Vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành đến chết: Xử lý nghiêm với những người thờ ơ
(Dân trí) - Luật đã có quy định rất rõ chế tài xử lý người biết mà bỏ mặc cháu bé bị bạo hành, nên chăng cần xử lý nghiêm khắc với ban quản lý chung cư, hàng xóm… để gióng hồi chuông cảnh báo.
Những ngày qua, vụ việc bé gái A. 8 tuổi bị bạo hành và tử vong một cách đau đớn khiến cả xã hội bàng hoàng. Không cần nhắc lại hành vi của kẻ làm ác - "mẹ kế" và cả cha ruột của bé, bởi những hành động đó đã rõ vi phạm, chắc chắn sẽ nhận bản án nghiêm khắc của pháp luật.
Thế nhưng thật đáng buồn khi sự việc xảy ra giữa trung tâm thành phố lớn của cả nước- nơi không hề thiếu kênh để phản ánh, báo cáo về việc bạo hành trẻ em. Càng đáng buồn hơn khi Việt Nam là nước đầu tiên của Châu Á và là nước thứ 2 trên thế giới ký và phê chuẩn công ước về quyền trẻ em.
Sau khi vụ việc xảy ra, rất nhiều người cùng tự vấn rằng nếu mọi người quan tâm nhau một chút, có thể cháu bé đã không chết. Những cư dân hàng xóm, ban quản lý chung cư nơi bé sinh sống cần tự vấn lại lương tâm của mình bởi theo nhiều thông tin trong đó có cả lời khai của mẹ kế thì bé A. bị đánh bằng roi mây nhiều lần nên cơ thể chi chít vết bầm tím mới, cũ. Thậm chí, những khi roi mây gãy, Trang dùng gậy gỗ để đánh bé A.
Hàng xóm tại khu chung cư cao cấp, nơi xảy ra sự việc chia sẻ rằng thường xuyên nghe tiếng kêu khóc của trẻ, tiếng la hét của người lớn vang ra từ căn hộ trong thời gian dài. Họ nói từng báo bảo vệ, ban quản lý... rồi chỉ dừng lại ở đó. Nếu mọi người xung quanh đừng bàng quan mà quyết liệt hơn khi biết tình trạng bạo hành bé kéo dài thì chắc không có cái chết tức tưởi, đau đớn của bé.
Mới đây, trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam bà Rana Flowers cũng đã lên tiếng về vụ việc này trong đó nhấn mạnh rằng cần một hệ thống bảo vệ mạnh mẽ hơn và sự không khoan nhượng với bạo lực để bảo vệ trẻ em tốt hơn.
"Không khoan nhượng có nghĩa là những người hàng xóm khi chứng kiến bạo lực hoặc nghe tiếng kêu khóc sẽ ngay lập tức báo chính quyền và yêu cầu công an phải hành động để bảo vệ nạn nhân; có nghĩa là công an sẽ phải chịu trách nhiệm và có những hành động kịp thời, các nhân viên y tế và giáo viên khi nhận ra các dấu hiệu về bạo lực sẽ báo cáo ngay, có nghĩa là những giải pháp dựa vào cộng đồng cần được thực hiện để trẻ em hoặc phụ nữ có thể tiếp tục sống an toàn ở nhà trong khi thủ phạm phải bị chuyển đi.
Và điều này đòi hỏi tất cả chúng ta phải hành động nhiều hơn nữa, đứng lên bảo vệ những người dễ bị tổn thương, nâng cao nhận thức của phụ nữ và trẻ em rằng bất kỳ hình thức bạo lực nào cũng không thể chấp nhận được và họ cần tìm kiếm sự giúp đỡ để ngăn chặn bạo lực", đại diện UNICEF nói.
Tiến sĩ luật Thái Thị Tuyết Dung, giảng viên trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TPHCM) cho rằng, vi phạm của "mẹ kế" và cha ruột của bé đã rõ, chắc chắn sẽ chịu bản án thích đáng của pháp luật nhưng phải có cách ngăn chặn những câu chuyện đau lòng tương tự như thế trong tương lai. Kể cả những người xung quanh cũng không thể không liên quan trong vụ việc này và cần phải có biện pháp xử lý.
"Thực tế có nhiều quy định của pháp luật xử phạt những người biết mà thờ ơ bỏ mặc hành vi bạo hành với trẻ em và người yếu thế. Nên đã đến lúc cần thực thi xử lý nghiêm khắc với tất cả những người liên quan vụ việc này kể cả ban quản lý chung cư, hàng xóm… để gióng một hồi chuông về nạn bạo hành", nữ tiến sĩ nói.
Theo bà Dung, điều 60 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ có quy định rõ những hành vi cố ý không ngăn chặn, báo tin hành vi bạo lực gia đình và cản trở việc ngăn chặn, báo tin, xử lý hành vi bạo lực gia đình.
Trong đó, phạt cảnh cáo cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với người biết hành vi bạo lực gia đình, có điều kiện ngăn chặn mà không ngăn chặn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng; biết hành vi bạo lực gia đình mà không báo tin cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền hoặc cản trở người khác phát hiện, khai báo hành vi bạo lực gia đình.
Bên cạnh đó, phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với việc cản trở việc xử lý hành vi bạo lực gia đình", TS Tuyết Dung chia sẻ.
Ngoài ra, trong điều 31 của Nghị định 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em cũng nêu rõ nội dung can thiệp trong trường hợp trẻ em cần được bảo vệ khẩn cấp. Trong đó, trẻ em cần được bảo vệ khẩn cấp khi đang bị đe dọa hoặc bị gây tổn hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm hoặc cha, mẹ, người chăm sóc trẻ chính là người gây tổn hại.
Việc bảo vệ khẩn cấp trẻ phải được thực hiện trong thời gian nhanh nhất có thể và không quá 12 giờ từ khi nhận được thông tin. Trong điều luật này cũng chỉ ra trách nhiệm của người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã/phường, của cơ quan công an và của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Sau vụ việc, TS Dung cho rằng việc quan trọng là giáo dục các quyền cơ bản của trẻ em để mọi người và đặc biệt là trẻ em hiểu, trang bị các kĩ năng nhận biết thế nào là bạo hành. "Giáo dục trẻ hiểu không ai được đụng vào cơ thể mình và có phản xạ về quyền của mình với những người xung quanh. Mọi người cũng phải thay đổi, ít nhất khi cảm thấy dấu hiệu bạo hành trẻ thì báo ngay tổng đài số 111 (tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em) chứ không thể để xảy ra những việc đáng tiếc như vụ việc bé gái 8 tuổi vừa rồi lại lên mạng xã hội than khóc rồi chuyện đâu lại vào đó", bà Dung chia sẻ.
Để giảm bớt những chuyện đau lòng do bạo hành với trẻ và những người yếu thế, mỗi người phải thay đổi chính mình để xã hội không trở nên vô cảm.