Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong giáo dục nghề nghiệp
(Dân trí) - Ngày 25/8, tại Quảng Nam, diễn ra hội thảo "Khởi nghiệp sáng tạo và liên kết doanh nghiệp - phát triển giáo dục nghề nghiệp trong tình hình mới".
Hội thảo do Trường Cao đẳng Quảng Nam phối hợp với Hiệp hội khởi nghiệp quốc gia, Ban Điều hành khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Quảng Nam và các đơn vị có liên quan tổ chức.
Tham dự sự kiện, bà Trần Minh Huyền - Vụ trưởng Vụ học sinh, sinh viên, Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) đánh giá, đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực. Hội thảo tạo hiệu ứng tích cực và truyền ngọn lửa đam mê cho học sinh, sinh viên của nhà trường, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, nghiên cứu khoa học, thúc đẩy khởi nghiệp.
Bà Huyền cho biết, để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình, đề án hỗ trợ khởi nghiệp. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cũng đều có chương trình, kế hoạch nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong cả nước.
Tại hội thảo, bà Trần Minh Huyền chia sẻ một số thông tin về công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp trong hệ thống GDNN đã và đang được Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo, triển khai nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và tự tạo việc làm.
Việc hỗ trợ hướng tới mục tiêu trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp giúp học sinh, sinh viên GDNN tự tin, sáng tạo khởi nghiệp, chủ động tìm kiếm việc làm và tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp.
Hiện cả nước có hơn 1.900 cơ sở GDNN với khoảng 2,2 triệu người tốt nghiệp hàng năm từ các ngành nghề đào tạo bao phủ tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế.
Trong đó số, học sinh trung cấp, sinh viên cao đẳng khoảng 545.000 người, trình độ sơ cấp 1,6 triệu người. "Có thể khẳng định rằng, đây là lực lượng tiềm năng để tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia", bà Trần Minh Huyền phát biểu.
Để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp GDNN và gắn kết doanh nghiệp với giáo dục đào tạo, từ năm 2019 đến nay, Tổng cục GDNN, Bộ LĐ-TB&XH đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, nhiều diễn đàn kết nối doanh nghiệp với GDNN.
Tổ chức lớp bồi dưỡng cho các thầy, cô, cán bộ làm công tác hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên; tổ chức nhiều hội thảo, hành trình truyền cảm hứng tinh thần khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên.
Đặc biệt, cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên GDNN - Startup Kite, được tổ chức từ năm 2020 đến nay đã thu hút hơn 4.000 ý tưởng, dự án dự thi. Trong đó, có 184 dự án vào vòng chung kết, 107 dự án đạt giải. Nhiều dự án đạt giải được đầu tư và phát triển sản phẩm, được xuất khẩu đi Mỹ.
Ngoài ra, để giúp các cơ sở GDNN hỗ trợ khởi nghiệp hiệu quả, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Thông tư số 14/2022 quy định về công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên GDNN.
Bà Trần Minh Huyền khẳng định, đây là hướng dẫn chi tiết về hỗ trợ khởi nghiệp để các cơ sở GDNN có thể triển khai các hoạt động khởi nghiệp hiệu quả nhất.
"Qua thực tế theo dõi, nhiều cơ sở GDNN đã thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp, trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, xây dựng các không gian khởi nghiệp trong nhà trường và lồng ghép đào tạo khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên", bà Trần Minh Huyền nói.
Bà Huyền nhắn nhủ, điều quan trọng với mỗi học sinh, sinh viên GDNN là cần hình thành hoài bão, lý tưởng, trang bị cho mình thật nhiều kiến thức chuyên môn, kiến thức xã hội, kỹ năng nghề, kỹ năng sống.
"Khởi nghiệp là việc mà những người sáng tạo, ham học hỏi và đầy khát vọng chọn để làm. Không nhất thiết bắt nguồn từ mong muốn làm chủ, tìm kiếm lợi nhuận cao, hay là bắt đầu từ những điều lớn lao; mà các em hãy bắt đầu từ chính những ngành nghề các em đã học, hay từ chính những trăn trở, những ý tưởng mới để giải quyết vấn đề thường nhật", bà Huyền bày tỏ.
Theo PGS.TS Vũ Thị Phương Anh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quảng Nam - tỉnh Quảng Nam được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu về hợp tác, liên kết trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
Tỉnh đặt kế hoạch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp mở, Quảng Nam sẽ là tỉnh năng động, linh hoạt, kết nối mạnh mẽ mạng lưới chuyên gia, cố vấn, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia, quốc tế.
Tỉnh Quảng Nam đã trải qua hành trình 5 năm triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tỉnh đã chủ động phối hợp tổ chức các diễn đàn, hội thảo, sự kiện… về kỹ năng, kiến thức xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo cấp quốc gia và vùng.
Chính từ các hoạt động hợp tác và kết nối, Quảng Nam đã trở thành địa phương dẫn đầu tổ chức nhiều diễn đàn, hội thảo, chương trình… về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
PGS.TS Vũ Thị Phương Anh khẳng định, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo đang ngày càng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh sự đóng góp của các doanh nghiệp khởi nghiệp vào sự phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng tính đa dạng cho nền kinh tế.
Tại hội thảo, ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam - khẳng định, đây là dịp để đánh giá thực trạng của khởi nghiệp sáng tạo và liên kết doanh nghiệp trong hoạt động GDNN nói riêng và giáo dục đào tạo nói chung.
Qua đó, rút ra được những điểm mạnh, điểm yếu, những nguyên nhân nhằm đề xuất các giải pháp thiết thực thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.
Đồng thời, đẩy mạnh việc liên kết, hợp tác với các đơn vị quản lý, sử dụng lao động nhằm mở ra nhiều cơ hội mới cho học sinh sinh viên cũng như phục vụ cho việc phát triển GDNN trong tình hình hiện nay.
Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho biết hội thảo đề xuất, kiến nghị với các cấp lãnh đạo về một số giải pháp nâng cao được hiệu quả hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của học sinh - sinh viên giai đoạn 2023-2025 và những năm tiếp theo.