Vì sao Bộ GD-ĐT điều động giáo viên biên soạn, xây dựng ngân hàng câu hỏi?

Giáo viên các trường THPT phải tham gia biên soạn câu hỏi, xây dựng ngân hàng câu hỏi đề thi theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa có công văn số 5396/BGDĐT-GDTrH gửi các sở GD-ĐT về việc tăng cường xây dựng và sử dụng ngân hàng đề thi trên mạng. Theo đó, Bộ GD-ĐT đề nghị các sở chỉ đạo các cơ sở giáo dục trung học tổ chức và hướng dẫn giáo viên tham gia biên soạn câu hỏi, xây dựng ngân hàng câu hỏi đề thi trên mạng "trường học kết nối".


Thí sinh dự thi THPT quốc gia tại TPHCM. (Ảnh: Tấn Thạnh)

Thí sinh dự thi THPT quốc gia tại TPHCM. (Ảnh: Tấn Thạnh)

Các câu hỏi phải được xây dựng theo 4 mức độ gồm: nhận biết (nhắc lại hoặc mô tả đúng kiến thức, kỹ năng đã học); thông hiểu (diễn đạt đúng kiến thức hoặc mô tả đúng kỹ năng đã học bằng ngôn ngữ theo cách của riêng mình, phân tích, giải thích, so sánh, áp dụng trực tiếp kiến thức, kỹ năng đã biết để giải quyết các tình huống, vấn đề học tập); vận dụng (kết nối và sắp xếp lại các kiến thức, kỹ năng đã học để giải quyết thành công tình huống, vấn đề tương tự tình huống, vấn đề đã học); vận dụng cao (vận dụng được các kiến thức, kỹ năng để giải quyết các tình huống, vấn đề mới, không giống với những tình huống, vấn đề đã được hướng dẫn; đưa ra những phản hồi hợp lý trước một tình huống, vấn đề mới trong học tập hoặc trong cuộc sống).

Nội dung câu hỏi được biên soạn phải bảo đảm tính khoa học, chính xác, phù hợp với lứa tuổi học sinh; không biên soạn câu hỏi kiểm tra, đánh giá những nội dung, bài tập câu hỏi vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.

Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán của các địa phương với mỗi sở là 22 người, trong đó có 20 giáo viên cốt cán, giàu kinh nghiệm, đang dạy lớp 12 các môn toán, vật lý, hoá học, sinh học, ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân, tiếng Anh, tiếng Pháp. Công tác tập huấn được triển khai trong 12 ngày gồm tập huấn trực tiếp thông qua việc tập trung giáo viên các tỉnh và tập huấn trực tuyến qua mạng. Toàn bộ các cán bộ, giáo viên được tập huấn phải mang theo máy tính xách tay có kết nối internet, sách giáo khoa lớp 12 và tài liệu phục vụ biên soạn câu hỏi kiểm tra, đánh giá.

Yêu cầu của Bộ GD-ĐT khiến nhiều giáo viên và chuyên gia giáo dục băn khoăn vậy các câu hỏi và ngân hàng đề của giáo viên sẽ được sử dụng ra sao? Ngân hàng câu hỏi do các giáo viên xây dựng có là một kênh tham khảo để lấy làm đề thi trong kỳ thi THPT quốc gia hay không? Thêm vào đó, vấn đề bản quyền câu hỏi, ngân hàng đề thi ra sao, những người ra đề có được hưởng thù lao biên soạn câu hỏi hay không? Việc điều động giáo viên tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi này sẽ tiết kiệm cho ngân sách bao nhiêu tiền làm đề thi?

Hiệu trưởng một trường ĐH cho rằng những băn khoăn này không phải không có lý do bởi việc biên soạn ngân hàng câu hỏi, ra đề thi THPT quốc gia của Bộ GD-ĐT tốn rất nhiều tiền. Năm 2016, Bộ GD-ĐT đã tiêu 15 tỉ đồng cho việc biên soạn ngân hàng câu hỏi, ra đề thi THPT quốc gia.

Theo đề án đổi mới thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ sư phạm, trung cấp sư phạm hệ chính quy giai đoạn 2018-2010 mà Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã ký thu hồi tháng 5-2018 sau khi Thứ trưởng GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ ký ban hành không lâu, chi phí cho việc xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa phục vụ đề thi kỳ thi THPT quốc gia 2018 là 84,7 tỉ đồng. Chi phí ra đề thi là 31 tỉ đồng.

Theo Yến Anh

Người Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm