Vì sao Hà Nội không cho học sinh kiểm tra học kỳ trực tuyến?
(Dân trí) - Sở GD&ĐT Hà Nội vừa quyết định cho học sinh nghỉ hè sớm 2 tuần, kiểm tra học kỳ trực tiếp tại trường. Nhiều người băn khoăn, vì sao không cho học sinh kiểm tra trực tuyến?
Kiểm tra trực tuyến: Chưa đủ hạ tầng và thiếu khách quan
Trong công văn 1633/SGDĐT-GDPT gửi UBND thành phố trước đó về việc, đề xuất cho phép điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học 2020-2021 các cấp học trên địa bàn, Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị chưa tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ bằng hình thức trực tuyến cho học sinh phổ thông, giáo dục thường xuyên năm học 2020-2021.
Theo lý giải của đơn vị này, Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT ngày 30/3/2021 của Bộ GD&ĐT, quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên chỉ được tiến hành từ ngày 16/5/2021, khi thông tư này có hiệu lực.
Như vậy, nếu thực hiện kiểm tra trước ngày 16/5 là trái quy định và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Cùng với đó, xét căn cứ tình hình thực tiễn, việc bảo đảm các điều kiện tối thiểu về hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ 100% giáo viên, học sinh ở từng cơ sở giáo dục; điều kiện thiết bị của nhiều học sinh còn khó khăn, chưa bảo đảm việc kiểm tra trực tuyến chính xác, công bằng, khách quan, trung thực đối với từng học sinh.
Trên cơ sở đó, Sở GD&ĐT đề xuất, tiến hành kiểm tra học kỳ II trực tiếp tại cơ sở giáo dục vào thời điểm dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn, học sinh được đến trường trở lại.
Được biết, từ ngày 4/5, khoảng 2 triệu học sinh Hà Nội dừng đến trường, chuyển sang học online.
Học sinh khối 9 và 12 đã kiểm tra xong học kỳ, các khối lớp còn lại đang dang dở, hoặc trong quá trình chuẩn bị.
Học sinh có thời gian ôn để khỏi "rơi rụng" kiến thức
Lãnh đạo nhiều trường học cho rằng, nghỉ hè trước thời điểm kiểm tra học kỳ II là quyết định hợp lý trong thời điểm dịch bệnh phức tạp.
Tuy nhiên, phụ huynh lo lắng học sinh nghỉ hè rồi hết dịch mới đến trường kiểm tra học kỳ, các em sẽ "rơi rụng" kiến thức.
Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm) cho rằng, thi học kỳ bằng hình thức trực tuyến chỉ áp dụng trong trường hợp bất khả kháng.
Theo hiệu trưởng này, việc kiểm tra trực tuyến khó khách quan và khó kiểm soát được chất lượng, không phải học sinh nào cũng đủ điều kiện để tham gia kiểm tra cùng một thời điểm.
Hiện học sinh lớp 12 của trường này cơ bản hoàn thành các bài kiểm tra cuối kỳ nhưng khối lớp 10, 11 vẫn đang dang dở.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Hồng Vũ, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Tây Hồ cũng thừa nhận, không thể có công bằng khi thi học kỳ bằng hình thức trực tuyến bởi rất khó kiểm soát.
Về mặt công nghệ, để thi trực tuyến tốt, trước hết phải có phần mềm chuyên dụng, không thể thi trên những phần mềm đang dạy trực tuyến.
Hiện nay, chỉ một số trường có nền tảng công nghệ thông tin tốt, có thể tổ chức thi tích hợp trắc nghiệm qua một số phần mềm nhưng có chắc câu trả lời đấy là của học sinh hay không?
Ý kiến của chuyên gia này đưa ra, nhà trường có thể sử dụng các cột điểm từ trước đến nay để đánh giá học lực, đồng thời kết thúc năm học vào thời điểm này, không cần làm bài kiểm tra học kỳ.
Khi bước vào năm học mới, nếu tình hình dịch bệnh bớt căng thẳng, có thể làm bài khảo sát đầu năm.
Về điều này, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định, học sinh có thời gian để ôn tập trước khi kiểm tra.
Cụ thể, thời gian tiến hành ôn tập, kiểm tra, đánh giá bù vào thời gian HS nghỉ hè sớm so với kế hoạch năm học đã quy định (số ngày nghỉ hè sớm 14 ngày) nên các trường có 14 ngày để vừa ôn tập, vừa kiểm tra, đánh giá học sinh.
Cũng theo Sở GD&ĐT Hà Nội, với lớp 9, các trường THCS đã hoàn thành kiểm tra học kỳ 2 và đang tiến hành xét tốt nghiệp THCS.
Đối với học sinh lớp 12, các trường học, cơ sở giáo dục đã hoàn thành kiểm tra cuối kỳ 2, đang hoàn thiện hồ sơ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh CĐ, ĐH.
Hai khối lớp này sẽ tiếp tục học, ôn tập trực tuyến đến hết ngày 28/5.