Vượt rào cản tiếng Anh để du học thành công
Du học hiện nay đã không còn quá khó với những ai có điều kiện tài chính. Tuy nhiên không phải du học sinh nào cũng biết cách vượt qua những rào cản để hoàn thành những ước mơ trong quá trình học tập ở nước ngoài.
Ước mơ du học và theo đuổi tận cùng với ước mơ ấy, nhưng các nhà vô địch cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia vẫn xác định học tập ở nước ngoài là một hành trình đầy thử thách, đòi hỏi những quyết tâm và nỗ lực cao độ. Khi vượt qua thì đó sẽ là một hành trình của những trải nghiệm thú vị và tích lũy kiến thức.
Tỏa sáng từ cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia và nhận được những suất học bổng từ Trường ĐH Kỹ thuật Swinburne (Úc) và Công ty LG Electronics, trở thành giảng viên Đại học ở tuổi 23, là sinh viên (SV) duy nhất được giữ lại trường trong số hàng ngàn SV tốt nghiệp cùng khóa, Huỳnh Anh Vũ - nhà vô địch cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm 2008 cũng từng trải qua những tháng ngày vất vả để hòa nhập với môi trường học tập mới.
Huỳnh Anh Vũ chia sẻ: “Năm đầu tiên khi đi du học có lẽ là khó khăn nhất. Đặt chân vào một môi trường mới, tiếp xúc với những con người mới, nền văn hóa mới đòi hỏi thời gian để thích nghi. Thời gian đầu, tôi nhớ nhà ghê gớm. Trong khi đó, ngôn ngữ cũng là một rào cản trong quá trình học tập. Vì tiếng Anh là ngoại ngữ thứ hai đối với SV Việt Nam nên để học tập, làm việc và giao tiếp hoàn toàn bằng tiếng Anh đòi hỏi một nỗ lực đáng kể. Nhiều lúc có những ý tưởng hay nảy ra, nhưng khi diễn đạt, trao đổi với các bạn, thì lại không được trọn vẹn như mong muốn”.
Theo các nhà leo núi, tiếng Anh và kỹ năng hòa nhập là hai yếu tố quan trọng nhất nhưng cũng là “điểm yếu” của nhiều SV Việt Nam khi đi du học. Hồ Ngọc Hân, nhà vô địch cuộc thi năm 2009, hiện là cử nhân chuyên ngành hóa Trường ĐH Kỹ thuật Swinburne (Úc) cho biết: "Tiếng Anh ảnh hưởng đến tất cả mọi thứ, từ khả năng học tập của bạn cho đến khả năng hòa nhập vào môi trường mới. Mặt khác, kỹ năng cần chuẩn bị nhất là khả năng sống độc lập để thích nghi với môi trường mới".
Để có thể tiếp thu được bài giảng ngay trên lớp, vượt qua thời gian đầu khó khăn để hòa nhập, theo Huỳnh Anh Vũ, chỉ còn cách SV phải trau dồi tiếng Anh, tự tìm tài liệu để học tập, nghiên cứu và nhất là tham gia các hoạt động tập thể. Chính những hoạt động này sẽ rèn cho SV tính năng động, tự tin, từ đó có thể chiếm lĩnh kiến thức một cách hiệu quả.
Theo Vũ, SV Việt Nam có thế mạnh là cần cù, chịu khó nhưng lại không tự tin trong giao tiếp. Hơn nữa, thói quen học tập của mình lâu nay cũng là một rào cản bởi lẽ SV các nơi chủ yếu tự học, mỗi tuần chỉ lên lớp 4-5 tiết, họ quen cách làm việc độc lập và thói quen làm việc nhóm để tự lĩnh hội kiến thức. Chương trình học tập ở nước ngoài đề cao tinh thần làm việc nhóm nên SV có nhiều cơ hội làm việc với bạn bè đến từ nhiều nước khác nhau trên thế giới.
Với Vũ những buổi họp nhóm trở thành dịp hiếm có để cậu lắng nghe về những vùng đất mới, những nền văn hóa khác. Trong suốt bốn năm, Vũ đã trở thành vị khách quen của tầng thư viện trong trường, tầng silent floor.
“Cũng thỉnh thoảng, tôi lại cùng bạn bè lân la ở tầng ba của trường, là đại bản doanh của những cuộc thảo luận nhóm. Thời gian học tập ở Swinburne trôi qua một cách nhanh chóng với những khám phá và những trải nghiệm mới, những bài học thú vị, giúp tôi nhạy bén hơn, tự tin và hoàn thiện mình hơn. Rèn luyện tôi đủ trưởng thành cho cuộc sống và công việc chuyên môn trong thời gian sắp tới.
Tôi nghĩ, với ước mơ và sự cố gắng thì du học không phải là một điều xa vời, kể cả với những bạn không có nhiều điều kiện về tài chính. Đối với tôi, du học là một hành trình đầy thử thách, nhưng cũng đem lại nhiều trải nghiệm thú vị và quý giá”- Vũ cho biết.
Còn với Hồ Ngọc Hân, bạn chia sẻ các SV nên dành thời gian tham gia vào những hoạt động xã hội càng nhiều càng tốt. Chính những hoạt động này sẽ tạo tính năng động và chủ động cho từng SV, đây cũng là cách tốt nhất để rèn kỹ năng tiếng Anh.
Khi đã hòa nhập vào được môi trường mới sẽ có muôn vàn điều lý thú để tìm hiểu, chẳng hạn như phong tục tập quán ăn uống, cưới xin ở các quốc gia khác như thế nào.
Hân nói: “Hiện tại, tôi đang tham gia nhiều hoạt động tập thể cùng với hơn 200 du học sinh Việt Nam đang học tập tại Swinburne. Chúng tôi thường tổ chức các sự kiện truyền thống như tết trung thu, tết cổ truyền VN và nhiều hoạt động xã hội khác”.
Giành được vòng nguyệt quế trong cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia là động lực đối với các nhà leo núi nhưng đồng thời cũng là thử thách để vượt qua chính mình để chinh phục những đỉnh cao tri thức mới. Với sự giúp đỡ và hỗ trợ tích cực của nhà trường, một số nhà vô địch Olympia đã và đang làm nghiên cứu sinh và đeo đuổi giấc mơ trở thành nhà khoa học ở các lĩnh vực mà mình yêu thích như hóa học, kinh tế, vật lý...