Vì sao giáo viên dạy trẻ khuyết tật không được nhận phụ cấp?
(Dân trí) - Giáo viên dạy học sinh khuyết tật theo phương thức giáo dục hòa nhập trong các cơ sở giáo dục từ cấp Mầm non đến THCS tại Thanh Hóa đang bị bỏ quên chế độ phụ cấp này.
Từ khi có quy định chưa được nhận đồng phụ cấp nào?
Theo phản ánh của một giáo viên dạy Mầm non trên địa bàn thành phố Thanh Hóa (Thanh Hóa), dù nhiều năm trực tiếp giảng dạy học sinh khuyết tật thế nhưng cô giáo này chưa từng được nhận một đồng phụ cấp nào.
"Theo tôi được biết thì quy định giáo viên trực tiếp dạy trẻ khuyết tật tại các cơ sở công lập sẽ được nhận phụ cấp ưu đãi, nhưng không hiểu sao chúng tôi không được nhận", cô giáo này cho biết.
Một giáo viên khác dạy cấp THCS trên địa bàn huyện Như Thanh cho biết, từ năm 2016 tới nay, thầy giáo này và hàng chục thầy cô khác đã tham gia dạy học sinh khuyết tật trong trường, mỗi kỳ học đều có thống kê, báo cáo. Tuy nhiên, đã 5 năm trôi qua, hàng chục thầy cô tại trường chưa nhận được tiền phụ cấp.
"Năm nào trường cũng có học sinh khuyết tật theo học. Dạy những học sinh này các thầy cô thật sự rất vất vả, phải có phương pháp riêng. Nếu đã có quy định hỗ trợ thì không nên để giáo viên thiệt thòi. Chúng tôi không nhận được bất cứ sự hướng dẫn hay chỉ đạo nào từ cấp trên về việc lập danh sách báo cáo về các trường hợp này", một hiệu trưởng trên địa bàn thành phố Thanh Hóa chia sẻ.
Theo tìm hiểu, không chỉ riêng địa bàn thành phố Thanh Hóa, huyện Như Thanh mà tất cả 27 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa với hàng nghìn giáo viên, chưa nhận được trợ cấp cho những người đứng lớp dạy học sinh khuyết tật từ bậc Mầm non tới THCS.
Mới chỉ giáo viên THPT được nhận!
Theo bà Lê Thúy Lan, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Như Thanh, từ tháng 8/2016, sau khi có hướng dẫn của Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa về việc triển khai thực hiện phụ cấp ưu đãi cho giáo viên theo khoản 2 điều 7 Nghị định 28 của Chính phủ, năm nào Phòng cũng thống kê chi tiết, đầy đủ hồ sơ theo hướng dẫn trình Chủ tịch UBND huyện phê duyệt. Nhưng sau khi có quyết định phê duyệt trình Sở Tài chính thì Sở này trả lời do có một số vướng mắc trong quá trình hướng dẫn thực hiện chưa cụ thể, rõ ràng nên chưa cấp kinh phí được.
Trước kiến nghị của giáo viên, tháng 10/2021, trong văn bản tổng hợp giải quyết khó khăn, vướng mắc gửi UBND tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch UBND huyện Như Thanh cũng đã có ý kiến về việc này. Lãnh đạo huyện đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa và các Sở, ban, ngành sớm có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện, bảo đảm các chế độ, phụ cấp cho giáo viên trên địa bàn.
Ngoài ra, theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT một số địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, do không có hướng dẫn cụ thể của Sở GD&ĐT cũng như của Sở Tài chính nên không có cơ sở để yêu cầu các trường báo cáo.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Riêng khối THPT thì các trường báo cáo và Sở thực hiện nghiêm túc nên giáo viên dạy học sinh khuyết tật ở cấp THPT đều được nhận phụ cấp ưu đãi đầy đủ.
Riêng cấp Mầm non đến THCS, trách nhiệm của Sở chỉ quản lý về chuyên môn như dạy và học, chất lượng dạy học, còn về chế độ này, huyện, thị, thành phố sẽ làm việc với Sở Tài chính và phân bổ, thực hiện. Sở GD&ĐT không thể ra các văn bản không thuộc chức năng quản lý Nhà nước".
Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa cũng cho biết, chỉ khi UBND tỉnh giao thực hiện, hoặc đơn từ đảm bảo quy định thì Sở sẽ triển khai.
Được biết, ngày 18/11/2017, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cũng đã có văn bản phúc đáp rất rõ về mức phụ cấp ưu đãi; về cách tính, hưởng phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo trực tiếp giảng dạy người khuyết tật theo phương thức giáo dục hòa nhập trong các cơ sở giáo dục Mầm non, Phổ thông. Theo văn bản này, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đề nghị Thanh Hóa tiếp tục áp dụng các quy định tại Nghị định 28.