Vì sao trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch tăng học phí?
(Dân trí) - Lãnh đạo trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết dự kiến từ năm 2018 trường sẽ tự chủ toàn phần mà không được ngân sách TP.HCM hỗ trợ. Nhà trường công bố mức học phí dự kiến tăng gấp 2,7 đến 4,8 lần tùy ngành để thí sinh đăng ký xét tuyển năm nay cân nhắc thay đổi nguyện vọng.
Tương lai sẽ tự chủ tài chính
Trao đổi với Dân trí, PGS.TS Ngô Minh Xuân, hiệu trưởng trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết việc áp dụng mức học phí mới dự kiến áp dụng cho sinh viên khóa 2017 trở về sau. Đến năm 2018, sau khi được UBND cho phép tự chủ toàn phần thi nhà trường tự lo hết chi phí, không được cấp ngân sách nữa nên phải tính học phí theo Nghị định 86/2015 -NĐ/CP.
Chỉ 3 ngành là Y đa khoa; Răng Hàm Mặt và Dược được trường tính mức thu tối đa là 4,4 triệu đồng/tháng; ngành Khúc xạ nhãn khoa trường phải mời giảng viên từ Úc sang giảng dạy nên cũng tính mức tối đa; còn các ngành khác thì lấy thấp hơn ở mức từ 2,5 -3,6 triệu đồng.
Theo ông Xuân, mức học phí này đã thông qua UBND TP.HCM tuy nhiên áp dụng chính thức sau khi TPHCM duyệt đề án tự chủ toàn phần của trường, dự kiến có thể áp dụng vào tháng 1/2018.
PGS.TS Ngô Minh Xuân cũng cho biết: Việc trường công bố mức học phí dự kiến tăng vào thời điểm này cũng vì quyền lợi cho các thí sinh. “Trường công bố để thí sinh cân nhắc để trong vòng từ ngày 15-21/7 có thể thay đổi nguyện vọng phù hợp khả năng tài chính của mình”.
“Từ năm 2018, dự kiến sinh viên hộ khẩu TPHCM và sinh viên của tỉnh khác sẽ thu mức bằng nhau. Tuy nhiên tùy theo TP.HCM đặt hàng bao nhiêu chỉ tiêu để phục vụ nhu cầu thành phố thì sẽ có học bổng bán phần cho số chỉ tiêu này. Nếu sinh viên nhận tiền của thành phố thì khi ra trường sẽ phải tuân theo phân công của Sở Y tế về phục vụ tại các địa phương. Nếu sinh viên nào không nhận hỗ trợ từ thành phố thì không bị ràng buộc mà được phép tự xin việc làm”, ông Xuân chia sẻ.
Chi phí đào tạo ngành y đang rẻ nhất thế giới
Trước ý kiến cho rằng mức tăng học phí này khá "sốc", PGS.TS Ngô Minh Xuân cho rằng, đào tạo nhân lực ngành sức khỏe gấp 4-5 lần các ngành khác nên không thể so sánh mức học phí với các ngành khác. Thực tế nếu áp dụng mức học phí mới như dự kiến thì nhà trường vẫn phải bù lỗ bằng nhiều cách khác.
“Nếu áp dụng theo mức mới, trường thu mức học phí 4 triệu đồng/tháng thì mới chỉ tương đương là 1.800 USD/năm. Trong khi nước đào tạo ngành sức khỏe với chi phí được xem là thấp nhất hiện nay như Hungary cũng đã ở mức gần 18.000 USD/năm. Còn các nước trên thế giới, ngành y người ta đào tạo chi phí cũng 40.000 - 60.000 USD/năm. Đào tạo ngành y không thể như những ngành khác được, muốn chất lượng tốt thì “không thể nào muốn vừa ăn ngon, vừa bổ, vừa rẻ được”, ông Xuân nói.
Bên cạnh đó, ông Xuân cũng chia sẻ thêm rằng hiện nay các bệnh viện cũng tự chủ tài chính cả rồi, việc cho sinh viên đi thực tập vẫn phải trả chi phí rất nhiều cho các bệnh viện. “Giờ họ tính trên đầu sinh viên, vô phòng phẫu thuật từ đôi găng đến nước rửa tay, sát trùng tay, quần áo phẫu thuật đều phải trả tiền hết. Nếu không có tiền thì không thể đào tạo có chất lượng được”, vị hiệu trưởng bộc bạch.
“Nói thật hiện giờ nếu trường không có tiền thì cũng không cách nào có thể giữ chân được người giỏi ở lại trường giảng dạy. Thành phố không thể bao cấp mãi được trong khi nhu cầu đào tạo của trường cũng rất lớn”, ông Xuân cho biết.
Trước đó, ông Xuân từng chia sẻ lương bình quân cơ bản của cán bộ, giảng viên còn thấp chỉ 3,7 triệu đồng/tháng, tổng thu nhập trung bình chỉ khoảng 9 triệu đồng/tháng (năm ngoái 8 triệu đồng ) vẫn còn thấp so với mặt bằng chung. Chế độ đãi ngộ vẫn chưa bằng các trường tư hay bệnh viện nên một số nhân sự chuyên môn tốt chạy sang chỗ khác.
Lê Phương (ghi)