Giáo dục đại học trong CM 4.0:
Việt Nam nên xây dựng nền giáo dục “may đo”
(Dân trí) - Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra chóng mặt trên tất cả các lĩnh vực đời sống. Tuy nhiên, GS.TSKH Đặng Ứng Vận cho rằng, giáo dục đại học Việt Nam vẫn đang ở thời kỳ cách mạng 2.0. Để tái tạo lại hệ thống GD Việt Nam thích ứng với thời cuộc, Việt Nam nên xây dựng nền giáo dục “may đo”.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, GS.TSKH Đặng Ứng Vận - thành viên Hội đồng Giáo dục quốc gia cho biết, cách mạng CN 4.0 ra đời từ năm 2000, cùng với việc kết nối mạng máy tính trong công nghiệp, internet được đưa vào hệ thống giáo dục. Hiện nay, sinh viên có thể tham gia vào quá trình học từ xa và có thể tiếp cận với một nguồn thông tin không giới hạn.
Tuy vậy, vẫn chưa có những thay đổi về các mô hình giáo dục, người học vẫn được kiểm tra bằng các tiêu chuẩn của CN 2.0, lợi ích từ máy tính và internet vẫn bị cản trở/sa lầy ở một khâu nào đó trong mô hình GD đáp ứng các đòi hỏi của CN 2.0.
Mặc dù có nhiều cuộc thảo luận về học tập lấy người học làm trung tâm, đầu ra của việc học, học tập suốt đời và thậm chí cả về sử dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giáo dục, lĩnh vực GD và GD đại học nói riêng, vẫn áp dụng các phương pháp tạo điều kiện học tập cổ xưa.
Chương trình đào tạo và chương trình dạy học hầu như không thể bắt kịp với nhu cầu của ngành công nghiệp và đời sống xã hội đương đại.
Trên thực tế, có một khoảng cách giữa các cơ sở GD và công nghiệp. Theo kết quả điều tra của INTELITEK, một tổ chức có tín nhiệm thì 72% các cơ sở GD tin rằng những người lao động mới được đào tạo sẵn sàng cho công việc, trong khi đó chỉ có 42% các nhà tuyển dụng tin rằng những người lao động mới được đào tạo là sẵn sàng cho công việc.
Đây rõ ràng là một sự khác biệt lớn. Các cơ sở GD đã không bắt nhịp được với doanh nghiệp và công nghiệp.
Dấu ấn của 2.0 còn đậm nét trong giáo dục đại học Việt Nam
GS có thể chỉ rõ những hạn chế của GD đại học Việt Nam trước ngưỡng cửa 4.0?
GD đại học Việt Nam ngoài những hạn chế chung như hệ thống GD ĐH thế giới thì còn có những hạn chế riêng khiến cho thách thức trong việc tiếp cận 4.0 của GD đại học VN không chỉ là kép mà là chập 3 (hat-trick).
Đó là dấu ấn của 2.0 còn đậm nét trong GD ĐH Việt Nam. Cụ thể, quá trình học tập được sắp đặt trước và theo thứ tự, chất lượng được kiểm tra thông qua các bài kiểm tra theo chuẩn được thực hiện ở mỗi cuối học kỳ, giáo viên được chuyên ngành hóa, sử dụng cùng một thang đánh giá cho các cơ sở GD và chương trình đào tạo và sự thiếu dân chủ rõ rệt trong nhà trường khi mà không ai có thể tự thiết kế con đường học tập của riêng mình (ngay cả hệ tín chỉ đang được triển khai vẫn còn mang tính hình thức).
Thậm chí GD ĐH Việt Nam vẫn còn những khiếm khuyết khi đối chiếu với các chuẩn mực của 2.0 như là sự kết nối giữa các trường đại học và các doanh nghiệp, việc đào tạo các kỹ năng nhận thức cấp cao như giải quyết vấn đề, suy luận logic, làm việc theo nhóm, kỹ năng thích nghi nhanh chưa được quan tâm; chưa tạo động lực và khả năng học tập suốt đời và học tập liên tục cho mọi người, đặc biệt là kỹ năng khai thác các nguồn học liệu mở, các khóa học trực tuyến đại chúng và sự yếu kém về tiếng Anh.
Bên cạnh đó, Việt Nam không có những định hướng rõ nét có tính dẫn dắt cho học sinh hướng tới STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học), dẫn đến tình trạng những học sinh giỏi nhất thường lựa chọn các ngành ngoại thương, tài chính, ngân hàng..., thiếu hụt nhân lực trong một số ngành công nghệ tăng trưởng nhanh trong thời đại số hóa và tự động hóa, đặc biệt là ngành CNTT.
Báo cáo mới nhất về ngành CNTT của Vietnamworks cho thấy, trong 3 năm gần đây, số lượng công việc của ngành này đã tăng trung bình 47%/năm, nhưng số lượng nhân sự chỉ tăng ở mức 8%.
Ngoài ra, chất lượng GD đại học Việt Nam là có vấn đề xuất phát từ tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường và từ chủ trương cho mở quá nhiều trường đại học.
Khi mà các trường đại học phải lo kiếm sống để tồn tại như một doanh nghiệp trong bối cảnh số lượng tuyển sinh ngày càng thấp và chúng ta chưa có giải pháp hiệu quả để kiểm soát đầu ra, phần lớn các trường đại học tầm trung lúng túng trong việc giải quyết nghịch lý: một mặt đảm bảo không cung cấp thứ phẩm và phế phẩm cho xã hội và mặt khác sinh viên sẽ ngại vào các trường chặt chẽ trong việc cấp chứng chỉ học tập.
GS.TSKH Đặng Ứng Vận
Việt Nam nên xây dựng nền giáo dục "may đo"
Thưa GS, chúng ta phải làm thế nào để tái tạo lại hệ thống giáo dục thích ứng với công nghệ mới?
Chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng mức độ phức tạp của các tác động của CM 4.0 đến giáo dục, kinh doanh, chính phủ và con người ngày càng tăng và cuối cùng, tất cả, cho dù kinh doanh, chính phủ hay bản thân mỗi con người chúng ta đều đòi hỏi phải được giáo dục, đào tạo, đào tạo lại để biết cách đáp ứng những tác động đó. Như vậy GD chịu tác động kép của 4.0.
Với việc đại chúng hóa GD xảy ra trên toàn thế giới trong ba thập kỷ qua, thiết kế của cả hai hệ thống GD truyền thống và hiện đại đã không đảm bảo tiếp cận với một nền GD có chất lượng và thích ứng cho dân số thế giới.
Như vậy, cần phải thiết kế lại các hệ thống GD đương đại để tạo ra một hệ thống thích nghi và linh hoạt hỗ trợ hiệu quả cho các cuộc CM công nghiệp thứ tư và tương lai. Theo đó, phải thay đổi cách dạy của thầy và cách học của trò trong thế kỷ 21. Việt Nam nên xây dựng nền giáo dục may đo.
Vậy nền giáo dục may đo này sẽ hoạt động như thế nào thưa GS?
Trong nền giáo dục may đo, thay cho việc chỉ dạy chữ, chỉ truyền đạt kiến thức (giờ thì đã bổ sung thêm là kết hợp hài hòa dạy chữ, dạy người và dạy nghề) nên dạy cách suy nghĩ và sáng tạo.
Thứ hai, tài năng con người là đa dạng và ẩn chứa bên trong mỗi cá thể. Cần tạo tình huống cho chúng bộc lộ. Có thể ví như mỏ quý nằm sâu trong lòng đất hoặc lộ thiên không thể khai thác theo cùng một quy trình công nghệ được. Xã hội lại rất cần nhiều tài năng khác nhau chứ không phải một vài khả năng đơn thuần nào đó như làm toán hoặc viết văn.
Tâm điểm của thử thách này chính là xây dựng lại cách nhìn của chúng ta về khả năng và sự hiểu biết của người học.
Thứ ba, tất cả học sinh đều được học trường tốt. Trồng người không phải là một quy trình công nghiệp (như gieo hạt bằng máy) được chuẩn hóa, tuyến tính và cứng nhắc.
Giáo dục là một quá trình sinh và tâm lý học mà chúng ta không đoán trước được đặc tính sản phẩm đầu ra nên thầy cô giáo phải biết cách hướng dẫn cho người học lựa chọn, điều chỉnh phù hợp với từng cá thể, nuôi dưỡng được tâm hồn và lòng đam mê học tập. Nếu không có sự đam mê thì trái đất cũng lụi tàn.
Vì thế, theo quan điểm cũ, trường tốt được dành cho những học sinh tốt nhất. Việc thi tuyển được dùng để đảm bảo rằng chỉ có các sinh viên trí tuệ tài năng nhất (theo chuẩn do người lớn đặt ra) được nhận vào các trường có uy tín.
Quan điểm mới, khi tài năng bên trong của mọi trẻ em được bộc lộ, tất cả các trường sẽ trở thành một trường học tốt. Đây mới là tư tưởng cốt lõi của nền GD may đo.
Thứ tư, ai cũng được học hành và học suốt đời. Muốn vậy, cần đảm bảo cơ hội tiếp cận GD của các tầng lớp nhân dân ở các trình độ, phương thức và loại hình GD và đào tạo khác nhau.
Mở rộng cơ hội học tập và nâng cao chất lượng không chỉ trông chờ vào nguồn lực từ Nhà nước mà còn từ xã hội và bản thân người đi học. Đây cũng là mục tiêu của việc xây dựng một hệ thống GD theo hướng mở mà Nghị quyết 29 đã đề ra.
Thứ năm, học để làm chủ đất nước và sánh vai cùng bè bạn năm châu. Đây là tiền đề có tính mục tiêu nên tôi để cuối chứ không phải vì nó kém quan trọng.
Xin lưu tâm chữ “làm chủ”. Chúng ta phàn nàn sinh viên tốt nghiệp không có việc làm, xã hội trách một lần thì chúng tôi tự trách mình mười. Đã học đến đại học (mà xã hội gọi là thầy) thì phải có năng lực lập nghiệp và thậm chí sáng nghiệp cho xã hội.
Tại sao cứ kêu ca là không tìm được việc làm, tại sao cứ nghĩ học xong để đi làm thuê. Xin được làm thuê cho một công ty nước ngoài lương cao là hả hê lắm. Tại sao không nghĩ rằng học ra để làm ông chủ, để cùng với bạn bè lập nghiệp? Lỗi ở chính nhà trường đại học chưa chú trọng GD khai phóng, chưa hướng dẫn cho sinh viên biết cách tự học, tự nghiên cứu để đạt được các mục tiêu sống của mỗi người.
Ý thứ hai trong mục tiêu là “sánh vai cùng bè bạn năm châu”. Tư tưởng này của cụ Hồ cao hơn tư tưởng hội nhập hiện nay. Riêng chuyện hội nhập chắc còn nhiều việc phải bàn tiếp.
Trong 5 điểm đã nêu thì khó thực hiện nhất là làm sao cho các trường của Việt Nam đều là những trường tốt. Đây là việc của các trường đại học, chắc chắn không ai có thể làm thay được. Mặt khác, xã hội, doanh nghiệp và công nghiệp cần đầu tư thêm cho giáo dục, huy động thêm nguồn lực và cần một cung cách quản lý hiệu quả của Nhà nước.
Thận trọng khi nhìn nhận STEM
Mô hình giáo dục mới mà giáo dục Việt Nam đang áp dụng vào các trường học, giáo sư nhìn nhận nó như thế nào?
STEM như một giải pháp định hướng nhằm hỗ trợ nhân lực cho 4.0 mà một số nước phát triển đã theo đuổi. Tuy vậy, cũng rất cần thận trọng nhìn nhận nó như là một trong những lựa chọn về chính sách GD và chương trình giảng dạy trong các trường học để cải thiện khả năng cạnh tranh trong phát triển kinh tế - xã hội.
Nó có ý nghĩa đối với sự phát triển lực lượng lao động đáp ứng hướng ưu tiên trong phát triển kinh tế xã hội và được dùng trước tiên trong GDPT và GD đại cương. Có thể nêu ra nhiều tổ hợp khác đáp ứng những nhu cầu đa dạng khác nhau ví dụ như STM, eSTEM, STEMIE, STEMLE, STREAM.. và gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng đã xuất hiện GD khai phóng (cũng là một loại tổ hợp CTGD khác).
Vẫn là cần một sự định hướng chiến lược quốc gia về nhân lực để có thể lựa chọn một tổ hợp tối ưu thích ứng với đặc điểm con người Việt Nam, với chiến lược phát triển đất nước Việt Nam.
Hôm nay chúng ta có thể nhận thức được sự cần thiết của STEM nhưng ngày mai đây có thể lại là một tổ hợp khác. Đó cũng là điều tất yếu.
Nếu như quay trở lại với triết lý CM kinh điển mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Dĩ bất biến ứng vạn biến” thì cho dù là chọn STEM hay STREM (thêm robotic) hay AMSEE (Applied Math, Science, Engineering, and Entrepreneurship) thì điều quan trọng hàng đầu hiện nay vẫn là sự làm mới (innovation) lấy việc học của các thế hệ khác nhau trong xã hội làm điểm đột phá (disruptive innovation) để thiết kế lại hệ thống.
Chúng tôi không dám nói về CM học tập như thế giới đã nói vì rằng với người Việt và văn hóa Việt “CM dẫn đến xáo trộn và đổ vỡ” mà chỉ nói đến “đổi mới có tính đột phá”. Sự đổi mới đột phá này có gây bất ổn không, có xáo trộn và đổ vỡ không.
Thưa là xáo trộn thì có nhưng đổ vỡ thì không. Chắc chắn là không vì chúng ta đã có triết lý “trồng người” trước người phương tây và cũng đã chú trọng GD ngoài nhà trường với triết lý “học thầy không tày học bạn” và từ xa xưa là triết lý “ba người cùng đi ắt có người là thầy ta” (tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư)
Xin trân trọng cám ơn GS!
CM CN 2.0 (bắt đầu từ năm 1900 với sự hình thành dây chuyền sản xuất) đòi hỏi những người lao động tiên tiến, họ cần biết đọc biết viết, cần được GD và huấn luyện để trở thành một mắt xích hiệu quả trong dây chuyền sản xuất. Hệ thống này, về thực chất vẫn đang tồn tại trong ý nghĩ của mọi người ngày hôm nay. GD đáp ứng những đòi hỏi của công nghiệp. |
Hồng Hạnh