"Việt Nam không thiếu chuyên gia công nghệ"

Trường Thịnh

(Dân trí) - Theo Tiến sĩ Nguyễn Gia Trí (Trường Đại học FPT), các chính sách đào tạo, chiêu mộ nhân tài công nghệ tại Việt Nam mở ra cơ hội phát triển nghề nghiệp cho nhiều nhân sự giỏi.

Việt Nam không thiếu chuyên gia công nghệ - 1
Anh Nguyễn Gia Trí, Chủ nhiệm bộ môn An toàn thông tin tại Trường Đại học FPT (Phân hiệu Đà Nẵng) (Ảnh: FPT).

Anh Nguyễn Gia Trí hiện là Chủ nhiệm bộ môn An toàn thông tin tại Trường Đại học FPT (Phân hiệu Đà Nẵng). Anh là một trong 7 nhà khoa học trẻ tiêu biểu được xét chọn Giải thưởng Khoa học Công nghệ Quả Cầu Vàng 2022 lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số và tự động hóa. Dịp này anh chia sẻ về tiềm năng phát triển ngành công nghệ thông tin và cơ hội phát triển sự nghiệp tại Việt Nam.

Cơ duyên nào đã đưa anh gắn bó với công nghệ thông tin và nghề giáo?

- Hầu hết gia đình tôi đều làm trong ngành giáo dục. Ngay từ khi còn trên ghế nhà trường, tôi đã có ước mơ đi theo con đường giảng dạy. Bố là người đã truyền cảm hứng, tạo nên niềm đam mê về công nghệ cho tôi ngay từ khi còn nhỏ. Là một nhà giáo ưu tú, cách đây hơn 20 năm, ông là hiệu trưởng của một trong những ngôi trường tiểu học tiên phong đưa môn tin học vào giảng dạy trong chương trình chính khóa. Cơ duyên và môi trường đó đã góp phần thúc đẩy tôi lựa chọn công nghệ thông tin làm hướng đi trên con đường sự nghiệp, dẫn tôi đến với công việc giảng dạy.

Nhìn vào thực tế, ở thế hệ của tôi, công nghệ thông tin cũng là lĩnh vực có rất nhiều tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, đây chưa bao giờ là lĩnh vực dễ chinh phục. Khó khăn lớn nhất khi học ngành này là sự thay đổi không ngừng. Nếu không liên tục cập nhật kiến thức, kỹ năng mới, chúng ta có thể bị các công nghệ mới bỏ lại phía sau.

Dù ở vai trò nghiên cứu hay giảng viên, tôi đều phải thường xuyên tìm tòi, học hỏi thêm những điều mới. Sinh viên hiện nay rất ham học hỏi và chịu khó tự nghiên cứu. Vì vậy, là một người dẫn dắt, tôi cần đọc và tìm tòi nhiều hơn mỗi ngày để có thể giúp sinh viên có được câu trả lời chính xác, sâu sắc về mọi vấn đề liên quan đến ngành học. Những thách thức này cũng là động lực giúp tôi hứng thú với công việc và gắn bó với nghề. 

Việt Nam không thiếu chuyên gia công nghệ - 2
Anh Nguyễn Gia Trí trong buổi chia sẻ với sinh viên (Ảnh: FPT).

Anh đánh giá như thế nào về cơ hội phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin tại Việt Nam?

- Khoa học công nghệ nói chung và công nghệ thông tin nói riêng vẫn còn tồn tại nhiều thách thức. Tuy nhiên, với nỗ lực và quyết tâm cao của Chính phủ trong việc thúc đẩy "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 định hướng đến năm 2030", tôi tin rằng cơ hội và tiềm năng phát triển trong lĩnh vực nghiên cứu công nghệ thông tin tại Việt Nam đang rộng mở, tăng cao hơn bao giờ hết.

Chúng ta không thiếu lực lượng chuyên gia ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Ngoài ra, nguồn nhân lực chất lượng cao cũng đang được chú trọng và tăng cường đào tạo nhằm cân bằng tỷ lệ giữa các lĩnh vực mới nổi như trí tuệ nhân tạo, blockchain, dữ liệu lớn, Internet vạn vật, điện toán đám mây...

Khi những thách thức và rào cản về hoạt động R&D (nghiên cứu và phát triển) được tháo gỡ, công nghệ thông tin sẽ có cơ hội lớn trở thành một điểm sáng đưa Việt Nam trở thành quốc gia tự sáng tạo, thiết kế và sản xuất ra các sản phẩm công nghệ mới.

Công nghệ được cho là ngành học có cơ hội nghề nghiệp đặc biệt triển vọng với nhu cầu thị trường lớn, thu nhập cao. Anh nghĩ sao về điều này? 

- Tôi đồng ý với quan điểm này. Cơ hội làm việc cũng như thu nhập trong ngành đang ở mức tốt. Nhiều sinh viên của tôi, ngay từ năm ba, sau khi thực tập xong đã được nhận vị trí làm việc với mức thu nhập tốt. Tuy nhiên tôi cũng muốn các bạn trẻ hiểu rằng công nghệ đang là ngành có vị thế tốt nhưng mỗi bạn cũng cần có lựa chọn lộ trình học tập và phát triển để có ưu thế trong một ngành vốn không thiếu nhân tố xuất sắc như thế này.

Là một người có sự trải nghiệm giáo dục ở trong và ngoài nước, tôi nhận định giáo dục công nghệ thông tin ở Việt Nam nói chung, Trường Đại học FPT  nói riêng, về cơ bản đã có thể bắt kịp với thế giới. Phần lớn sinh viên đều có mặt bằng chung kiến thức tốt, kỹ năng thực tế, sát với nhu cầu doanh nghiệp. 

Là một người thầy, tôi đánh giá cao chương trình tạo điều kiện cho các sinh viên vừa học vừa làm của nơi tôi đang giảng dạy. Điều này khuyến khích người học nỗ lực có công việc mong muốn ngay sau kỳ thực tập và cũng có lợi cho lộ trình sự nghiệp lâu dài.

Đang làm việc tại nước ngoài, tại sao anh về Việt Nam và chọn vào giảng dạy ở Trường Đại học FPT?

- Về nước với tôi là lẽ rất tự nhiên. Tôi không có suy nghĩ lo lắng khi trở về làm việc ở trong nước sẽ không phát huy được năng lực của bản thân hay không đủ thu nhập, điều kiện cơ sở vật chất để làm việc. Tôi nhận thấy cả hai lĩnh vực tôi quan tâm là giáo dục và công nghệ đều được chú trọng đầu tư rất tốt, đặc biệt ở Trường Đại học FPT.

Những năm gần đây, Nhà nước luôn chú trọng và đặc biệt quan tâm đến phát triển giáo dục, khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nói chung và Tập đoàn FPT nói riêng đã đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng tốc quyết liệt với những bước đi đột phá. 

Tôi nhìn thấy được chiến lược phát triển bền vững, môi trường làm việc năng động, chuyên nghiệp, thậm chí, thu hút nhiều nhân lực nước ngoài đến làm việc. Tới thời điểm này, tôi thấy việc trở về và làm việc ở Trường Đại học FPT là lựa chọn phù hợp với một Tiến sĩ Công nghệ thông tin như tôi.

Việt Nam không thiếu chuyên gia công nghệ - 3
Anh Nguyễn Gia Trí đang làm việc ở Trường Đại học FPT (Ảnh: FPT).

Điều khiến anh ấn tượng nhất khi làm việc ở Trường Đại học FPT là gì? 

- Tại đây, tôi và đồng nghiệp đã thực sự được cởi bỏ mọi ràng buộc để đắm mình cống hiến cho công tác chuyên môn.

Nhiều bạn bè tôi tâm sự không trở về Việt Nam sau khi du học vì nghĩ rằng mình sẽ khó thích nghi với môi trường làm việc. Tuy nhiên, tôi không gặp vấn đề này ở Trường Đại học FPT. Những ngày đầu về đây, tôi không nghĩ môi trường làm việc lại cởi mở, phóng khoáng và chuyên nghiệp như vậy. Nhà trường hỗ trợ mọi mặt cho cán bộ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, các điều kiện làm việc, chính sách hỗ trợ. Giảng viên được toàn tâm toàn ý dành thời gian cho giảng dạy, cũng như nghiên cứu.

Tôi cũng đánh giá cao các hệ thống quản lý sử dụng nền tảng công nghệ thông tin của trường. Nhờ đó, tôi đáp ứng yêu cầu của công tác giảng dạy và nghiên cứu một cách chuyên nghiệp.

Ở môi trường này, mỗi giảng viên được thoải mái chia sẻ quan điểm, tự xây dựng hướng phát triển của bản thân. Nhà trường tạo điều kiện giúp tôi tìm tòi, học hỏi từ đồng nghiệp trong nước cũng như các nhà khoa học và bạn bè quốc tế. 

Ngoài ra, trường cũng khuyến khích các giảng viên học tập, nâng cao trình độ bằng cách cung cấp tài khoản cho chúng tôi học tập tại nhiều nền tảng khóa học trực tuyến trên thế giới, không cần trả phí. Nhờ vậy, mỗi năm, chúng tôi được học rất nhiều kiến thức mới về cả công nghệ, kinh tế và một số chuyên ngành gần khác.

Chính sách chiêu mộ, đãi ngộ nhân tài đang được Trường Đại học FPT áp dụng ra sao? 

- Trường có những chính sách hỗ trợ rõ ràng và hấp dẫn tập trung vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và đẩy mạnh công tác nghiên cứu. Trong đó có chính sách trao thưởng tới 100 triệu đồng cho các công trình nghiên cứu khoa học chất lượng được công bố trên các tạp chí ISI/SCOPUS uy tín, bằng sáng chế và giải pháp hữu ích; hỗ trợ thực hiện nghiên cứu khoa học cấp trường, tham dự hội thảo khoa học quốc tế,…

Ngoài ra, trường cũng có chính sách hỗ trợ 200 triệu đồng chi phí đào tạo tiến sĩ. Đồng thời, đơn vị cũng tạo điều kiện toàn diện để các nhà khoa học kết nối với các công ty phần mềm, trường đại học, viện nghiên cứu ở nước ngoài để xây dựng những dự án sản phẩm công nghệ ở tầm quốc gia và quốc tế. 

Kế hoạch nghề nghiệp của anh tới đây là gì? 

- Trong thời gian tới, tôi và các đồng nghiệp mong muốn tiếp tục là nguồn cảm hứng, người dẫn dắt, đồng hành với các thế hệ sinh viên tiếp theo. Đồng thời, tôi muốn hòa chung khát vọng đổi thay của Trường Đại học FPT trong việc đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn cao, đóng góp cho doanh nghiệp, những công dân toàn cầu trong chặng đường mở mang bờ cõi trí tuệ đất nước.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm