Khung hình phạt nào dành cho "mẹ kế" bạo hành bé gái 8 tuổi tử vong?
(Dân trí) - Tùy thuộc vào hành vi cụ thể mà người phụ nữ đã hành hạ dẫn đến cháu bé tử vong sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc tội giết người.
Vụ án bé gái 8 tuổi tại TPHCM tử vong nghi do "mẹ kế" bạo hành đang khiến dư luận xã hội đặc biệt phẫn nộ. Hành vi hành hạ tàn nhẫn đối với bé gái sẽ phải đối mặt với mức án nào theo pháp luật, trình tự vụ án ra sao, TS. Luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng Luật sư Chính Pháp) cho biết cụ thể.
Khung hình phạt nào dành cho "mẹ kế" hành hạ bé gái
"Tùy thuộc vào hành vi cụ thể mà người phụ nữ đã hành hạ dẫn đến cháu bé tử vong sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc tội giết người.
Trong vụ việc này bé gái mới chỉ 8 tuổi, là người chưa thành niên và là trẻ em nên được pháp luật quy định rất cụ thể trách nhiệm của cha, mẹ, những người thân thích, gia đình, nhà trường, chính quyền địa phương trong việc chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em.
Mọi hành vi xâm phạm trái pháp luật đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của trẻ em đều sẽ phải chịu chế tài của pháp luật, bất kỳ người xâm phạm đó là ai", TS. LS Đặng Văn Cường cho hay.
Luật sư phân tích, trong vụ việc này, nạn nhân là trẻ em và thiệt mạng do bị người khác đánh đập nên cơ quan điều tra sẽ xem xét khởi tố vụ án hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc tội giết người tùy thuộc vào hành vi cụ thể của người đã đánh đập trẻ em.
Cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi của người đã đánh đập cháu bé, làm rõ hung khí mà đối tượng sử dụng để đánh đập nạn nhân và diễn biến của từng lần đánh đập để xác định hành vi có thể đến mức làm nạn nhân tử vong hay không, nhận thức của người đánh trẻ em như thế nào để xác định yếu tố lỗi đối với hành vi vi phạm pháp luật này.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy hành vi có thể dẫn đến chết người, người đánh trẻ em nhận thức được hành vi của mình có thể dẫn đến chết người nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra thì sẽ truy cứu trách nhiệm về tội giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015. Với tội danh này, đối tượng sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Tình tiết được áp dụng để định khung hình phạt là phạm tội với người dưới 16 tuổi, có tính chất côn đồ hoặc vì động cơ đê hèn nên hình phạt sẽ rất nghiêm khắc.
Với trường hợp kết quả điều tra cho thấy đối tượng không sử dụng hung khí nguy hiểm, hành vi đánh đập không vào những vùng hiểm yếu, đối tượng không nhận thức được hành vi của mình có thể dẫn đến việc nạn nhân tử vong, mục đích chỉ là gây thương tích cho nạn nhân, việc nạn nhân tử vong là ngoài ý chí chủ quan của đối tượng gây án thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố về tội cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người theo Điều 134 Bộ luật Hình sự.
Với hậu quả cố ý gây thương tích làm nạn nhân thiệt mạng, đối tượng sẽ phải đối mặt với khung hình phạt quy định tại khoản 5, điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 với hình phạt lên đến 15 năm tù, cụ thể như sau: "Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 6 điều này hoặc dẫn đến chết người, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm".
Theo thông tin ban đầu từ phía cơ quan chức năng, người phụ nữ này không phải là "mẹ kế" của cháu bé theo quy định của pháp luật, chỉ là bạn gái nên không có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục theo quy định của pháp luật. Ngoài ra hành vi gây ra rất nhiều tổn thương cơ thể cho nạn nhân dẫn đến việc nạn nhân tử vong sẽ không xử lý về các tội hành hạ người khác hoặc hành hạ con theo quy định của pháp luật mà sẽ xử lý về tội cố ý gây thương tích hoặc tội giết người.
"Việc xử lý về tội danh nào thì cơ quan điều tra cần phải thu thập các chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội, nhận thức, ý thức của người thực hiện hành vi phạm tội và hậu quả xảy ra từ những hành vi nào. Cơ quan chức năng cần làm rõ trong những vết thương trên cơ thể nạn nhân thì vết thương nào dẫn đến việc nạn nhân tử vong, ai là người gây ra vết thương đó, đối tượng gây ra vết thương đã sử dụng hung khí gì, hành vi gây ra thương tích diễn biến thế nào và thái độ, nhận thức của người gây ra thương tích ra sao làm căn cứ xác định hành vi khách quan và yếu tố lỗi trong mặt chủ quan của tội phạm theo lý luận về cấu thành tội phạm để định tội danh", luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.
Trong vụ việc này, nếu cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy người phụ nữ này không có mối quan hệ hôn nhân, huyết thống đối với nạn nhân, không phải là mẹ kế có đăng ký hợp pháp theo quy định pháp luật, hành vi đánh đập nạn nhân tàn nhẫn, có sử dụng hung khí nguy hiểm hoặc đánh vào vùng trọng yếu bỏ mặc hậu quả nạn nhân có thể tử vong, rất có thể cơ quan điều tra sẽ khởi tố hình sự về tội giết người theo khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự với nhiều tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự như giết người dưới 16 tuổi, có tính chất côn đồ hoặc vì động cơ đê hèn nên đối tượng gây án sẽ phải đối mặt với khung hình phạt có thể cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình.
Nếu người bố biết sự việc nhưng vẫn cổ vũ, đồng tình sẽ bị xử như đồng phạm
Hiện tại, cơ quan điều tra khởi tố vụ án về tội hành hạ người khác theo Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 2015, theo Luật sư Đặng Văn Cường có thể chỉ là bước đầu để tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật.
"Trong quá trình điều tra nếu có đủ chứng cứ, cơ quan điều tra có thể thay đổi tội danh sang tội cố ý gây thương tích hoặc tội giết người. Với tội hành hạ người khác theo Điều 140 Bộ luật Hình sự thì mức hình phạt chỉ đến 03 năm tù bởi hành vi hành hạ người khác chỉ có thể gây ra ảnh hưởng đến đời sống tinh thần, tổn thương cơ thể chứ không phải là đánh đập gây thương tích hoặc gây thiệt mạng nạn nhân. Trường hợp hành vi hành hạ dẫn đến gây thương tích hoặc nạn nhân thiệt mạng thì phải xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc tội giết người mới phù hợp với quy định của pháp luật".
Bộ luật Hình sự quy định về tội hành hạ người khác như sau:
Điều 140. Tội hành hạ người khác:
1. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên;
c) Đối với 02 người trở lên.
Ông Đặng Văn Cường lưu ý rằng, Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về hậu quả của hành vi hành hạ là ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe chứ không phải là hành vi tước đoạt tính mạng của nạn nhân.
Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, hành vi hành hạ người khác dẫn đến hậu quả nạn nhân tử vong sẽ không xử lý theo Điều 140. Trong vụ việc này, hậu quả tước đoạt tính mạng của nạn nhân đã xảy ra nên tội danh chính xác sẽ được cơ quan điều tra xem xét làm rõ trong quá trình giải quyết vụ án này.
Luật sư mở rộng vấn đề, trường hợp cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy người bố của bé gái biết "dì ghẻ" thực hiện hành vi đánh đập cháu bé nhưng vẫn thể hiện thái độ đồng tình bằng cách xúi giục hoặc giúp sức, bỏ mặc sự việc diễn ra thì người này cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm.
Trong vụ án này, bé gái đã thiệt mạng, bởi vậy làm rõ nguyên nhân cháu bé tử vong là do vết thương nào, người gây ra vết thương đó đã thực hiện hành vi gây thương tích như thế nào là yếu tố rất quan trọng để xác định tội danh là tội hành hạ người khác, cố ý gây thương tích hay tội giết người theo quy định của pháp luật.
Theo TS. LS. Đặng Văn Cường: "Đối với những người hàng xóm, những người biết chứng kiến về việc đối tượng hành hạ trẻ em nhưng không trình báo sự việc với cơ quan chức năng, không ngăn cản đối tượng gây án, đó cũng là hành vi rất vô cảm, rất đáng lên án. Cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ vai trò trách nhiệm của những người này, trong trường hợp có những lời nói hành động thể hiện sự kích động tinh thần của đối tượng thì còn có thể xác định với vai trò đồng phạm. Trường hợp những người này thấy cháu bé có thể nguy hiểm đến tính mạng nhưng không cứu giúp thì cũng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.
Vụ án này sẽ là bài học cho những kẻ vô cảm, độc ác, thiếu trách nhiệm trong việc chăm sóc bảo vệ trẻ em. Dư luận xã hội đang lên án đối với những đối tượng hành hạ trẻ em, những người biết về hành vi hành hạ trẻ em nhưng không can thiệp kịp thời. Đồng thời pháp luật sẽ có những chế tài phù hợp đối với từng hành vi vi phạm pháp luật trong việc xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của trẻ em".