Vụ Phó giáo sư bị tố bán nghiên cứu: Sở hữu con người có sở hữu trí tuệ?

Huyên Nguyễn

(Dân trí) - Từ vụ việc ồn ào của PGS.TS Đinh Công Hướng đăng nghiên cứu khoa học mang tên đơn vị khác, dư luận đặt tranh luận cơ quan chủ quản được sở hữu con người nhưng có sở hữu cả trí tuệ?

TS Châu Văn Lương - nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng - nêu vấn đề, lâu nay quan niệm của đa số vẫn mang tính sở hữu. Đơn vị nào là cơ quan chủ quản sẽ sở hữu cả tài sản trí tuệ của người trực thuộc.

Song, ở góc độ khác, tài sản trí tuệ lại mang tính cá nhân, ai có trí tuệ được quyền sử dụng tài sản của họ. Họ dùng tài sản, "chất xám" đó để tạo nên thu nhập một cách chính đáng.

Vụ Phó giáo sư bị tố bán nghiên cứu: Sở hữu con người có sở hữu trí tuệ? - 1

TS Châu Văn Lương - nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng (Ảnh: Hoàng Hoàng).

Ông Lương dẫn chứng theo Luật Sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu trí tuệ bao gồm các quyền sở hữu đối với sản phẩm của hoạt động trí tuệ và tinh thần như tác phẩm văn học, nghệ thuật, tác phẩm khoa học, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý và giống cây trồng.

Một trong các đối tượng sở hữu trí tuệ được Nhà nước bảo hộ bao gồm đối tượng quyền tác giả.

Quyền tác giả là quyền sở hữu của cá nhân, pháp nhân đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Quyền này cho phép người sáng tạo kiểm soát được việc khai thác, sao chép, cải biên, công bố tác phẩm của mình.

Theo các quy định pháp luật khác, người lao động cơ hữu cho một đơn vị nào đó vẫn có thể thực hiện hợp đồng theo vụ việc với đơn vị khác nếu đảm bảo một số quy định liên quan.

Trở lại vấn đề, ông Châu Văn Lương nhận định việc PGS.TS Đinh Công Hướng đăng nghiên cứu khoa học mang tên đơn vị khác trở nên ồn ào khi tại nước ta thời gian qua xuất hiện một số trường đại học nổi lên nhờ công bố quốc tế của các nhà khoa học ở đơn vị khác.

"Dư luận thường gọi hiện tượng trên là "mua" bài báo của các nhà khoa học, lấy bài và đứng tên đơn vị để có điểm trong xếp hạng thế giới. Song, thực tế thế giới vẫn đang tính điểm cho các trường này. Vậy vấn đề đặt ra là chúng ta cần xử lý hài hòa, thống nhất giữa các bên", ông Lương đặt vấn đề.

Nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng bày tỏ khi đang cơ hữu tại đơn vị nào đó, nhà khoa học phải hoàn thành nghĩa vụ với cơ quan. Sau đó, có thể được hợp tác với nơi khác nhưng không được làm ảnh hưởng tới uy tín và công việc được giao tại cơ quan chính thức.

Ở góc nhìn khác, TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo - cho rằng để nhận định, đánh giá về một ai đó cần xét tới động cơ.

Ông Vinh dẫn lại, PGS.TS Đinh Công Hướng chia sẻ việc đăng bài ở đơn vị khác ngoài hạnh phúc, sung sướng khi "đứa con trí tuệ" của mình ra đời thì ông cũng mong muốn có thù lao, tăng thu nhập.

"Ai cũng mong được sử dụng sức lao động chân chính của mình để có cuộc sống tốt hơn. Đó là nguyện vọng, động cơ chính đáng. Cá nhân PGS.TS Đinh Công Hướng cũng lao động bằng chất xám và không sử dụng tài sản của cơ quan này để làm việc cho cơ quan kia", ông Vinh phân tích.

Vụ Phó giáo sư bị tố bán nghiên cứu: Sở hữu con người có sở hữu trí tuệ? - 2

TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Song, theo ông Vinh, cần trả lời câu hỏi trước khi làm việc này, nhà khoa học có biết mục đích đăng bài sẽ giúp trường "đánh bóng" thương hiệu hay không, nếu biết mà cố tình làm là điều không nên.

"Tuy đăng bài ở đơn vị khác không vi phạm gì cả nhưng rõ ràng không nên. Làm thế không khác nào "tiếp tay" cho hành vi không chân chính của một trường đại học. Chúng ta mới chỉ đang suy đoán chứ chưa rõ nội tình cụ thể. Có những người làm thực sự vì đam mê, cũng sẽ có trường hợp đạt cả 2 mục đích đam mê và vật chất", TS Hoàng Ngọc Vinh nhận định.

Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp nhận định qua vụ việc này, cần nghiêm túc xem xét lại chế độ đãi ngộ đối với tri thức, tạo môi trường cho họ được lao động, cống hiến.

Ông đặt vấn đề, giả sử PGS.TS Đinh Công Hướng đang sinh sống ở nước ngoài và làm như vậy thì trong nước có ồn ào hay không?

Đồng quan điểm, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo - bày tỏ trước một vụ việc cần rất thận trọng và xét đầy đủ yếu tố liên quan.

Nhưng, ông cho rằng chúng ta nên quan niệm giáo sư là của cả cộng đồng chung chứ không nên nghĩ giáo sư chỉ của một trường nào đó. Điều này hạn chế đi sự đóng góp.

Vụ Phó giáo sư bị tố bán nghiên cứu: Sở hữu con người có sở hữu trí tuệ? - 3

TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Ông dẫn chứng những giáo sư nước ngoài vào Việt Nam để triển khai nghiên cứu, họ cũng có thể đăng ký tên của trường tại Việt Nam thay vì tên đơn vị họ làm ở nước ngoài.

Hay như nhà khoa học của mình đi làm cộng tác với nước ngoài hoặc đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài cũng đề tên trường nước ngoài chứ không đề tên đơn vị mình làm việc.

Ông Lê Viết Khuyến đề xuất cần có quy định rõ ràng, thận trọng để tránh những tranh cãi như thế này.

Những ngày qua, cộng đồng khoa học xôn xao việc PGS.TS Đinh Công Hướng - giảng viên Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, thành viên Hội đồng ngành Toán, Quỹ Nafosted (Quỹ Phát triển khoa học và Công nghệ quốc gia), nộp đơn xin rút khỏi hội đồng này - vì bị tố cáo vi phạm liêm chính học thuật.

Theo thống kê từ MathSciNet - cơ sở dữ liệu của Hiệp hội Toán học Mỹ, ông Hướng có 42 công trình nghiên cứu khoa học. Trong đó, 17 công trình ông ký tên 2 trường đại học khác.

Thời gian thực hiện những nghiên cứu này, PGS Hướng là giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Quy Nhơn (Bình Định). Ông Hướng giải thích đã ký hợp đồng hợp tác nghiên cứu khoa học với hai trường nói trên. Lý do là Trường Đại học Quy Nhơn không cấm việc này nếu giảng viên đã hoàn thành nhiệm vụ, trong khi ông chịu áp lực về kinh tế gia đình.

Mặt khác, ông cho biết không sử dụng cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm của Trường Đại học Quy Nhơn để thực hiện đề tài nghiên cứu cho đơn vị khác.