
Hợp tác giữa giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp là xu thế tất yếu nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Ở Việt Nam, vấn đề này đã và đang được chú trọng. Tuy nhiên, số doanh nghiệp tham gia vào giáo dục nghề nghiệp chưa nhiều. Có rất nhiều nguyên nhân, một trong nguyên nhân đó là do chưa có hành lang pháp lý để hình thành và phát triển đội ngũ người đào tạo tại doanh nghiệp bao gồm: cơ chế, chính sách, chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ….
Do vậy, cần thiết phải xây dựng Thông tư quy định chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của người làm công tác đào tạo nghề tại doanh nghiệp.
Việc xây dựng Thông tư dựa trên quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, "Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao" được xác định là một trong ba đột phá chiến lược để thực hiện mục tiêu phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 đã được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Bên cạnh đó là chủ trương "Phát triển giáo dục nghề nghiệp bám sát nhu cầu của thị trường lao động gắn kết với việc làm thỏa đáng, an sinh xã hội và phát triển bền vững, bao trùm" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2239/QĐ-TTg ngày 30/12/2021.
"Phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong giáo dục nghề nghiệp" được xác định là một trong hai giải pháp đột phá để thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển GDNN.
Trong Thư kêu gọi đồng hành nâng tầm kỹ năng lao động vì một Việt Nam chiến thắng dịch bệnh và phát triển thịnh vượng ngày 04/10/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: "Lực lượng lao động có chất lượng, kỹ năng và hiệu quả cao là nguồn tài nguyên vô giá, là nhân tố quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia". Đồng thời, Chủ tịch nước kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp và người sử dụng lao động tiếp tục tham gia tích cực vào sự nghiệp hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động để vững bước tiến vào tương lai.
Nghị quyết số 617-NQ/BCSĐ ngày 28/12/2018 của Ban cán sự đảng Bộ LĐTB&XH cũng đã khẳng định doanh nghiệp như một "nhà trường thứ hai", một thành phần không thể thiếu trong hoạt động đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tăng cường hợp tác giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp để gắn kết chặt chẽ GDNN với thị trường lao động và việc làm bền vững là nhiệm vụ, giải pháp nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2021, định hướng đến 2030.
Kết nối trực tuyến tham gia hội thảo, bà Nguyễn Hoàng Nguyên thay mặt nhóm chuyên gia báo cáo kết quả khảo sát doanh nghiệp về chuẩn chuyên môn nghiệp vụ đối với người đào tạo là người của doanh nghiệp.
Khảo sát của nhóm chuyên gia dựa trên phản hồi từ 221 doanh nghiệp, cho thấy gần 72% doanh nghiệp có người đào tạo chuyên trách trong đó có 45,6% doanh nghiệp có 1-5 người đào tạo nghề; 77% doanh nghiệp có chuyên gia, kỹ sư của doanh nghiệp tham gia dạy nghề, kiêm nhiệm công tác đào tạo nghề cho người lao động. 73% doanh nghiệp có tham gia hợp tác với cơ sở GDNN.
Qua nhiều đánh giá, nhóm chuyên gia của bà Nguyên kết luận và khuyến nghị rằng cần chuẩn hóa chuyên môn, nghiệp vụ đối với đội ngũ người đào tạo là người của doanh nghiệp, đây là vấn đề hết sức thực tiễn và cần thiết. Đa số các doanh nghiệp ủng hộ việc xây dựng thông tư trong đó có các quy định cụ thể về tiêu chuẩn năng lực đối với người đào tạo của doanh nghiệp một cách thống nhất.
Mặt khác, các quy định đưa ra cũng cần đảm bảo tính khách quan và thực tiễn, cân nhắc đến những kinh nghiệm và năng lực người đào tạo của doanh nghiệp đã trau dồi, tích lũy được trong quá trình làm việc để làm điều kiện thay thế tương đương với những tiêu chuẩn, yêu cầu đối với giảng viên, giáo viên trong cơ sở GDNN.
Nhóm chuyên gia này đề xuất, khuyến nghị: Xây dựng các quy định thống nhất về tiêu chuẩn năng lực đối với người đào tạo là người của doanh nghiệp nhằm tạo căn cứ để xác định được chức danh, vị trí từ đó xác định được trách nhiệm và quyền lợi của những cán bộ, người trực tiếp hay kiêm nhiệm tham gia đào tạo nghề tại doanh nghiệp; Cải thiện các cơ chế về tiền lương, tiền công và chế độ đãi ngộ tốt hơn cho người đào tạo của doanh nghiệp, thỏa đáng với công sức và sự đóng góp của họ; Ban hành các chính sách khuyến khích người đào tạo của doanh nghiệp chủ động học tập, nâng cao về trình độ kiến thức, kỹ năng sư phạm và năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường để có thể thực hiện việc giảng dạy, đào tạo một cách chuyên nghiệp với hiệu quả và chất lượng.
Tham luận tại hội thảo, ông Lê Nho Luyện, Phó Vụ trưởng Vụ Nhà giáo, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp trình bày về: "Nội dung, cấu trúc dự thảo Thông tư quy định chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ đối với người đào tạo là người của doanh nghiệp".
Ông Luyện nhấn mạnh: "Tăng cường liên kết đào tạo; đưa học sinh, sinh viên năm cuối đi thực hành, thực tập và tham gia vào chuỗi các hoạt động hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp" là một trong giải pháp nhằm duy trì ổn định hoạt động đào tạo của các cơ sở GDNN, đồng thời góp phần đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của doanh nghiệp cho phục hồi kinh tế.
Vai trò của doanh nghiệp ngày càng được khẳng định trong việc góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo GDNN. Do vậy, Bộ LĐTB&XH đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để góp phần tăng cường, thúc đẩy mối quan hệ giữa cơ sở GDNN và doanh nghiệp.
Một trong những giải pháp đó là có cơ chế, chính sách, quy định chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ đối với đội ngũ người đào tạo là người của doanh nghiệp - vì đây chính là cầu nối giữa doanh nghiệp và GDNN".
Hội thảo cũng lắng nghe ý kiến của ông Bùi Thế Dũng, Chuyên gia tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) trình bày tham luận về "Sự cần thiết của việc quy định chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ đối với người đào tạo là người của doanh nghiệp; kinh nghiệm của CHLB Đức trong việc xây dựng, phát triển đội ngũ người đào tạo là người của doanh nghiệp".
Để mở rộng trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm về chủ đề này, hội thảo cũng dành thời gian để thảo luận và lắng nghe các ý kiến của các đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở GDNN, và cả từ phía các hiệp hội, tổ chức nghề nghiệp, các doanh nghiệp và tổ chức GIZ.
Về phía doanh nghiệp, các đại diện doanh nghiệp tham gia hội thảo cũng sôi nổi đóng góp ý kiến. Qua đó, góp phần giúp các nhà hoạch định chính sách có thêm cơ sở để xây dựng dự thảo Thông tư phù hợp với thực tiễn.