Vụ cô giáo bị lén đặt camera: Vì sao giáo viên vẫn áp dụng “kỷ luật roi vọt”?
(Dân trí) - Khó có thể tin giáo viên không biết những hành vi “kỷ luật roi vọt” là không phù hợp và vi phạm quyền trẻ em. Vậy tại sao vẫn có những vụ việc giáo viên bạo hành học sinh xảy ra? Nguyên nhân là gì và giáo viên cần được hỗ trợ như thế nào?
Tại sao vẫn xảy ra những vụ giáo viên bạo hành học sinh?
Toàn ngành đã triển khai rất nhiều các chính sách, hoạt động, chỉ đạo vì một trường học an toàn và thân thiện. Truyền thông đã đưa tin nhiều về điều này. Khó có thể tin, giáo viên không biết những hành vi “kỷ luật roi vọt” là không phù hợp và vi phạm quyền trẻ em. Vậy tại sao vẫn có những vụ việc giáo viên bạo hành học sinh xảy ra? Nguyên nhân là gì và giáo viên cần được hỗ trợ như thế nào?
Theo những quan sát cá nhân, những vụ việc cá biệt nảy sinh do giáo viên có thói quen chỉ nhìn vào những gì hiệu quả trước mắt và không nhận ra những dấu hiệu tổn thương sức khỏe tinh thần của chính mình.
Chúng ta thường có thói quen phản ứng với những lợi ích trước mắt mà không thường cân nhắc đến những hậu quả lâu dài. Ví dụ, dẫu biết hút thuốc lá dẫn đến ung thư phổi nhưng mọi người vẫn bỏ qua hình ảnh người ung thư phổi đáng sợ trên bao bì để tiếp tục hút thuốc lá vì nó mang lại cảm giác thoải mái ngay lập tức.
Kỷ luật đòn roi cũng vậy, nó làm dừng ngay hành vi sai trái ở học sinh do các em sợ, làm giáo viên có cảm giác được trút giận, cảm giác mình có quyền lực, đã kiểm soát được tình hình nên mang lại cảm giác thư giãn thoải mái ngay lúc đó cho người giáo viên.
Vì cảm giác thoải mái này, nhiều giáo viên quên đi những hệ quả lâu dài có thể ảnh hưởng tới học sinh (như làm học sinh lẫn lộn, lo lắng, bẽ mặt, nhục nhã, tức giận dẫn đến các hành vi leo thang trong tương lai như lừa dối để tránh bị phạt, trả đũa bằng lời nói hành vi hoặc bỏ nhà, bỏ học vì chán chường) đồng thời làm bầu không khí trong lớp học luôn trở nên căng thẳng.
Bên cạnh đó, tôi cũng cho rằng về cơ bản, giáo viên trên bục giảng đều có những kỹ năng xử lý tình huống sư phạm nhất định. Tuy nhiên, kỹ năng mà các thầy cô được đào tạo ở trường chỉ áp dụng được trong tình huống khi người giáo viên thoải mái về thể chất và tinh thần, không bị ảnh hưởng bởi các áp lực cuộc sống.
Còn trong trạng thái mất cân bằng về mặt tâm lý, cảm xúc, họ đang chịu nhiều áp lực hoặc mới trải qua những sang chấn tâm lý thì những kỹ năng đã được đào tạo áp dụng bất khả thi.
Phụ huynh phát hiện cô giáo đánh, tát học sinh nhờ chiếc camera được lén đặt trong góc lớp.
Giáo viên cũng cần được tư vấn tâm lý
Vậy giải pháp là gì? Giáo viên cần được phân tích để hiểu hành vi sai của học sinh có xu hướng trầm trọng hơn trước khi bị dập tắt.
Cũng giống như việc chúng ta bấm nút cầu thang máy. Nếu bấm một lần không thấy đèn sáng và cầu thang di chuyển như mong đợi, không bao giờ chúng ta bỏ đi ngay. Chúng ta sẽ phải bấm thêm vài lần nữa, thậm chí đấm mạnh vào bảng điều khiển trước khi bỏ đi. Nghĩa là, nếu giáo viên xử lý tình huống mà ngay lập tức, hành vi có xu hướng trầm trọng hơn thì hãy kiên định và bình tĩnh vì thầy cô đang xử lý đúng.
Giáo viên cũng cần được tư vấn để sớm nhận diện các dấu hiệu tổn thương tâm lý cá nhân làm hạn chế năng lực ứng xử sư phạm phù hợp.
Ở nhiều quốc gia, thậm chí còn đưa vào một trong những nguyên tắc đạo đức để hành nghề là biết tự chăm sóc sức khỏe tinh thần và nâng cao năng lực kiểm soát cảm xúc của bản thân.
Vấn đề đặt ra, ai sẽ giúp người giáo viên? Bộ phận tư vấn tâm lý trong trường học có thể là một đầu mối có hiệu quả để giúp người giáo viên hiểu tại sao học sinh lại ứng xử sai và sử dụng các chiến lược quản lý hành vi thế nào cho phù hợp với đặc điểm tính cách của từng học sinh.
Tổ chức này cũng là bộ phận giúp đánh giá và tư vấn các vấn đề tổn thương tâm lý của giáo viên và là nơi có tiếng nói khách quan đề xuất các chính sách trong trường học giúp giảm tải những công việc không cần thiết để tập trung cho công tác dạy người.
Nhưng bản thân người giáo viên cũng sẽ phải tự giúp mình. Bằng cách bỏ qua những định kiến khi đến với nhà tư vấn tâm lý. Tin rằng, sử dụng tư vấn tâm lý là một việc nên làm vì nó tốt cho cả giáo viên và học sinh. Sẵn sàng mở lòng chia sẻ những tổn thương để nhà tâm lý có những bằng chứng khách quan đề xuất chính sách cải thiện chất lượng môi trường công việc cho người giáo viên.
PGS.TS Trần Thành Nam
(Trưởng Khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục - ĐHQGHN)