Xác định điểm sàn như thế nào?

(Dân trí) - Bộ GD-ĐT khẳng định, năm 2013 các trường vẫn tiếp tục thi “3 chung” và không bỏ điểm sàn. Bộ sẵn sàng lắng nghe ý kiến đóng góp để xây dựng điểm sàn phù hợp hơn so với thực tế nhưng tuân thủ theo nguyên tắc: Phải đảm bảo chất lượng!

Trong thời gian qua, nhiều độc giả đã chia sẻ quan điểm với báo Dân trí về việc nên hay không nên bỏ điểm sàn ĐH, CĐ. Phần lớn các ý kiến đều cho rằng, sự tồn tại của điểm sàn là cần thiết bởi nếu thả nổi thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Thời gian quan, hàng loạt cảnh báo được đưa ra khi mà sinh viên ra trường không có việc làm xuất phát từ nguyên nhân là chưa đáp ứng được với nhu cầu doanh nghiệp, chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ ngày càng tăng…

Vấn đề quan trọng hơn cả là hiện nay vẫn chưa phân tầng ĐH được, việc phân định trường top trên, top dưới chưa có tiêu chí cụ thể… Trong khi đó, theo Luật thì bằng cấp của các trường có giá trị như nhau trong hệ thống giáo dục quốc dân, không phân biệt trường công hay trường tư. Khi chất lượng đầu ra không được xã hội chấp nhận thì người học sẽ bị thiệt thòi nhất.

Với việc số lượng trường ĐH, CĐ là hơn 400 trường và chỉ tiêu khá lớn thì việc “thả nổi” chất lượng để lấy đủ chỉ tiêu là điều hoàn toàn có thể xảy ra nếu không có điểm sàn. Thực tế hiện tại không khó để nhận thấy, nếu thí sinh dự thi hai môn trắc nghiệm hiển nhiên sẽ được “biếu không” 5 điểm. Nếu tính cả điểm ưu tiên khu vực, đối tượng tối đa thì các thí sinh này đã “đút túi” đến tận 8,5 điểm. Như vậy, nếu lấy điểm trúng tuyển vào ĐH, CĐ dưới 8-9 điểm thì hiển nhiên thí sinh có học lực bằng hoặc dưới mức trung bình vẫn trúng tuyển được ĐH.

Năm 2002, khi bắt đầu tổ chức thi “3 chung”, Bộ GD-ĐT chưa đưa ra điểm sàn. Vào thời điểm đó các trường xây dựng phương án điểm chuẩn sau đó trình Bộ duyệt. Không ít trường lúc đó đã xác định điểm chuẩn khá thấp, dưới 10 điểm (lúc này chỉ có 3 môn thi tự luận, chưa có môn thi trắc nghiệm). Để xóa cơ chế “xin cho” và nâng cao chất lượng đầu vào, bắt đầu từ mùa tuyển sinh 2004 “điểm sàn” được ra đời và lúc đó hầu hết các trường đều hưởng ứng.

Bất cập của điểm sàn hiện tại

Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, điểm sàn lâu nay được xác định điểm sàn dựa trên chỉ tiêu, khả năng dịch chuyển của thí sinh từ vùng này sang vùng kia, đồng thời phán đoán hệ số thí sinh ảo. Với việc dư luận cho rằng, điểm sàn năm 2012 không chính xác bởi Bộ GD-ĐT không công bố phổ điểm môn thi thì lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định: “Nếu không dựa vào phổ điểm thì không thể xác định được điểm sàn. Hàng năm Bộ GD-ĐT phải thống kê số liệu khá chi tiết ở từng mức điểm để Hội đồng điểm sàn xem xét trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Phổ điểm chính là số liệu thống kê”.

Xác định một cách đã khoa học như vậy nhưng tại sao Bộ GD-ĐT lại quyết định nghiên cứu xây dựng phương án điểm sàn mới? Câu hỏi này đã được đích thân Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga trả lời tại Hội nghị thi và tuyển sinh năm 2013.

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, việc dự báo 2 thông số sau (thí sinh ảo, việc dịch chuyển vùng này sang vùng khác) là không thật chắc chắn và chính xác. Năm 2012, hệ số dịch chuyển được xác định rất cao nhưng cuối cùng các trường lại khó tuyển sinh. Qua đó cho đây, độ dịch chuyển là rất ít.

Lãnh đạo Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) phân tích thêm: “Hầu hết các thí sinh đều có tham vọng được học các trường ĐH, CĐ đóng ở khu vực tỉnh/thành phố lớn bởi điều kiện học tập, làm thêm cũng như học thêm ngoại ngữ, tin học… thuận lợi hơn. Do xu hướng thời gian trở lại đây như vậy nên việc xác định hệ số dịch chuyển là rất khó”.

Đó là về mặt lý thuyết, về góc độ khoa học, môt chuyên gia tuyển sinh phân tích: “Việc xác định điểm sàn theo khối như hiện nay là bất cập và không đánh giá đúng hiện trạng. Khi thống kê chúng ta chưa loại bỏ được số thí sinh dự thi 2 lượt, dự thi hai khối… Chính vì thế có độ “vênh” lớn. Bên cạnh đó chỉ tiêu từng ngành của các trường có sự “chênh” nhau nên xác định điểm sàn theo khối là không chính xác”.

Nên thay đổi theo hướng nào?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, Bộ căn cứ vào kết quả thi của thí sinh qua phổ điểm môn, trên đó mới phân tích và tổng hợp. Có nhiều cách tính điểm sàn khác nhau nhưng hiện nay đang trong quá trình lấy rộng rãi ý kiến góp ý vế lấy điểm sàn mới năm nay. Bộ sẽ lựa những phương án hay nhất áp dụng cho năm nay. Sẽ có thay đổi chứ không cứng nhắc như các năm trước.

Theo đánh giá của các chuyên gia thì với mức phổ điểm của thí sinh có thể xây dựng điểm sàn theo rất nhiều phương án: Điểm sàn theo khối; điểm sàn theo nhóm ngành; điểm sàn cho vùng và điểm sàn phân tầng…

Như đã đề cập ở trên thì điểm sàn theo khối không còn phù hợp với thực tế. Còn nếu lấy điểm sàn theo vùng lại nảy sinh bất cập trong khâu “xét tuyển” các nguyện vọng kế tiếp vì chúng ta vẫn tổ chức thi “3 chung”… Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi hướng đến việc xây dựng điểm sàn theo nhóm ngành và mong nhận được ý kiến đóng góp của các nhà giáo dục.

Sỡ dĩ hướng đến phương án này là xuất phát từ thực tế tuyển sinh của các trường. Như chúng ta đã biết, rất nhiều ngành đào tạo của các trường có thí sinh dự thi nhưng lại không thể gọi trúng tuyển do điểm của các em dưới sàn theo khối của Bộ GD-ĐT. Điều này cho ta thấy nghịch lý, nhiều em xác định được năng lực bản thân dự thi vào các ngành có sự cạnh tranh thấp (tất nhiên trong đó có cả sự đam mê) nhưng không thể trúng tuyển. Các ngành này lại phải chờ đợi những thí sinh rớt NV1 đăng ký xuống. Nếu lấy điểm theo nhóm ngành thì rõ ràng sẽ giải quyết được bất cập này.

Bên cạnh đó, việc xác định điểm sàn theo nhóm ngành sẽ tạo ra bước đột phá trong việc cơ cấu lại ngành nghề đào tạo. Hiện nay các trường đua nhau mở các ngành mà xã hội cho là “hót” và thí sinh cứ thế nộp hồ sơ vào. Cùng một ngành đào tạo nhưng sự “chênh nhau” về điểm chuẩn giữa các trường là rất lớn. Do đó nếu lấy điểm sàn theo nhóm ngành sẽ làm giảm độ “chênh” điểm chuẩn giữa các ngành đào tạo của các trường. Thông qua đó, thí sinh sẽ phải cân nhắc hơn trong việc lựa chọn ngành vừa sức với bản thân. Ngoài ra, cũng từ đây các trường cũng phải xác định lại ngành nghề đào tạo để có thể tuyển sinh được.

Theo chuyên viên của Vụ giáo dục ĐH thì việc xác định điểm sàn theo nhóm ngành không khó vì hiện nay đều có quy định mã ngành cụ thể. Không khó để tách lọc phổ điểm của các nhóm ngành ra. Vấn đề quan trọng là ở chỗ, phương án có được xã hội và các trường chấp thuận hay không.
 
Các ý kiến tham gia diễn đàn “Hiến kế xây dựng phương án điểm sàn mùa tuyển sinh 2013” xin gửi về báo Dân trí qua email: tuyensinh@dantri.com.vn.
 
Nguyễn Hùng