Vụ lộ đề thi sinh: Lợi dụng lỗ hổng tuồn tài liệu ôn thi cho 8 người nhà

Mỹ Hà

(Dân trí) - "Họ dùng các câu hỏi đã được đưa trót lọt vào ngân hàng câu hỏi thi để giảng dạy, ôn thi cho 8 học sinh lớp 12 là các mối quan hệ họ hàng, quen biết có nguyện vọng xét tuyển Đại học khối B".

"Tuồn" tài liệu cho 8 thí sinh thân quen

Tòa án nhân dân (TAND) TP Hà Nội vừa ban hành quyết định đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án lộ đề môn sinh học kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Các bị cáo bị đưa ra xét xử là bà Phạm Thị My (60 tuổi) và ông Bùi Văn Sâm (74 tuổi), nguyên là giáo viên. Hai bị cáo bị đưa ra xét xử về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Dự kiến phiên tòa diễn ra ngày 29/6. Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Nguyễn Đình Tiến. Bị cáo Phạm Thị My có ba luật sư đăng ký bào chữa.

Theo kết luận của cơ quan điều tra , hai đối tượng Sâm, My tham gia cả hai giai đoạn xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi ở nhiều kỳ thi tốt nghiệp THPT các năm trước, biết được phần mềm rút câu hỏi không ngẫu nhiên.

Vụ lộ đề thi sinh: Lợi dụng lỗ hổng tuồn tài liệu ôn thi cho 8 người nhà - 1

Đề thi môn sinh giống y hệt đề ôn tập của ông Phan Khắc Nghệ (Ảnh: Đ. H).

Chính vì điều này, năm 2021, hai đối tượng Sâm, My lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao đưa tài liệu về nhà biên soạn thành câu hỏi, sau đó sắp xếp vào các vị trí để được định hướng rút ra làm nguồn đề thi chính thức.

Ngoài ra, họ còn dùng các câu hỏi trên làm tài liệu ôn thi cho 8 học sinh là người thân quen.

Cụ thể, khi xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, bà My 3 lần mang các tài liệu ra khỏi khu vực quy định, gồm các bảng thống kê số lượng câu hỏi mới được biên soạn. Bà My đánh máy đưa vào hộp đựng kính của mình mang về nhà.

Bà My sau đó chỉnh sửa, hoàn thiện trên máy tính cá nhân ở nhà rồi in hai bản để mình và ông Sâm mỗi người cầm một bản.

Sau khi nhận các tài liệu trên, ông Sâm chỉnh sửa trực tiếp trên bản in, rồi trao đổi với bà My để bà My ghi chép lại, đưa về nhà chỉnh sửa, hoàn thiện trên máy tính.

Sau đó, hai người đưa các nội dung câu hỏi này vào ngân hàng câu hỏi trong các đợt xây dựng ngân hàng câu hỏi tiếp theo.

"Biết được quy luật rút câu hỏi của phần mềm quản lý của Bộ Giáo dục và đào tạo, hai người thống nhất sắp xếp các câu hỏi do mình biên soạn, biên tập vào các vị trí "ngắm sẵn".

Mục đích việc này để khi máy tính rút các câu hỏi làm nguồn xây dựng đề thi, các câu hỏi này sẽ cùng một tổ hợp. Sau đó khi tham gia Hội đồng ra đề thi, chính họ sẽ chọn các tổ hợp câu hỏi này để làm đề thi chính thức", cáo trạng nêu rõ.

"Cũng với quá trình này, hai đối tượng Sâm, My dùng các câu hỏi đã được đưa trót lọt vào ngân hàng câu hỏi thi để giảng dạy, ôn thi cho 8 học sinh lớp 12. 8 học sinh này có mối quan hệ họ hàng, quen biết có nguyện vọng xét tuyển đại học khối B, song "không nhận tiền của phụ huynh, học sinh mà vì nể nang, tình cảm cá nhân", cơ quan công tố cáo buộc.

Ông Sâm khai món quà duy nhất được nhận từ phụ huynh là một hộp sâm Hàn Quốc.

Ngày 8/6/2021, khi Hội đồng ra đề thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 được thành lập, bà My với tư cách Tổ trưởng Tổ ra đề thi môn sinh học, khi nhận 16 tổ hợp câu hỏi, đã định hướng lựa chọn 4 mã đề do mình và ông Sâm biên soạn để làm đề thi chính thức. Các thành viên trong tổ đồng ý.

Sau khi tổ thẩm định, phản biện, chỉnh sửa, 4 mã đề này có một số thay đổi nhưng nội dung giữ nguyên. Những nội dung này sau đó được Hội đồng ra đề thi phê duyệt làm 4 đề thi chính thức môn sinh học dùng cho kỳ thi THPT năm 2021.

Vụ lộ đề thi sinh: Lợi dụng lỗ hổng tuồn tài liệu ôn thi cho 8 người nhà - 2

Đề thi và tài liệu ôn tập giống đến cả hình vẽ (Ảnh: Đ.H).

Đề thi và đề ôn tập giống 70-100%

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 được tổ chức thành 2 đợt, tháng 7 và tháng 8 do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Sau khi kết thúc kỳ thi đợt 1, dư luận, báo chí phản ánh về nghi vấn lộ đề thi môn sinh học, theo đó đề thi môn sinh học "giống 80%" so với đề ôn tập trên mạng Internet của ông Phan Khắc Nghệ (Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Tĩnh).

Đối với đề ôn tập trên mạng Internet của ông Phan Khắc Nghệ, kết quả giám định của Bộ GD&ĐT xác định: Các câu hỏi do Bùi Văn Sâm và Phạm Thị My soạn thảo đưa vào ngân hàng câu hỏi và 4 tổ hợp đề được chọn làm nguồn xây dựng đề chính thức so với các câu hỏi trong video của ông Phan Khắc Nghệ giảng dạy trên mạng Internet có nội dung giống từ 70% đến 100%. Trong đó, có một số câu hỏi trùng cả về nội dung, đơn vị kiến thức, lời dẫn và đáp án.

Kết quả điều tra xác định, ông Phan Khắc Nghệ đã tham gia công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi thi (năm 2009 đến 2018) của Bộ GD&ĐT, có quan hệ quen biết với Bùi Văn Sâm và Phạm Thị My.

Trong các năm 2015, 2016, 2018 ông Nghệ có gửi email cho Phạm Thị My về các câu hỏi thi môn sinh học.

Trong quá trình Phạm Thị My tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi thi năm 2021, ông Nghệ cũng nhiều lần gọi điện, gửi email hẹn gặp Phạm Thị My để tìm hiểu thông tin liên quan đến đề thi môn sinh học.

Tuy nhiên, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an kết luận chưa có căn cứ xác định bị can Phạm Thị My gặp, trao đổi thông tin tài liệu liên quan đến ngân hàng câu hỏi thi năm 2021 cho ông Nghệ.

Mặt khác, do tài liệu ông Nghệ giảng dạy trên mạng Internet, không có giá trị truy nguyên nên chưa đủ căn cứ xác định ông Phan Khắc Nghệ sử dụng tài liệu của bị can Bùi Văn Sâm, Phạm Thị My để giảng dạy.

Vụ lộ đề thi sinh: Lợi dụng lỗ hổng tuồn tài liệu ôn thi cho 8 người nhà - 3

Thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 (Ảnh: Mạnh Quân).

Lợi dụng lỗ hổng 

Về phần mềm quản lý ngân hàng câu hỏi thi của Bộ GD&ĐT, ban đầu hoạt động theo cơ chế chọn ngẫu nhiên và áp dụng trong hội đồng ra đề thi năm 2018.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng ngân hàng câu hỏi thi năm 2019, cán bộ Trung tâm khảo thí quốc gia được giao phụ trách quản lý phần mềm đã chỉnh sửa bằng cách viết mã nguồn (code) mới. Mục đích của việc làm trên để thêm tính năng xếp hạng thứ tự câu hỏi thi trong từng ô câu hỏi và thay đổi tính năng sinh đề của phần mềm.

Do đó, phần mềm không còn được rút ngẫu nhiên mà sẽ rút được các tổ hợp câu hỏi mà trong đó các câu hỏi có cùng số thứ tự xếp hạng sẽ vào cùng một tổ hợp đề.

Kết quá điều tra, thu thập tài liệu tại Bộ GD&ĐT xác định, việc sử dụng phần mềm rút các tổ hợp câu hỏi từ ngân hàng câu hỏi thi tại hội đồng ra đề thi các năm 2019, 2020 và 2021 không theo nguyên tắc ngẫu nhiên mà đã được thực hiện theo quy luật các câu hỏi có cùng số thứ tự xếp hạng đều được rút vào cùng một tổ hợp.

Kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, xác định: Phần mềm quản lý ngân hàng câu hỏi trong máy chủ tại Trung tâm khảo thí Quốc gia có chức năng thiết lập "thứ tự xếp hạng" câu hỏi và khi xuất bộ đề thì các câu hỏi được chọn ngẫu nhiên từ cơ sở dữ liệu.

Trong phần mềm có hai đoạn mã nguồn có chức năng thực hiện việc chọn câu hỏi không ngẫu nhiên, nếu sử dụng hai đoạn mã nguồn này khi sử dụng chức năng "xuất bộ đề" thì các câu hỏi được chọn theo ý muốn và hai đối tượng  Sâm, My đã lợi dụng lỗ hổng này để thực hiện theo ý đồ. 

Ông Sâm và bà My, cựu giáo viên Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, được phân công làm tổ trưởng và tổ phó, tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và Hội đồng ra đề thi môn sinh học (kỳ thi tốt nghiệp THPT).

Sau khi xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, đến giai đoạn tổ chức ra đề thi, bà My và ông Sâm tiếp tục được phân làm tổ trưởng và thẩm định viên của tổ ra đề thi môn sinh học.

Ngay sau khi thông tin lộ đề thi râm ran trên báo chí, Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ GD&ĐT tiến hành kiểm tra, xác minh ban đầu, sau đó chuyển hồ sơ cho Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an tiến hành điều tra theo quy định.

Bà My và ông Sâm sau đó bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố ngày 10/6/2022.

Kết luận của Hội đồng giám định Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định, tập tài liệu ông Sâm giao nộp có nội dung các câu hỏi giống 75%-95% so với 4 mã đề thi chính thức đã được sử dụng trong đợt 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm