Xây dựng chính sách hỗ trợ đối với HS, SV các huyện nghèo

(Dân trí) - Làm thế nào để chính sách hỗ trợ có khả thi đi vào cuộc sống phục vụ lợi ích của học sinh, sinh viên là những vấn đề được đưa ra tại hội thảo xây dựng chính sách hỗ trợ đối với HS, SV các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của chính phủ.

Ngày 12/5, tại Thanh Hóa, Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ LĐTB&XH, UB Dân tộc và Ngân hàng Chính sách Xã hội tổ chức hội thảo: “Xây dựng chính sách hỗ trợ đối với học sinh, sinh viên các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ - CP của chính phủ”, do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Qúy chủ trì. Hội thảo còn có sự tham gia của đại diện các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Sơn La, Hà Giang, các Phòng GD-ĐT của các huyện nghèo, các trường ĐH, Học viện, CĐ và Trung cấp chuyên nghiệp.

Xây dựng chính sách hỗ trợ đối với HS, SV các huyện nghèo - 1

Đại điện các Bộ, Ngành tại hội thảo.


Tại hội thảo lần này, các đại biểu đã tham gia đóng góp ý kiến xung quanh các vấn đề liên quan đến việc xây dựng Chính sách hỗ trợ đối với HS-SV 62 huyện nghèo để trình chính phủ ban hành.

 

Các vấn đề được hội thảo là: những thuận lợi, khó khăn, bất cập trong chính sách hỗ trợ hiện hành mà HS-SV đang được hưởng; xây dựng chính sách theo tinh thần Nghị quyết 30a hay chính sách hỗ trợ cho học sinh con hộ nghèo thuộc các huyện nghèo; mức hỗ trợ, phương thức, nguồn hỗ trợ đối với HS-SV; hình thức hỗ trợ; làm thế nào để chính sách khả thi và phát triển bền vững.

 

Một thực tế đặt ra hiện nay là do nhà nghèo không có khả năng cho con theo học ở các bậc học là rất phổ biến ở các địa phương thuộc 62 huyện nghèo nhất nước. Bên cạnh đó trình độ, năng lực quản lý điều hành của đội ngũ các bộ cơ sở còn nhiều yếu kém và bất cập. HS-SV ở các huyện nghèo ít có cơ hội tiếp cận với giáo dục, hoặc được tiếp cận song điều kiện chưa đảm bảo. Mặt bằng dân trí ở các địa phương này còn thấp, tỷ lệ mù chữ ở nhiều nhóm dân tộc rất ít người còn cao, tỷ lệ học sinh nghèo dân tộc thiểu số, vùng cao bỏ học cao.

 

Nguyên nhân là do không có nguồn để đào tạo tiếp, chi phí cho học tập là rất lớn với những người nghèo, điều kiện địa lý kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn.

 

Do vậy việc xây dựng Chính sách hỗ trợ đối với HS-SV huyện nghèo là điều cần thiết, kịp thời, được coi là một trong những giải pháp tích cực góp phần giúp HS-SV 62 huyện nghèo được tiếp cận với giáo dục bình đẳng.

 

Các đại biểu cũng có nhiều ý kiến đồng tình về các vấn đề mà hội thảo đặt ra như: Phương thức hỗ trợ là HS- SV là con hộ nghèo và cận nghèo được UBND huyện phê duyệt danh sách và ra quyết định hỗ trợ, HS-SV nhận hỗ trợ trực tiếp tại Phòng GD-ĐT; đối tượng hỗ trợ là con hộ nghèo và cận nghèo theo quy định hiện hành, người dân tộc thiểu số và con hộ nghèo người dân tộc Kinh có thời gian cứ trú trên địa bàn 62 huyện nghèo từ 3 năm trở lên; phạm vi được áp dụng cho các xã, thị trấn thuộc 62 huyện nghèo đang được hưởng chính sách theo Nghị quyết 30a; nguồn hỗ trợ từ vốn bố trí cho chính sách giáo dục, đào tạo nghề nâng cao dân trí trong Nghị quyết 30a; mức hỗ trợ bằng 100% mức lương tối thiểu nhưng không qúa 9 tháng/năm học.

 

Liên quan đến chính sách hỗ trợ, các đại biểu có ý kiến nên nâng mức cho vay tín dụng ưu đãi đối với các đối tượng HS-SV thuộc 62 huyện nghèo để các em có đủ điều kiện học tập. Ngân hàng Chính sách Xã hội cần thống nhất với các địa phương trong vấn đề thủ tục để tạo điều kiện thuận lợi cho người vay.

 

Việc miễn giảm học phí cần có sự xác nhận chính xác chuẩn nghèo theo quy định hiện hành của Nhà nước, tránh những trường hợp không đúng đối tượng gây thắc mắc trong HS-SV và tăng gánh nặng cho các đơn vị đào tạo.

 

Để thực hiện tốt công tác hỗ trợ, vấn đề cấp giấy xác nhận hộ nghèo cần phải có quy định chặt chẽ, đúng đối tượng, đồng nhất về thời gian, mẫu quy định ở tất cả các địa phương. Việc cấp giấy xác nhận cho HS-SV cũng cần nhanh gọn, kịp thời, kiểm tra theo dõi việc cấp giấy xác nhận và cho vay, không để HS-SV vì thiếu kinh phí mà không được học tập hoặc bỏ học.

 

Các đại biểu cũng thống nhất nên kéo dài thời gian hỗ trợ hoặc ban hành các văn bản mới thay thế các văn bản không còn phù hợp với điều kiện hiện nay. Nhiều đại biểu kiến nghị nên ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể việc thực hiện chế độ chính sách cho HS-SV các huyện nghèo

 

Chốt lại những vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Qúy đã ghi nhận tất cả những ý kiến thảo luận và đóng góp của các đại biểu với mục tiêu là đưa giáo dục tại các huyện nghèo ngày càng phát triển hơn.

 

Thứ Trưởng Trần Quang Qúy cũng chỉ ra rằng: "Mặc dù nghị quyết 30a ra đời từ năm 2008 nhưng đến nay Bộ vẫn chưa nhận được báo cáo đánh giá tình hình thực hiện các chính sách hỗ trợ của các Sở Giáo dục và Đào tạo. Cần xây dựng chính sách làm sao tất cả các đối tượng đều được hưởng. Giao cho địa phương chi trả có xác nhận của Nhà trường nhằm giảm gánh nặng cho Nhà trường, vì trên thực tế trong tổng số vốn chi cho giáo dục thì Bộ Tài chính đã chuyển trực tiếp về cho các địa phương 50%. Bên cạnh việc xây dựng văn bản hỗ trợ đối với HS-SV thì cần xây dựng văn bản hỗ trợ đối với giáo viên. Về hình thức hỗ trợ là bằng tiền mặt, còn mức hỗ trợ bao nhiêu thì còn chờ sau khi có dự thảo trình chính phủ phê duyệt".

 

Duy Tuyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm