Vụ điểm cao bất thường tại Hà Giang: Không thể để ảnh hưởng tới hàng triệu thí sinh khác!
(Dân trí) - “Tuyệt đại đa số địa bàn trên cả nước, kỳ thi đã diễn ra nghiêm túc nhưng những điều bất thường như xảy ra ở Hà Giang là những việc vô cùng xấu xí nên kiên quyết xử lý nghiêm túc tới cùng. Không thể để một “điểm đen” như vậy làm ảnh hưởng chung tới hàng triệu thí sinh, hàng triệu gia đình...”.
Xử lý nghiêm túc, đúng người đúng việc
Tại buổi họp báo công bố rà soát điểm thi cao bất thường tại Hà Giang, phóng viên đặt nghi vấn ở một số tỉnh khác như Sơn La, liệu có tiêu cực khiến điểm thi cao bất thường như Hà Giang? Bộ GD&ĐT sẽ có động thái như thế nào?
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, “Việc ở tỉnh này tỉnh kia điểm thi cũng có dấu hiệu bất thường, chúng tôi sẽ báo cáo ban chỉ đạo thi THPT quốc gia và xem xét trên tình hình cụ thể chúng tôi sẽ có phương án phù hợp”.
Cũng theo ông Trinh, ngay sau khi có báo cáo về việc có dấu hiệu bất thường trong rà soát chấm thi của Hà Giang, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã làm việc trực tiếp với Bộ trưởng Bộ Công an và cả hai Bộ trưởng đều thống nhất phải xử lý sự việc một cách nghiêm túc, xử lý đúng người đúng việc. Trên thực tế, cả T.Ư và địa phương đều thống nhất quan điểm làm nghiêm túc để xử lý nghiêm.
“Thực tế, kết quả bước đầu đã trả lời điều đó và thời gian tới chắc chắn việc điều tra chưa kết thúc. Các công việc tiếp theo phải theo các trình tự, theo các quy định cụ thể để củng cố thêm các chứng cứ vi phạm”, ông Trinh khẳng định.
Thấm thía bài học từ Hà Giang
Đánh giá kết quả rà soát của đoàn công tác của Bộ GD&ĐT tại Hà Giang trong những ngày qua, ông Trinh cho biết, đoàn công tác thi THPT quốc gia của Bộ GD&ĐT đã làm việc với trách nhiệm cao vì bà con đồng bào dân tộc tỉnh Hà Giang, vì hơn 5.000 thí sinh dự thi của tỉnh năm nay, và vì sự công bằng của kỳ thi trên cả nước: “Chúng tôi làm việc trên tinh thần thượng tôn pháp luật, nghiêm túc, đánh giá sai phạm xảy ra khi có người thay đổi điểm của thí sinh theo hướng nâng điểm. Đây là vi phạm rất nghiêm trọng trong quy chế thi”.
Trước những lỗ hổng trong khâu chấm thi trắc nghiệm, dư luận đặt ra câu hỏi liệu có nên tiếp tục kì thi hai trong một? Ông Mai Văn Trinh khẳng định, từ năm 2015 đến nay, chúng ta đã trải qua 4 năm tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.
Việc tổ chức kỳ thi này trên cơ sở căn cứ pháp lý rất quan trọng nhằm lấy kết quả để xét tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH- CĐ và giáo dục nghề nghiệp.
Với quy trình tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, sau mỗi năm có điều chỉnh kỹ thuật để tốt hơn. Và trên thực tế, tuyệt đại đa số người dân và học sinh đều ủng hộ phương án thi này vì giảm áp lực, giảm tốn kém.
“Tuyệt đại đa số địa bàn trên cả nước, kỳ thi đã diễn ra nghiêm túc nhưng những điều bất thường như xảy ra ở Hà Giang là những việc vô cùng xấu xí nên kiên quyết xử lý nghiêm túc tới cùng. Không thể để một “điểm đen” như vậy làm ảnh hưởng chung tới hàng triệu thí sinh, hàng triệu gia đình.Tất nhiên trong những năm tới, qua những bài học như thế này, Bộ GD&ĐT sẽ cùng với tất cả các địa phương sẽ rà soát, điều chỉnh để đảm bảo kỳ thi ngày càng nghiêm túc”.
Gửi thông điệp tới tất cả học sinh, sinh viên trong cả nước, ông Trinh cho hay, không chỉ riêng kỳ thi THPT quốc gia mà trong mọi kỳ thi, cuộc thi đều hướng đến việc nghiêm túc để kết quả có độ chính xác, tin cậy nhất.
Tất cả những người, những cá nhân vi phạm quy chế thi dù ở cấp độ nào cũng đều phải xử lý nghiêm theo đúng quy định về mức độ sai phạm.
“Trong những năm tới, qua vụ việc của Hà Giang, chúng tôi cũng thấm thía và có một số bài học. Quy trình tốt rồi, các bước tốt rồi nhưng con người vận hành quy trình ấy có tính chất quyết định đến mọi công việc. Cho nên việc lựa chọn những người nào tham gia khâu nào của kỳ thi, từ phẩm chất năng lực, tinh thần, thái độ, đạo đức… phải đặc biệt được coi trọng.
Thứ hai, tiếp tục tăng cường sử dụng các thiết bị, phương tiện kỹ thuật để hỗ trợ cho công tác quản lý… Tất cả những điều này chúng tôi sẽ cân nhắc một cách hợp lý để đưa vào kỳ thi trong các năm tới”, ông Trinh khẳng định.
Theo người đứng đầu Cục Quản lý Chất lượng, thời điểm hiện tại, mô hình tổ chức này là phù hợp, nên sẽ tiếp tục duy trì phương thức thi này trong những năm tới nhưng kèm theo những điều chỉnh, thay đổi để kỳ thi ngày một nghiêm túc và có độ tin cậy cao hơn.
Chưa khẳng định bỏ tiền mua điểm
Trước nghi vấn việc sửa điểm thi ở Hà Giang có phải do một số đối tượng cấu kết “bỏ tiền mua điểm”? ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, có việc đó hay không phải chờ cơ quan pháp luật vào cuộc.
Ông Quý cho hay: “Xác định động cơ của đối tượng vi phạm, tôi nghĩ đó là động cơ không trong sáng. Còn việc khẳng định có “mua điểm” hay không thì phải chờ cơ quan pháp luật vào cuộc.
Nếu đúng như vậy thì chúng ta cũng theo đúng quy định của pháp luật để xử lý. Đây là bài học xương máu để ngành GD&ĐT Hà Giang khắc phục được trong các kỳ thi trong các năm tới”.
Mỹ Hà