Vụ xét tuyển viên chức: Hà Nội phải hủy những văn bản trái quy định

(Dân trí) - Căn cứ pháp lý trong tuyển dụng viên chức là Nghị định 29/NĐ-CP, mọi văn bản khác trái với Nghị định là không được phép. Một số văn bản hướng dẫn của Sở Nội vụ Hà Nội đã ban hành là chưa đúng với quy định của pháp luật, căn cứ ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và đào tạo phát biểu, Bộ Nội vụ sẽ đề nghị UBND Thành phố Hà Nội thanh tra và hủy những văn bản này.

Đó là quan điểm của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trong buổi làm việc với Hà Nội về những lùm xùm trong công tác xét tuyển viên chức giáo dục năm 2015. Tham dự buổi làm việc tại trụ sở Bộ Nội vụ còn có đại diện của Bộ GD-ĐT, Bộ Tư pháp. Phó Chủ tịch UBND Thành phố phụ trách vấn đề tuyển dụng vắng mặt do bận việc đột xuất và giao cho Sở Nội vụ Hà Nội tiếp thu ý kiến chỉ đạo về báo cáo lại.

Tại buổi làm việc này, Sở Nội vụ Hà Nội tiếp tục luôn luôn “tái” khẳng định không làm trái với Nghị định 29/NĐ-CP, rằng việc ban hành văn bản hướng dẫn sau khi công bố kết quả tuyển dụng là để đôn đốc các Hội đồng tuyển dụng thực hiện cho đúng Nghị định 29/NĐ-CP. Công văn 2973 của Sở không đề cập đến việc tính điểm khác với Nghị định 29/NĐ-CP.

Trước sự “ngoan cố” và "bảo thủ" của Sở Nội vụ Hà Nội, ông Trần Văn Khiêm – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Nội vụ) nhấn mạnh: Cơ sở pháp lý trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức là Nghị định 29/2012/NĐ-CP. Đây là cơ sở pháp lý duy nhất có hiệu lực cao nhất hướng dẫn tính điểm tuyển dụng viên chức. Việc đưa cách tính điểm vào trong Nghị định là nhằm thực hiện thống nhất trong toàn quốc và nó phù hợp với phạm vi điều chỉnh nên không thể nhầm lẫn và cần hướng dẫn thêm.

“Đã quy định tại Nghị định thì chúng ta phải thực hiện cho đúng, còn quá trình thực hiện chưa phù hợp thì phải tổng hợp báo cáo lên Chính phủ để xem xét chỉnh sửa. Quyết định 25 của Bộ GD-ĐT ban hành năm 2006 và nó không thể thay đổi cách tính điểm về tuyển dụng. Nghị định có tính pháp lý cao hơn mà lại còn được ban hành sau nên việc đưa Quyết định 25 vào để tính tuyển dụng là không đúng. Như vậy việc áp dụng của văn bản 2973 là hoàn toàn nhầm lẫn và sai, không đúng phạm vi điều chỉnh. Bên cạnh đó văn bản 2973 là văn bản hành chính nhưng lại chứa quy phạm thì về mặt pháp lý đã là sai chứ chưa cần bàn đến nội dung” - ông Khiêm bóc tách.

Đại diện của Bộ Tư pháp cũng khẳng định, tại điểm 2 điều 12 Nghị định 29/2012/NĐ-CP quy định: Điểm tốt nghiệp được xác định bằng trung bình cộng kết quả các môn thi tốt nghiệp hoặc điểm bảo vệ luận văn của người dự xét tuyển và được quy đổi theo thang điểm 100, tính hệ số 1. Đã là Nghị định của Chính phủ thì phải được hướng dẫn và thực hiện thống nhất chứ không phải tự động “giải mã”. Nếu trong Luật giáo dục và hệ thống đào tạo hiện nay có điểm gì khác so với Nghị định thì cũng chỉ nên hướng dẫn cái gì tương đương với điểm tốt nghiệp hay luận văn mà thôi chứ không nên tự động “giải mã” theo ý của mình. Còn những vấn đề khác thì phải có ý kiến gửi Bộ Nội vụ để báo cáo Chỉnh phủ xem xét điều chỉnh, sửa đổi…

Cũng theo đại diện này thì việc đưa môn điều kiện Mác – Lê Nin vào để tính điểm tốt nghiệp cho những người bảo vệ khóa luận, đồ án tốt nghiệp là không hợp lý cần phải xem xét lại.

Đồng tình với các lập luận đưa ra, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn bày tỏ: Hệ thống văn bản chưa chuẩn thì sẽ có nghiên cứu để sửa Nghị định 29/2012/NĐ-CP và Thông tư 15. Việc Sở Nội vụ Hà Nội ra văn bản hướng dẫn Nghị định 29/2012/NĐ-CP là không đúng chức năng, thẩm quyền của mình, trái pháp luật. Bên cạnh đó cả văn bản hướng dẫn 2973 của Sở Nội vụ cũng như văn bản 3446 của UBND Thành phố Hà Nội là văn bản hành chính nhưng lại chứa quy phạm là không phù hợp.

“Nguyên tắc làm không đúng thì phải sửa, ban hành các văn bản không đúng quy định phải hủy. Hơn nữa, căn cứ vào các văn bản này hướng dẫn, Hội đồng tuyển dụng ở các Quận, huyện phải thực hiện theo nên nếu văn bản này bị hủy thì kì thi cũng phải xem xét lại kết quả” – Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cảnh báo.

Cũng theo Thứ trưởng Tuấn, Vụ Công chức – Viên chức và Vụ Pháp chế sẽ hoàn thiện dự thảo văn bản để thống nhất Bộ Tư pháp và Bộ GD-ĐT sau đó sẽ gửi UBND TP đề nghị tiến hành xem xét giải quyết và thanh tra vụ việc này để xác định trách nhiệm và xử lý theo quy định.

“Đối với đơn thư khiếu nại kiến nghị của người dự thi khi Sở Nội vụ nhận được đề nghị trả lời bằng văn bản cho họ biết theo đúng quy định của pháp luật” – Thứ trưởng Trần Anh Tuấn quán triệt trước tình trạng Sở Nội vụ Hà nội “phớt lờ” trả lời đơn thư khiếu nại của thí sinh.

Nguyễn Hùng
(Email hungns@dantri.com.vn)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm