Vùng Đồng bằng sông Hồng cần trở thành Trung tâm đổi mới sáng tạo

Hồng Hạnh

(Dân trí) - Ngày 12/7, Hội thảo "Phát triển văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đã diễn ra tại Hà Nội.

Hội thảo do Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW phối hợp với ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tổ chức tại ĐH Quốc gia Hà Nội. 

Chủ trì hội thảo có đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết; đồng chí Lê Quân, Giám đốc ĐHQGHN; đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết.

Tham dự có các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đại diện lãnh đạo các tỉnh ủy, thành ủy thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng; đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập xây dựng Đề án...

Vùng Đồng bằng sông Hồng cần trở thành Trung tâm đổi mới sáng tạo - 1

Hội thảo do Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW phối hợp với ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức tại ĐH Quốc gia Hà Nội. 

Ngày 14/9/2005, Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Sau đó, ngày 28/10/2011, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Kết luận số 13-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW.

Hội thảo "Phát triển văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" nằm trong chuỗi hội thảo, tọa đàm và là một trong những nội dung quan trọng trong quá trình tổng kết Nghị quyết.

Vùng đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam.

Tại Hội thảo, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết nêu: "Vùng đồng bằng sông Hồng phải đi đầu trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số. Thúc đẩy mạnh mẽ các trung tâm đổi mới sáng tạo. Tập trung xây dựng các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn".

Vùng Đồng bằng sông Hồng cần trở thành Trung tâm đổi mới sáng tạo - 2

Hội thảo, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết phát biểu tại hội nghị.

Đồng chí Trần Tuấn Anh đề nghị lãnh đạo các bộ ngành, đại diện lãnh đạo các địa phương và các nhà khoa học tập trung thảo luận đánh giá, làm rõ những thành tựu, kết quả đạt được cũng như chỉ rõ những hạn chế, tồn tại, chỉ rõ nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện các nhiệm phát triển lĩnh vực văn hóa, xã hội, khoa học- công nghệ, tài nguyên- môi trường của toàn vùng và từng địa phương.

Phân tích, đánh giá bối cảnh, tình hình mới tác động đến từng lĩnh vực văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học- công nghệ, tài nguyên- môi trường và nguồn nhân lực của vùng và từng địa phương trong vùng, đặc biệt là tác động của quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống (dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu với cam kết NetZero 2050 tại COP26…), đồng thời đề xuất các quan điểm phát triển, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, KHCN, môi trường vùng đồng bằng sông Hồng giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045.

Phát biểu tại Hội thảo, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân cho rằng, Nghị quyết 54-NQ/TW và Kết luận 13-KL/TW cho thấy tầm nhìn mang tính kế thừa truyền thống và hành động mang tính chiến lược, kịp thời của Trung ương trong bối cảnh cả nước quyết tâm đổi mới và hội nhập những năm đầu thế kỷ XXI.

Chặng đường 12 năm quyết liệt triển khai Kết luận 13-KL/TW và 17 năm nỗ lực thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị để lại rất nhiều nội dung khoa học quan trọng và các vấn đề thực tiễn ý nghĩa cần thảo luận và tổng kết. 

Vùng Đồng bằng sông Hồng cần trở thành Trung tâm đổi mới sáng tạo - 3

Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Lê Quân.

Giám đốc Lê Quân cho biết, các hoạt động hợp tác trong nước của ĐHQGHN không chỉ thể hiện trách nhiệm xã hội, trách nhiệm cộng đồng của ĐHQGHN, mà còn góp phần nâng cao uy tín và nguồn lực cho sự phát triển bền vững của ĐQHGHN.

Gắn kết sứ mệnh của ĐHQGHN với phát triển kinh tế - xã hội đất nước, ĐHQGHN tiếp tục thể hiện trách nhiệm quốc gia trong việc tham gia chủ trì, thực hiện những chương trình nghiên cứu có tầm vóc, mang giá trị thời đại, giá trị dân tộc và nhân văn lớn, mang ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao đối với sự phát triển của xã hội và đất nước như: Chương trình KH&CN phát triển bền vững vùng Tây Bắc, Nhiệm vụ KH&CN xây dựng Bộ địa chí quốc gia Việt Nam, Dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm Kinh điển phương Đông, Chương trình khoa học công nghệ phục vụ thu hút đầu tư phát triển kinh tế các tỉnh ven biển…

ĐHQGHN đã triển khai đa dạng và hiệu quả hợp tác với các tỉnh  thành trong cả nước nói chung và các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng nói riêng, tập trung vào phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu khoa học công nghệ và chuyển giao tri thức; tham gia tư vấn chính sách cho TƯ và bộ ngành; góp ý, phản biện quy hoạch cho một số địa phương…

Vùng Đồng bằng sông Hồng cần trở thành Trung tâm đổi mới sáng tạo - 4

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho rằng, bên cạnh những thành tựu, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Hồng chưa thật sự bền vững - chuyển dịch cơ cấu kinh tế toàn vùng chưa có bước đột phá, phát triển các ngành công nghiệp chủ yếu còn rộng, tri thức, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh thấp.

Cùng với đó, thị trường lao động phát triển chưa toàn diện, chất lượng nguồn nhân lực ở khu vực nông thôn còn rất hạn chế, tỷ lệ việc làm phi chính thức còn cao; tồn tại nhiều vấn đề xã hội cần giải quyết như độ bao phủ của bảo hiểm xã hội còn thấp; kết quả giảm nghèo chưa bền vững, chênh lệch giàu - nghèo về mức sống, tỷ lệ hộ nghèo ở một số địa bàn còn cao. Các vấn đề này tiếp tục sẽ là những khó khăn, thách thức trong giai đoạn phát triển mới của Vùng….

Tại hội thảo, bên cạnh tham luận từ các Bộ, ngành, địa phương, Hội thảo cũng nghe những chia sẻ mang tính khoa học từ các nhà khoa học, đơn vị thành viên và trực thuộc ĐHQGHN.

Vùng Đồng bằng sông Hồng cần trở thành Trung tâm đổi mới sáng tạo - 5

Các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến quan trọng tại hội thảo.

Qua tham luận "Giải pháp tăng cường bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", PGS.TS Trần Quốc Bình - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN đã đề cập đến các giải pháp chung cũng như các giải pháp cụ thể về bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc phát triển và ứng dụng KH&CN tích hợp với chuyển đổi số, công nghệ số, công nghệ thông minh, đổi mới sáng tạo.

Các ý kiến tại hội thảo là những luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW và Kết luận số 13-KL/TW của Bộ Chính trị, là cơ sở giúp Ban Chỉ đạo tổng kết, đánh giá lại kết quả phát triển của Vùng thời gian qua và củng cố, hoàn thiện các định hướng phát triển vùng đồng bằng sông Hồng trong thời gian tới, trên cơ sở đó, đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.