Vụ “loạn trường thi”: Bao giờ “xử” xong?

(Dân trí) - Sau vụ “loạn trường thi” ở Nam Đàn 2 được phanh phui, 75 giáo viên coi thi tại đây đã phải viết tường trình về sự việc. Nhiều giáo viên đã đổ lỗi là do áp lực bên ngoài gây sức ép quá mạnh khiến các giám thị ngại và sợ. Tuy nhiên, ông Lê Tiến Hưng - GĐ Sở GD-ĐT Nghệ An khẳng định: “Nguyên nhân không hoàn toàn do sức ép bên ngoài”.

Để xảy ra tình trạng “loạn thi” ở Hội đồng thi tại Trường THPT Nam Đàn 2 như dư luận lên tiếng có phải là điều “mới mẻ” trên địa bàn Nghệ An, thưa ông?

 

Tôi cho rằng hiện tượng được phản ánh là hiện tượng mới…

 

Mới xảy ra tiêu cực, cụ thể là lộn xộn thi hay là mới được phát hiện?

 

Không. Sự việc xảy ra trước đó rồi nhưng mới được tố cáo. Từ trước đến nay điểm thi Trường PTTH Nam Đàn 2 vẫn là điểm lộn xộn thi nhưng chúng tôi không nghĩ rằng nó lộn xộn đến mức như thế.

 

Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT 2006-2006 thì chúng tôi đã đánh giá điểm thi tại Nam Đàn 2 là điểm thi có sự lộn xộn hơn cả so với những điểm thi khác trên địa bàn. Và ngay lập tức chúng tôi đã tham mưu với UBND Tỉnh và Tỉnh đã ra hai công văn phê bình…

 

Sau khi hiện tượng tiêu cực trên được “phanh phui”, Sở đã có động thái gì xử lý, thưa ông?

 

Chúng tôi tiếp nhận thông tin này là chiều 1/9. Sau đó Sở đã tiến hành cho triển khai, rà soát để xác minh xem sự việc “loạn điểm thi” diễn ra ở điểm thi nào và ai là “tác giả” của 4 đoạn phim trên. Chiều cùng ngày tôi đã trực tiếp báo cáo qua điện thoại với Giám đốc Trung tâm tin học của Bộ GD-ĐT về địa điểm “nổi loạn” là ở Trường THPT Nam Đàn 2. Chiều 5/9 chúng tôi đã tổ chức họp để thanh tra, kiểm tra.

 

Khi viết tường trình trả lời Đoàn thanh tra về hiện tượng tiêu cực trên, 75 giáo viên được giao nhiệm vụ coi thi tại điểm thi Nam Đàn 2 đã thừa nhận sai sót và giải thích họ làm việc đó là do chịu sức ép từ bên ngoài nên sợ không giám bảo vệ nghiêm ngặt, ông giải thích vấn đề này như thế nào?

 

Tôi cho rằng việc Nam Đàn có sự lộn xộn trong thi cử không phải hoàn toàn là do sức ép từ bên ngoài. Dù bất cứ lý do gì cũng không cho phép những người làm nhiệm vụ coi thi “lơ là”…

 

Nghĩa là vẫn có yếu tố bên ngoài tác động?

 

Tôi không hoàn toàn đồng ý như vậy. Mà rõ ràng là do trách nhiệm người coi thi. Không hoàn toàn cố ý nhưng anh cũng không nên đổ lỗi cho bên ngoài.

 

Đến thời điểm nào thì Sở có kết luận cuối cùng, cũng như hướng xử lý?

 

Bây giờ chúng tôi đang tiến hành thanh tra, kiểm tra. Khi có kết luận cuối cùng của Đoàn thanh tra mới tiến hành làm quy trình để xử lý kỷ luật đối với những giáo viên vi phạm. Thời gian thanh tra, kiểm tra đến kết luận theo quy định cũng khoảng 15 đến 20 ngày. Tinh thần chỉ đạo của Sở là làm khẩn trương.

 

Cụ thể là khoảng ngày nào?

 

Việc đó là của đoàn thanh tra, Ban giám đốc chỉ giao nhiệm vụ cho họ thôi, mình không nên khống chế thời gian của họ… Bởi vì đoàn thanh tra không chỉ thanh tra vụ lộn xộn ở phòng thi mà tiến hành kiểm tra cả Hội đồng thi đó. Cho nên để có kết luận, để xử lý được thì phải chờ. Mục đích là để cho không oan đối tượng nhưng mặt khác cũng phải thật là kỷ cương.

 

Trách nhiệm của Sở trong chuyện này đến đâu, thưa ông?

 

Xảy ra sự việc này là điều hết sức bất ngờ và lẽ ra là không đáng có một chút nào cả. Nhất là nó lại diễn ra trong thời điểm đầu năm học mới. Nhân đây chúng tôi cũng quán triệt làm rõ đến nơi đến chốn, xác định rõ tiêu cực trong thi cử. Một mặt xác lập lại kỷ cương trong toàn ngành. Phần nữa, Sở cũng có được bài học quý báu cho công tác chỉ đạo nhất là năm đầu tiên thực hiện Quyết đinh của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và thành tích ảo trong giáo dục”.

 

Tư tưởng chỉ đạo của Sở là kiên quyết, làm đến nơi đến chốn nhưng quy trình thanh tra phải đảm bảo.

 

Không phải không giáo viên nào biết việc xảy ra lộn xộn trong thi cử, chỉ có điều người ta im lặng, ông đánh giá như thế nào về hành động của thầy Hoàng?

 

Như các phương tiện thông tin đại chúng đã nói và bản thân tôi cũng hoan nghênh hành động của thầy giáo Hoàng.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Đặng Nguyên Nghĩa

(Thực hiện)