Violympic vượt mốc 40 triệu học sinh thi sau 15 năm tổ chức
(Dân trí) - Cuộc thi giải Toán, Vật lý qua mạng Violympic đã bước sang năm thứ 15 với những dấu mốc đáng nhớ trên hành trình ươm mầm khát khao tri thức cho các thế hệ học sinh Việt Nam.
Nhắc tới những học sinh đầu tiên tham gia thi Violympic, lứa lớn nhất năm nay tròn 24 tuổi. Các em đã tốt nghiệp đại học và đi làm được hai năm.
Có lẽ ít có một cuộc thi trực tuyến nào tại Việt Nam vượt được Violympic về độ lâu năm và uy tín trong ngành giáo dục. Từ ý tưởng về một "sân chơi lành mạnh" dành cho học sinh phổ thông cách đây 15 năm, Violympic nay đã trở thành thương hiệu quốc gia với tổng số hơn 40 triệu học sinh đăng ký thi, một "món ăn tinh thần" không thể thiếu của thầy trò hơn 30 nghìn trường trải khắp 63 tỉnh thành trên cả nước.
Vào ngày 2/06 tới tại Hà Nội, Lễ tôn vinh và trao giải Violympic năm học 2021 - 2022 khu vực phía Bắc sẽ được diễn ra, đánh dấu cột mốc năm thứ 15 Violympic tiếp lửa niềm đam mê toán học và tạo cơ hội tiếp cận công nghệ số cho thế hệ trẻ.
15 năm qua, những gì Violympic tạo dựng được không chỉ là những thành tựu ý nghĩa, đóng góp cho ngành giáo dục, mà còn là cảm xúc đáng tự hào và tình yêu thương của lớp lớp học sinh.
Cú bắt tay giàu tính cộng đồng giữa chính phủ và doanh nghiệp
Năm 2006-2007, Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) đưa môn Tin học vào chương trình bắt buộc cho khối THPT, tự chọn cho cấp Tiểu học và THCS.
Tháng 9/2008, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành chỉ thị về tăng cường giảng dạy, đào tạo và ứng dụng CNTT trong ngành giáo dục giai đoạn 2008-2012. Ngày 21/10/2008, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển và Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT Trương Gia Bình ký quyết định tổ chức cuộc thi Giải toán qua mạng - Violympic.
Violympic đã đánh dấu cú bắt tay hợp tác giữa chính phủ và doanh nghiệp trong một dự án giàu tính cộng đồng. Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, từng chia sẻ: "Mục tiêu cao nhất của Violympic chính là nuôi dưỡng niềm đam mê Toán học cho học sinh Việt Nam bằng ứng dụng công nghệ, mang đến một phương pháp học tập mới mẻ, lý thú hơn."
Kể từ đó, học sinh Việt Nam có được sân chơi trí tuệ trên Internet đầu tiên.
Niềm yêu thích học Toán tăng theo cấp số nhân
Ngay từ những năm đầu, với sự chỉ đạo sát sao của Bộ GD&ĐT, tâm huyết của những nhà giáo có tâm và một đội ngũ xứng tầm, Violympic đã ngày càng được đông đảo học sinh đăng ký tham gia.
Mở những vòng thi đầu tiên vào cuối 2008 - đầu 2009, chỉ có khoảng 10 nghìn thành viên. Hai tháng sau, hơn 40 nghìn học sinh tham gia thi. Những năm sau đó, cuộc thi thu hút lượt đăng ký tăng theo cấp số nhân. Đỉnh điểm là năm học 2016 - 2017, sân chơi ghi nhận số lượng thí sinh tham gia đông kỷ lục là 8 triệu em. Với số lượng trung bình gần 3 triệu tài khoản thi mỗi năm, Violympic chính thức trở thành thương hiệu được tin cậy nhất về thi Toán trên Internet.
Cho tới nay, trải qua 15 năm triển khai rộng khắp, Violympic đã là mái nhà chung của hơn hàng chục triệu học sinh yêu Toán học, mê công nghệ ở 700 quận huyện trên toàn quốc. Các em, dù ở vùng sâu vùng xa, hải đảo xa xôi hay miền biên giới, đều được tạo cơ hội bình đẳng để tiếp cận nguồn học liệu phong phú, thi đua với bè bạn và thắp lên tình yêu công nghệ.
Hơn 100 triệu lượt thực hành trên hệ thống mỗi năm quả thực là con số biết nói, nhưng vẫn chưa đủ để diễn tả hết niềm yêu thích của các em học sinh dành cho sân chơi trí tuệ này.
Tại Lễ tôn vinh và trao giải chương trình Violympic năm học 2021 - 2022, em Hồ Đại Hải (lớp 4A0, trường Liên cấp Tiểu học & THCS Ngôi Sao Hà Nội) đã chia sẻ, "người bạn Violympic" giúp em không chỉ thêm yêu thích môn Toán, mà còn tự tin chinh phục thành công các sân chơi kiến thức lớn nhỏ khác trong nước và quốc tế.
Tiên phong công nghệ, đổi mới không giới hạn
Bao nhiêu niềm yêu thích kéo theo bấy nhiêu phần trách nhiệm của đội ngũ những người xây dựng cuộc thi.
Bà Nguyễn Thị Ngọc, Giám đốc Trung tâm Violympic, cho hay: "Bởi Violympic phải hỗ trợ hàng trăm triệu lượt thi và thực hành mỗi năm, chúng tôi đã nỗ lực không ngừng nghiên cứu, tối ưu về nội dung và ứng dụng kịp thời các cải tiến công nghệ để nâng cao trải nghiệm học tập cho các em".
Theo đó, số vòng thi đã được giảm bớt từ 35 vòng thi trong phiên bản thử nghiệm năm 2008 xuống còn 10 vòng mỗi môn. Từ cuộc thi giải Toán tiếng Việt, Violympic dần mở rộng sang thi giải Toán tiếng Anh (năm 2013) và môn Vật lý (tổ chức lần đầu năm 2016). Quy mô cuộc thi vươn tầm quốc tế khi lần đầu tiên, vào năm 2015, Global Violympic được tổ chức với 32.000 thí sinh đến từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia thi đấu.
Nội dung thi cũng được phát triển không ngừng với mong muốn giúp học sinh tự rèn luyện trên tinh thần "chơi mà học, học mà chơi", từ đó tìm thấy sự yêu thích và say mê học tập. Năm 2009, Violympic đã cho ra mắt bộ sách tự luyện đầu tiên, phối hợp cùng Nhà xuất bản Giáo dục và Công ty cổ phần Sách Dân tộc. Năm 2018, Tập đoàn FPT ký kết hợp tác chiến lược với Viện Khoa học và Giáo dục Việt Nam để nghiên cứu, phát triển, điều chỉnh nội dung thi.
Violympic cũng không ngừng đưa ra những cải tiến thử nghiệm như ra mắt ứng dụng "Violympic - Em giỏi Toán" (năm 2013), ứng dụng "Tự luyện Violympic" (năm 2015) giúp học sinh tự luyện tập và thi Toán ngay trên các thiết bị số. Hệ thống được tối ưu và tự động hóa, hạ tầng hệ thống liên tục được nâng cấp, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn được tích hợp để nâng cao trải nghiệm học tập. Công nghệ nền tảng của cuộc thi cũng được thay đổi hoàn toàn nhằm đảm bảo tương tác nhanh, bảo mật và ổn định nhất.
15 năm tiên phong dẫn lối tri thức
Có thể thấy, Violympic đã trưởng thành lớn mạnh cả về chất và lượng, trở thành một trong những sàn đấu tri thức có quy mô nhất, lâu đời nhất, được yêu thích nhất tại Việt Nam.
Violympic đã xóa nhòa khoảng cách vùng miền, trao cơ hội học tập bình đẳng cho hàng chục triệu trẻ em. Các môn khoa học, công nghệ và ngoại ngữ được lồng ghép trong sân chơi trí tuệ, trang bị cho các em những kỹ năng, kiến thức công dân toàn cầu và đồng điệu hơn với học sinh toàn thế giới.
Với những nỗ lực đắp xây những viên gạch đầu tiên cho giáo dục số, năm 2009, Violympic nhận cú đúp Giải thưởng CNTT và Truyền thông Việt Nam cho đơn vị có sản phẩm dịch vụ nội dung số mang tính văn hóa, giáo dục tốt nhất, và giải thưởng Sao Khuê cho hạng mục sản phẩm và dịch vụ giáo dục.
Chia sẻ về định hướng sắp tới, bà Nguyễn Thị Ngọc, Giám đốc Trung tâm Violympic cho biết thêm, Violympic sẽ tiếp tục ứng dụng công nghệ giáo dục 4.0, mở rộng nội dung môn học để tạo ra những trải nghiệm học tập hiện đại và hữu ích hơn. Bà khẳng định, Violympic sẽ giữ vững vị thế tiên phong, là sân chơi bình đẳng, chuyên nghiệp và ý nghĩa, xứng đáng với tình yêu của học sinh, phụ huynh và giáo viên cả nước.