Vụ “NXB chi thù lao cho Sở”, GS Đào Trọng Thi: “Cần có quy định ngăn chặn tiêu cực trong quá trình lựa chọn sách”
(Dân trí) - “Theo tôi, Chính phủ và Bộ GD&ĐT khi ban hành các văn bản pháp quy hoặc hướng dẫn liên quan, cần có quy định ngăn chặn những người có khả năng ảnh hưởng đến quá trình lựa chọn sách, không được tham gia các hoạt động mang lại lợi ích cho họ từ chuyện xuất bản sách giáo khoa”.
Trên đây là ý kiến của GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội về vụ việc NXB Giáo dục chi thù lao cho Sở GD&ĐT TPHCM nói riêng và quy trình lựa chọn sách giáo khoa (SGK) nói chung.
Được biết, ngày 22/11, Bộ GD&ĐT chính thức công bố danh mục 32 SGK được sử dụng trong năm học tới, để các trường phổ thông lựa chọn bộ sách phù hợp cho học sinh địa phương.
Tuy nhiên, điều bất ngờ là từ năm 2015 đến nay, NXB Giáo dục Việt Nam đã chi thù lao cho Ban chỉ đạo biên soạn bộ SGK miền Nam thuộc Sở GD&ĐT TPHCM.
Trong đó, Giám đốc, Phó giám đốc Sở cùng Chánh văn phòng, Phó văn phòng, các Trưởng, Phó phòng chuyên môn, chuyên viên chỉ đạo toàn bộ các môn học từ tiểu học đến trung học phổ thông của Sở này mỗi tháng từ 2,5 triệu đến 6 triệu đồng, tùy chức vụ.
Theo Bộ GD&ĐT, NXB Giáo dục và Sở GD&ĐT TPHCM phải có trách nhiệm giải trình những gì báo chí và dư luận nêu.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, những điều giải thích của Sở GD&ĐT TPHCM chưa thoả mãn dư luận.
Theo nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cần phải làm rõ thù lao đấy là để trả cho việc gì, nhưng cho dù trả cho việc gì thì cũng không được vì nó bị xung đột lợi ích.
Đánh giá về Chương trình Phổ thông mới, GS Đào Trọng Thi cho rằng, nhìn tổng thể, Chương trình mới mang lại rất nhiều điều tốt đẹp.
Nếu có một số ảnh hưởng trái chiều, ông cho rằng, đấy cũng dễ hiểu bởi cuộc sống vốn như thế.
Tuy nhiên, trao đổi với PV Dân trí về vụ việc này, GS Đào Trọng Thi cho rằng, Sở GD TPHCM cần giải trình rõ hơn tiền đấy chi cho hoạt động gì và bồi dưỡng như thế nào.
“Tôi nghĩ Sở cần sớm giải trình cho rõ. Vừa rồi không thấy họ giải trình gì và những giải thích ban đầu, tôi thấy vẫn chưa hiểu rõ nội dung câu chuyện. Một khi thông tin không đầy đủ, không bàn luận được”, GS Đào Trọng Thi nói.
Cũng theo GS Đào Trọng Thi, trong mọi trường hợp, việc một cơ quan quản lý nhà nước có ảnh hưởng nhất định đến việc chọn lựa SGK - nhất khi Luật Giáo dục đã giao cho cấp tỉnh làm việc này, Sở GD&ĐT lại càng có vai trò quan trọng.
Vậy, những cơ quan có ảnh hưởng nhất định đến lựa chọn SGK cần có quy định không được tham gia đến chuyện gì có liên quan. Thậm chí, có thể liên quan đến việc họ có lợi ích trong việc lựa chọn đó.
“Cũng có thể hiện tại chúng ta chưa có quy định nên khó quy kết họ sai theo quy định nào. Nếu không, chỉ có thể liệt vào vấn đề đạo đức.
Thứ hai theo tôi, Chính phủ và Bộ GD&ĐT khi ban hành các văn bản pháp quy hoặc hướng dẫn liên quan, cần có quy định ngăn chặn những người có khả năng ảnh hưởng đến quá trình lựa chọn sách, không được tham gia các hoạt động mang lại lợi ích cho họ từ chuyện xuất bản SGK”, GS Đào Trọng Thi khẳng định.
Chia sẻ thêm về lo ngại, sẽ có một cuộc đua giữa các NXB về các địa phương. Theo đó, đơn vị nào có tiềm lực, sẽ thắng thế trong chọn SGK chứ không căn cứ vào lợi ích người học.
GS Đào Trọng Thi cho rằng, lo ngại đó hoàn toàn có lý và có cơ sở. Nhưng ông cho rằng, trong cuộc sống, bất kì lĩnh vực nào đều có những quy định có cả mặt tích cực và tiêu cực. Quan trọng khi triển khai thực hiện, phải hạn chế những ảnh hưởng không tốt, phát huy điều tích cực.
“Không có quy định gì toàn vẹn tất cả. Có khi quy định tích cực nhưng con người thực hiện “bẻ lái” thì thành tiêu cực. Do vậy, quan trọng phải có cơ chế, có giám sát kiểm tra để khống chế mặt tiêu cực và phát huy mặt tích cực”, GS Thi nói.
Được biết, ngay sau khi báo chí đăng tải thông tin, chiều tối 6/12, đại diện Bộ GD&ĐT có ý kiến về việc Sở GD&ĐT TPHCM phối hợp với NXB Giáo dục VN biên soạn một bộ SGK và nhận thù lao hằng tháng từ nhà xuất bản này.
Phần trả lời ghi rõ: Theo quy định của luật Xuất bản thì việc liên kết với tổ chức, cá nhân trong hoạt động xuất bản quy định trách nhiệm của tổng giám đốc (giám đốc) NXB.
Vì vậy, tổng giám đốc (giám đốc) NXB phải chịu trách nhiệm về đối tác, hình thức liên kết và giao kết hợp đồng liên kết đối với từng xuất bản phẩm (ở đây là SGK).
Trách nhiệm của đối tác (cá nhân, tổ chức) liên kết xuất bản với NXB đã được quy định trong luật Xuất bản và các quy định có liên quan pháp luật.
Ngoài ra, nếu đối tác liên kết xuất bản là cán bộ, công chức nhà nước thì phải tuân thủ các quy định của luật Công chức, luật Phòng, chống tham nhũng...; bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, phòng tránh sự xung đột về lợi ích có thể xảy ra.
Trong trường hợp này, NXB Giáo dục VN và Sở GD&ĐT TPHCM có trách nhiệm giải trình cụ thể về việc mà báo chí đã nêu.
Mỹ Hà