Vì sao cần có chiến lược riêng cho từng ngành khi ứng tuyển đại học Mỹ?
(Dân trí) - Ngoài những thành phần như điểm chuẩn hóa, hoạt động ngoại khóa,…việc lựa chọn ngành học và xây dựng chiến lược hồ sơ từng ngành chính là yếu tố quan trọng để đem về học bổng “tiền tỉ” từ các trường đại học hàng đầu Hoa Kỳ.
Đây chính là lời khuyên của các diễn giả trong “Triển lãm du học Mỹ theo ngành” diễn ra vào ngày 29/7 tại Hà Nội cho các bạn trẻ có mục tiêu chinh phục học bổng Mỹ.
Tiềm năng của các ngành học
Ngành STEM (Science - Khoa học, Technology - Công nghệ, Engineering - Kỹ thuật và Mathematics - Toán học) đang là một trong những ngành học “hot” nhất tại Mỹ, thu hút số lượng rất lớn sinh viên theo học trong thời điểm hiện nay.
Theo số liệu thống kê của Bộ thương mại Hoa Kỳ 2018, nhu cầu về nhân lực ngành STEM tăng hơn 24% trong 10 năm qua. Từ năm 2009 đến năm 2015, số lượng việc liên quan đến ngành học STEM tăng 10.5% so với mức tăng trưởng 5.2% của các ngành khác. Đặc biệt thị trường nghề của ngành STEM được dự tính là sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời kỳ từ 2014 đến 2024.
Các nghiên cứu chỉ ra 93 trên 100 các nghề ngành STEM có mức lương trên mức trung bình của nước Mỹ. Đồng thời Hoa Kỳ có chính sách chiêu mộ nhân tài ngành STEM nên sinh viên quốc tế tốt nghiệp ngành STEM sau khi ra trường có cơ hội việc làm tốt tại Mỹ nếu đủ năng lực.
Báo cáo của Cục Thống kê Lao động Mỹ 2018 cho thấy rằng khối ngành Business (Thương mại) được quan tâm nhiều do thị trường tuyển dụng đa dạng trong hai năm trước. Tuy nhiên, số liệu của 2 năm trở lại đây cho thấy rằng khối ngành STEM đã đuổi kịp thành công Business (Thương mại) về số lượng học sinh ứng tuyển và đang dần có xu hướng dẫn đầu do cơ hội việc làm và thu nhập cao sau khi ra trường.
Khối ngành STEM được hầu hết các em học sinh và các bậc phụ huynh lựa chọn nhưng chính vì thế lại gây bất lợi trong việc nhận học bổng từ các trường đại học. Trong khi đó, khối ngành Social Science (Khoa học xã hội) có cơ hội nhận học bổng và hỗ trợ tài chính cao hơn so với các khối ngành cạnh tranh.
Hiểu về mình, chọn đúng ngành
Khi ứng tuyển vào đại học nước ngoài, các ứng viên cần hiểu được những ưu thế, bất lợi của ngành học đó và thể hiện mình là một thí sinh có tố chất cho ngành học.
Em Phạm Phú Cường đang theo học ngành Khoa học máy tính của trường Đại học Case Western Reserve (Mỹ) cho biết,hồ sơ lí tưởng cho ngành STEM là ứng viên cần phải có bảng điểm xuất sắc, các hoạt động ngoại khóa không cần nhiều nhưng phải thể hiện được niềm đam mê với ngành học.
Điểm GPA của Phú Cường luôn đạt 9.4 trở lên, IELTS 7.5, ACT 33, SAT II (Toán, Lý: 800; Hóa: 790).
Trong bài luận cá nhân, Cường kể lại những khó khăn khi em đi dạy tiếng Anh bằng chữ nổi cho học sinh mù của trường Nguyễn Đình Chiểu và em mong muốn được sử dụng kiến thức về khoa học máy tính để khắc phục những điều đó. Ngoài ra, em có gửi cho trường một ứng dụng giúp mọi người đam mê học Toán do em thiết kế.
Theo Cường, nhiều bạn tham gia hoạt động ngoại khóa là bắt buộc nhưng hoạt động ngoại khóa phải chính là những điều mình thích và bộc lộ được các tính cách phù hợp với ngành học như chăm chỉ, kiên trì, thông minh.
Em Lê Minh Hà đang theo học ngành Truyền thông tại trường Loyola University Chicago chia sẻ: “Với ngành Business (Thương mại), thế mạnh của bộ hồ sơ thể hiện ở sự đa dạng các hoạt động ngoại khóa và tính cách cá nhân. Ứng viên phải cho nhà tuyển sinh thấy bản thân là người có tố chất lãnh đạo, truyền cảm hứng cho nhiều người, liều lĩnh và chủ động.
Còn với ngành Social Science (Khoa học xã hội) thì các ứng viên phải thể hiện được sự sáng tạo, lòng nhân ái và suy nghĩ sâu sắc.
Em đam mê viết nhưng đồng thời thích sân khấu và điện ảnh. Em quay phim và làm video từ khi 12 tuổi, lớn lên cùng âm nhạc và trình diễn. Lúc đầu, em chọn ngành Tâm lí học bởi sự hiếu kì với việc nghiên cứu não bộ con người.
Nhưng sau em lại nhận ra đam mê thực sự với các phương thức giao tiếp, với việc tìm hiểu và gắn kết những con người xung quanh để tìm ra cách kể những câu chuyện rất riêng của họ. Vì thế, em chọn học ngành Truyền thông”.
Với câu hỏi của phụ huynh về mục đích của việc xác định ngành học trước khi chọn trường, các diễn giả cho rằng, trước tiên nó sẽ tăng khả năng nhận học bổng cao từ các trường phù hợp. Thứ hai, hạn chế việc ứng viên phải đổi ngành trong bốn năm học đại học. Thứ ba, nó sẽ cho ứng viên cơ hội bộc lộ tính cách, gây ấn tượng với nhà tuyển sinh về sự nghiêm túc với ngành học.
Hồng Vân