Việt Nam đứng thứ 3 ASEAN về độ cởi mở trong giáo dục đại học
(Dân trí) - Việt Nam đứng thứ ba trong khu vực chỉ sau Malaysia và Thái Lan về chỉ số đánh giá độ cởi mở của hệ thống giáo dục và tự hào là một trong hai quốc gia duy nhất trong khu vực đạt mức ‘"rất cao" ở phần chỉ số đánh giá khung đảm bảo chất lượng quốc gia và công nhận bằng cấp quốc tế.
Các hệ thống giáo dục đại học khu vực ASEAN đang ngày càng kết nối nhiều hơn với cộng đồng giáo dục quốc tế, theo Báo cáo "Định hình giáo dục đại học toàn cầu" – Khung chính sách quốc gia được công bố trong Hội nghị Giáo dục Toàn cầu – Going Global 2018 tại Malaysia.
Theo báo cáo này, tuy không phải là quốc gia có hệ thống giáo dục đại học lớn nhất, nhưng Việt Nam lại là một trong ít quốc gia trong khu vực có hệ thống giáo dục phát triển bậc nhất theo các tiêu chí đánh giá chính thuộc lĩnh vực nghiên cứu của bản báo cáo và kết quả này có được là do sự quan tâm của chính phủ Việt Nam đối với lĩnh vực giáo dục đại học.
Báo cáo được công bố lần này là ấn bản thứ ba của chuỗi báo cáo "Định hình giáo dục đại học toàn cầu", nhằm xây dựng tri thức và sự hiểu biết chung về chính sách và khung pháp lý giáo dục đại học của các quốc gia.
Báo cáo mới nhất tập trung vào 10 nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bao gồm: Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Brunei, Indonesia, Campuchia, Philippines, Singapore, Myanmar và Lào.
Đáng chú ý là không chỉ Việt Nam, mà Malaysia, Philippines, Indonesia, Brunei, Singapore và Thái Lan đều được so sánh một cách tích cực với các quốc gia khác trên khắp thế giới, về mặt chính sách và cơ sở hạ tầng hỗ trợ giáo dục đại học quốc tế.
Chuỗi báo cáo nghiên cứu cung cấp cái nhìn tổng quan về môi trường chính sách trong năm 2016 và 2018 của năm nước được nghiên cứu (Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam và Indonesia).
Hội đồng Anh với báo cáo nghiên cứu này nhằm mục đích giúp cộng đồng giáo dục đại học quốc tế đánh giá theo chuẩn các mức độ hỗ trợ đối với hệ thống quốc gia cho việc kết nối và tham gia vào các hoạt động quốc tế – bao gồm sự dịch chuyển của giảng viên và sinh viên; sự dịch chuyển của các chương trình, các tổ chức và các hợp tác nghiên cứu quốc tế.
Năm quốc gia được nghiên cứu đã tăng cường việc hỗ trợ ở cấp quốc gia một cách có hệ thống đối với việc kết nối giáo dục đại học toàn cầu và đã được ghi nhận đánh giá ở mức "cao" ở cả ba lĩnh vực đánh giá chung của khung chính sách quốc gia.
Việt Nam đứng thứ ba trong khu vực chỉ sau Malaysia và Thái Lan về chỉ số đánh giá độ cởi mở của hệ thống giáo dục và tự hào là một trong hai quốc gia duy nhất trong khu vực đạt mức "rất cao" ở phần chỉ số đánh giá khung đảm bảo chất lượng quốc gia và công nhận bằng cấp quốc tế.
Tất cả các quốc gia khu vực ASEAN đều đã hoặc đang cố gắng để phát triển qua các giai đoạn quan trọng của chương trình giáo dục xuyên quốc gia ở trong nước và cùng hướng tới mục tiêu phát triển hệ thống giáo dục đại học qua việc xây dựng các hợp tác giáo dục xuyên quốc gia ở bình diện quốc tế.
Michael Peak, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Hệ thống Giáo dục Đại học, Hội đồng Anh chia sẻ: ‘Giáo dục đại học quốc tế có vai trò quan trọng không chỉ đối với mỗi quốc gia mà còn đối với cả khu vực ASEAN. Mặc dù là khu vực đa dạng về quy mô nền kinh tế và với sự “trưởng thành” của các hệ thống giáo dục đại học, ASEAN lại thống nhất với cùng một mong muốn được kết nối sâu hơn với giáo dục đại học quốc tế’.
Hồng Hạnh