Vợ chồng nữ giảng viên 9X cùng đạt giải thưởng Quả cầu vàng
(Dân trí) - TS Nguyễn Hồ Thùy Linh là 1 trong 3 nhà khoa học nữ được trao giải Quả cầu vàng 2023. Đặc biệt, trước đó hai năm, chồng của nữ tiến sĩ cũng giành giải thưởng này.
TS Nguyễn Hồ Thùy Linh (SN 1990) là trưởng nhóm nghiên cứu vật liệu hóa sinh và môi trường, Trung tâm nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử (INOMAR) thuộc Đại học Quốc gia TPHCM.
Năm 2023, TS Nguyễn Hồ Thùy Linh là 1 trong 3 nhà khoa học nữ được trao giải Quả cầu vàng.
Công trình nghiên cứu của cô có ý nghĩa trong lĩnh vực khoa học vật liệu mới, đó là nghiên cứu khả năng xúc tác của Zr và Hf-MOF trong phản ứng tổng hợp 2-aryl benzoxazole.
Nghiên cứu lần đầu tiên chứng minh được khả năng cắt nối C-N của vật liệu bằng thực nghiệm và tính toán theo lý thuyết phiếm hàm mật độ. Công trình đã sử dụng năng lượng vi sóng kích hoạt phản ứng hướng đến tổng hợp theo quy tắc hóa học xanh và điều chế được hơn 10 hợp chất có hoạt tính sinh học.
Đam mê nghề giáo từ nhỏ, sau khi học xong lớp 12, Thùy Linh theo đuổi ngành hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM) với mục tiêu sẽ trở thành cô giáo dạy hóa.
Tuy nhiên, đến năm cuối ở đại học, trong quá trình làm khóa luận tốt nghiệp, đam mê nghiên cứu khoa học xuất hiện một cách rõ nét ở Linh và gợi mở cho cô gái trẻ hướng đi mới.
Cô cho hay, làm việc tại các phòng thí nghiệm hiện đại với các thiết bị nghiên cứu chuyên sâu cũng như được học hỏi trực tiếp từ các nhà khoa học hàng đầu thế giới, cô ngày càng nghiêm túc với công việc nghiên cứu và nuôi dưỡng khát vọng về những công bố khoa học chất lượng.
Hơn nữa, thời điểm đó, lĩnh vực công nghệ vật liệu mới ở Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển. Bởi vậy, sau khi tốt nghiệp, cô đã quyết định ở lại INOMAR làm nghiên cứu viên và tiếp tục học lên cao học để chuyên tâm theo đuổi con đường nghiên cứu.
Chỉ 10 năm gắn bó với nghiên cứu khoa học, đến nay TS Nguyễn Hồ Thùy Linh đã có hơn 40 bài báo khoa học. Trong đó, có 21 bài báo công bố trên tạp chí khoa học quốc tế Q1 (6 bài là tác giả chính), 17 bài trên tạp chí khoa học quốc tế Q2 (6 bài là tác giả chính), 4 bài trên tạp chí khoa học trong nước (1 bài là tác giả chính), chủ trì 2 đề tài cấp bộ và tương đương, 2 đề tài cấp cơ sở đã nghiệm thu đạt yêu cầu.
Cô gái 9X còn là tác giả của một chương sách (chuẩn ISSN) xuất bản năm 2021.
Những tưởng con đường mà cô gái lựa chọn chỉ là nghiên cứu khoa học nhưng giai đoạn "tạm nghỉ" do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã gợi mở cho cô nhiều ý tưởng mới.
"Tôi nhận ra khoa học là phải chia sẻ, nghiên cứu phải kết hợp với giảng dạy. Bởi việc giảng dạy giúp người làm nghiên cứu củng cố và không ngừng cập nhật kiến thức. Nếu mãi làm việc quen thuộc thì bản thân sẽ dần bị thụt lùi", nữ khoa học bày tỏ.
Sau dịch Covid-19, Thùy Linh bắt đầu hướng dẫn sinh viên thực tập. Đến năm 2021, cô thành lập nhóm nghiên cứu vật liệu hóa - sinh và môi trường với 5 thành viên gồm sinh viên và học viên cao học.
Để sinh viên yên tâm làm nghiên cứu, TS Thùy Linh chủ động tìm kiếm kinh phí, tạo cơ hội để các bạn được độc lập tìm hiểu và tự đề xuất các hướng nghiên cứu, cũng như trao đổi mỗi khi gặp khó khăn.
Sau một thời gian tích lũy, Thùy Linh đã có thể đứng trên bục giảng để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cho sinh viên trong vai trò giảng viên thỉnh giảng tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và khoa Y, Đại học Quốc gia TPHCM.
Điều đặc biệt, cả hai vợ chồng nữ TS Nguyễn Hồ Thùy Linh đều cùng sở hữu giải thưởng Quả cầu vàng.
Vào năm 2021, PGS.TS Đoàn Lê Hoàng Tân - chồng của TS Nguyễn Hồ Thùy Linh - cũng làm việc tại Trung tâm INOMAR, Đại học Quốc gia TPHCM cũng giành giải thưởng Quả cầu vàng ở lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.
Ngoài ra, PGS.TS Đoàn Lê Hoàng Tân còn được trao giải thưởng gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2020 trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học - sáng tạo.
Mặc dù làm cùng lĩnh vực nhưng hai vợ chồng cô chọn hướng ứng dụng khác nhau. TS Thùy Linh tập trung nghiên cứu vật liệu xốp khung kim loại hữu cơ ứng dụng và hấp thụ và tổng hợp hữu cơ. Còn PGS.TS Đoàn Lê Hoàng Tân chọn hướng nghiên cứu hóa hữu cơ và ứng dụng vật liệu xốp khung hữu cơ kim loại trong y sinh.
"Hai vợ chồng mình làm cùng cơ quan nên thấu hiểu khó khăn của nhau. Những lúc công việc gặp thử thách, khó khăn thì gia đình chính là hậu phương vững chắc để mình tập trung hoàn thành nhiệm", TS Linh trải lòng.
Thu Trang - Hoài Nam