Bạn đọc viết:

Vì sao giáo viên “đùn đẩy” nhau tham gia hội giảng?

(Dân trí) - Đầu năm học, các giáo viên (GV) chúng tôi đều phải đăng kí các chỉ tiêu, các danh hiệu thi đua của cá nhân mình. Đây là công việc quen thuộc của tất cả các GV. Thế nhưng bây giờ khi đăng kí các danh hiệu thi đua, chẳng ai còn “mặn mà” nữa. Dường như không có ai dám dũng cảm xung phong đi cả.

Cuối cùng là tổ chuyên môn, ban giám hiệu (BGH) gần như phải chỉ định thì GV mới miễn cưỡng mà đồng ý. 

Trong các trường học hiện nay thì phong trào hội giảng luôn được quan tâm hàng đầu. Đây là một tiêu chí trong xếp loại thi đua trường học. Vậy nhưng xem ra, GV đang ngày càng chán khi tham gia hội giảng. Họ đùn đẩy nhau để khỏi phải tham gia hội giảng. Lí do thì ai cũng biết, GV tham gia hội giảng rất cực khổ nhưng cuối cùng lại chẳng được gì. Thành thử, càng ngày, GV càng chán khi phải tham gia công tác hội giảng.

Có thể nói, phong trào hội giảng là một sân chơi kiến thức rất lý thú cho các GV. Sau mỗi kì hội giảng, tay nghề GV được nâng lên rất nhiều. Các thầy cô sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm khi đứng lớp. Ngoài ra đây còn là dịp để thầy cô khẳng định năng lực Sư phạm của bản thân mình.

Vậy nhưng kể từ khi thực hiện theo Thông tư 35 của Bộ GD&ĐT thì GV đều chán khi tham gia hội giảng. Có thể nói Thông tư này đã thui chột niềm hứng khởi của rất nhiều GV. Công sức họ bỏ ra rất nhiều mà cuối cùng lại chẳng được gì.

Ai đã từng tham gia hội giảng thì sẽ biết nỗi khổ của GV. Từ hồ sơ sổ sách phải xếp loại tốt đến hai tiết hội giảng phải đạt vất vả như thế nào. Chưa kể, thầy cô còn phải viết "Sáng kiến kinh nghiệm hoặc Giải pháp khoa học" nữa. Ôi thôi, khỏi phải nói sự vất vả. Suốt một năm nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ. Vậy mà cuối cùng khi xét thi đua vẫn bị văng ra. Công sức phấn đấu một năm coi như "đổ sống, đổ bể".

Theo như Thông tư 35 của Bộ GD&ĐT quy định thì tỷ lệ Chiến sĩ thi đua cơ sở, không quá 15% số cá nhân đạt danh hiệu "lao động tiên tiến" của đơn vị. Vì khống chế chỉ tiêu nên số GV tham gia hội giảng đạt được là rất khó. Thông thường trong các trường học thì BGH một suất, Tổng phụ trách Đội một suất. Còn lại mới xét đến GV. Chỉ nói như vậy là đủ hiểu GV đạt được danh hiệu Chiến sĩ thi đua khó như thế nào rồi.

Trước đây, khi chưa khống chế chỉ tiêu thi đua, GV thường đăng kí rất đông và hồ hởi. GV chỉ cần đạt tiết giảng, đạt sáng kiến kinh nghiệm là được công nhận Chiến sĩ thi đua. Còn bây giờ, GV đạt hết tiêu chí trên nhưng khi bình xét thi đua vẫn "tay trắng". Thành thử, nhiều GV bây giờ thường có tư tưởng an phận, không muốn phấn đấu cố gắng làm gì. Họ dường như không còn thiết tha gì khi đăng kí thi đua cả.

Bản thân là một GV đã từng nhiều năm tham gia hội giảng nên tôi hiểu vì sao bây giờ GV đều chán khi tham gia hội giảng. Cả một năm nỗ lực phấn đấu không ngừng. Công sức GV bỏ ra là không ít. Nhất là khi viết Sáng kiến kinh nghiệm. Nó ngốn không ít công sức và thời gian của GV. Vất vả như thế nhưng cuối cùng lại chẳng được gì. Thành thử Gv bây giờ cứ đùn đẩy nhau khi tham gia hội giảng. Câu chuyện buồn nhưng là một thực tế hiện nay trong các trường học.

Thiết nghĩ, đã đến lúc ngành Giáo dục cần thay đổi lại tiêu chí xếp loại thi đua. Xin đừng khống chế chỉ tiêu nữa. Hãy trở lại cách xếp loại như trước đây đi. Chỉ có như vậy mới tạo được động lực cho GV cố gắng, phấn đấu.

LT

(Tây Ninh)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.  

Xin trân trọng cảm ơn!