GS Trần Hồng Quân:
Vô lý quy định tuyển sinh mỗi năm phải được 200 sinh viên
(Dân trí) - “Vô lý quy định tuyển sinh mỗi năm phải được 200 sinh viên trở lên, ổn định trong 3 năm mới cho phép tiếp tục đào tạo…” - GS Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập phản ánh như vậy.
Theo GS Quân, một điều vô lý khác là quy định tuyển sinh mỗi năm được 200 sinh viên trở lên, ổn định trong 3 năm mới cho phép tiếp tục đào tạo. Ví dụ như ĐH Tân Tạo có kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trên diện tích hơn 100 ha nhưng hiện mới tuyển được vài chục sinh viên/năm vì trường nằm ở vị trí không thuận lợi nên chưa thu hút sinh viên chứ không nghi ngờ chất lượng về chất lượng đội ngũ, cơ sở vật chất. Nếu đặt tiêu chí trường nào cũng phải tuyển 200 sinh viên trở lên như quy định thì chắc chắn trường này sẽ bị xóa sổ. Quy định hiện nay vẫn là cào bằng, phi thực tế, không đa dạng.
Còn vấn đề tuyển sinh, GS nghĩ thế nào, có vô lý nữa không?
Mọi người nghĩ là rằng các trường ngoài công lập chỉ lo cốt sao tuyển sinh cho được. Đấy chỉ là một phần, là cấp bách mà mục đích chính là tìm được phương án tuyển sinh thực sự khoa học, hợp lý, linh hoạt, trên cơ sở đa tiêu chí. Chúng ta có rất nhiều loại trường mỗi trường có một sứ mạng xã hội trường nghiên cứu, trường thực hành... Mỗi trường có mục tiêu, nhiệm vụ riêng, không thể cào bằng bằng cách tuyển sinh “3 chung”.
Vì vậy cần xây dựng giải pháp tuyển sinh đa tiêu chí nhưng không phải là tiêu chí giống hệt nhau mà có trọng số riêng phù hợp với từng môn học, từng ngành, từng trường. Sự đa dạng đó chỉ có từng trường mới làm được chứ Bộ không thể bao quát hết được. Đề xuất của Hiệp hội không phải vớt vát để các trường tuyển đủ, dù rằng đây là vấn đề sinh tử của các trường. Hiệp hội có đề nghị từ 2012 nhưng Bộ im lặng không nói gì.
Vậy trước sự im lặng của Bộ GD-ĐT, Hiệp hội có bình luận gì?
Thực ra như vậy là sự không cố gắng tạo đột phá trong đào tạo đại học. Đề nghị của Hiệp hội không chỉ cho riêng các trường ngoài công lập mà cho toàn bộ nền đại học.
Sự phát triển của trường NCL phù hợp với mục tiêu phát triển mạnh mẽ nền giáo dục ĐH, con đường tất yếu là phát triển giáo dục ngoài công lập. Ví dụ, ở Hàn Quốc, sinh viên học trường đại học ngoài công lập chiếm 67%, Malaysia hơn 50% ….Giáo dục ngoài công lập như phương án đẩy bật giáo dục ĐH mà không ngân sách nhà nước nào có thể gánh được hết cho giáo dục đại học. Nhà nước không bao giờ đáp ứng được yêu cầu của thực tế mà cần sự đóng góp của tất cả lực lượng xã hội nên các trường NCL là sự phát triển có tầm chiến lược.
Các trường tốt và nổi tiếng của Mỹ phần lớn là trường ngoài công lập. Chúng ta cần vượt qua suy nghĩ thiển cận này để nhanh chóng phát triển giáo dục đại học. Muốn tạo được sức mạnh thì không còn cách nào khác là phát triển cả trường công lập và trường ngoài công lập. Nhà nước chỉ nên tập trung quản lý vào một số trường công lập đặc thù …
Hiệp hội sẽ tiếp tục kiến nghị lên Chính phủ
Trở lại vấn đề tuyển sinh, năm nay GS hy vọng điều gì làm đột phá giúp các trường ngoài công lập tuyển sinh đủ?
Luật Giáo dục ĐH đã quy định các cơ sở đào tạo ĐH được tự chủ các phương thức tuyển sinh thi tuyển, xét tuyển… nếu một số trường ngoài công lập được tự chủ sẽ có đột phá với nhiều sáng tạo.
Luật Giáo dục ĐH thì đã có nhưng Bộ GD-ĐT chưa có hướng dẫn cụ thể thì Luật chưa có hiệu quả dù Luật có hiệu lực từ tháng 1/2013 giờ đã là tháng 5.
Vừa qua, một số trường đại học ngoài công lập đã gửi lên Bộ GD-ĐT về phương án tuyển sinh riêng của mình. Vậy giờ đã có kết quả chưa GS?
Thực ra, Hiệp hội chưa bao giờ đề nghị Bộ xét duyệt từng đề án mà là đề nghị cho thực hiện điều 34 Luật Giáo dục ĐH. Bộ trưởng có hứa là trường có phương án tuyển sinh riêng thì Bộ sẽ xét duyệt nên các trường làm đề án đưa lên. Cục khảo thí và kiểm định chất lượng đã trao đổi với 5 trường về phương án tuyển sinh riêng.
Thông tin về đề án tuyển sinh riêng của một số trường đại học ngoài công lập, bộ cho biết đầu tháng 5 sẽ trả lời nhưng đến nay chưa có trả lời
Trong trường hợp xấu đề án tuyển sinh riêng của các trường đề nghị không được duyệt thì Hiệp hội làm cách gì để cứu các trường ngoài công lập?
Hiệp hội không làm được điều gì vì chỉ là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, ngoài đề nghị lên Bộ, nếu không được thì Hiệp hội tiếp tục đề nghị tiếp lên Chính phủ.
Xin trân trọng cảm ơn GS!
Hồng Hạnh (ghi)