Vị giáo sư đưa triết lý Việt vào khoa học hiện đại
(Dân trí) - GS.TSKH Trần Chi sinh ra và lớn lên tại Thanh Trì – Hà Nội, sang Ba Lan năm 1979 làm Tiến Sỹ, rồi Tiến sĩ Khoa Học và trở thành Giảng viên rồi Giáo sư tại Đại học tổng Hợp Gansk.
Từ năm 2001 ông được mời về giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học tổng hợp Warmia và Mazury (University of Warmia and Mazury) nơi ông công tác cho đến nay.
Đại học tổng hợp Warmia và Mazury là một trong những đại học lớn đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh Warmia và Mazury và các khu vực khác của Ba Lan cũng như một số nước khác (nhất là các nước Ả Rập). Hàng năm có khoảng trên 30 000 sinh viên theo học từ bậc đại học đến tiến sỹ ở 17 Khoa và 58 chuyên ngành khác nhau. Tuy nhiên, trong đội ngũ trên 3300 cán bộ, giảng viên, nhà nghiên cứu đang công tác tại đây GS.TSKH Trần Chi là người Việt và cũng là người Châu Á duy nhất.
Hiện tại, ông đang là trưởng Bộ môn Cơ học đất và Xây dựng đường bộ và là Giáo sư và nhà nghiên cứu đầu ngành của trường về Cơ học đất, Ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ học đất - xây dựng. Mặc dù làm nhiều công tác quản lý và nghiên cứu khoa học, nhưng do không có người thay thế nên hiện tại Giáo sư vẫn tham gia giảng dạy rất nhiều môn học cho sinh viên đại học, sau đại học như: Kỹ nghệ thông tin, Ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng, Phương pháp máy tính, Nền tảng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) trong xây dựng và cơ học đất. Bên cạnh đó ông cũng tham gia hướng dẫn nhiều luận văn thạc sỹ và tiến sỹ.
Trong suốt thời gian dài công tác tại Đại học Tổng hợp Gdansk, rồi Đại học Tổng hợp Warmia và Mazury, Giáo sư đã có nhiều công trình nghiên cứu đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế và khu vực, cũng như là Chủ tịch (chairman) các tiểu ban khoa học của các hội thảo khoa học trong và ngoài Ba Lan về cơ học đất, và ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng và cơ học đất. Nhưng, công trình mà ông tâm đắc nhất, tâm huyết nhất lại một cuốn sách mà mới được phản biện và xuất bản bằng tiếng anh đầu năm 2013 này sau nhiều năm nghiên cứu, tìm tòi và tập hợp.
“Đứa con tinh thần” của Giáo sư có tên “Dealing with geotechnical uncertainties using being-non-being philosophy and multi-valued logic” tạm dịch là “Giải quyết các vấn đề không chắc chắn trong cơ học đất sử dụng triết lý sắc sắc không không và logic nhiều giá trị”. Cuốc sách đã được một giáo sư phản biện đầu ngành tại Đại học Tổng hợp Gansk đánh giá là “Một công trình sẽ được nhiều nhà khoa học trên thế giới đón đọc”.
Trong công trình này, GS. Chi đã trình bày một cách chi tiết về những phương pháp giải quyết các vấn đề trong kỹ thuật bằng việc sử dụng những triết lý mới, logic mới và khái niệm mới, mà những vấn đề không chắc chắn trong cơ học đất là một ví dụ để chứng minh.
Ngay trong tiêu đề cuốn sách 13 chương này, chúng ta có thể thấy khái niệm “Sắc sắc không không” một triết lý Việt trong đạo Phật. Trong Chương II có tên “Triết học, logic và ngôn ngữ” - chương cơ sở lý luận khoa học cơ bản, là tiền đề để giải quyết các vấn đề trong Khoa học Kỹ thuật ở phần sau – các triết lý Việt “Sắc sắc không không”, “Hồng hồng tuyết tuyết” (trong Ca Trù - một nghệ thuật truyền thống của dân tộc Việt Nam có từ thế kỷ 15 đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới năm 2009) được phân tích và diễn giải một cách biện chứng khoa học, bên cạnh quan điểm triết học của Kant, của Hegel, triết lý “Hai phương” của Khổng tử, “nhất phương” của Trang tử, logic 4 giá trị của Ấn Độ, logic thật giả của Ba Lan, lý thuyết tập hợp mờ ảo… Các chương tiếp theo, Giáo sư đã sử dụng những quan điểm triết học, logic này trong việc giải quyết các bài toán kỹ thuật có thể gặp phải trong thực tế.
Nhờ những đóng góp và sự cống hiến của mình, GS.TSKH Trần Chi đã nhận được nhiều bằng khen của nhà nước Ba Lan, trong đó nổi bật nhất là Huân chương hạng ba về sự nghiệp giáo dục và nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, giáo sư luôn trăn trở mình là người Việt nhưng vẫn chưa đóng góp được gì cho đất nước và nền giáo dục nước nhà.
Ông mong mỏi trong tương lai không xa có nhiều cơ hội để tham gia nghiên cứu khoa học hoặc truyền đạt lại những kiến thức tiên tiến mà ông tích lũy được cho các thế hệ đi sau ở nước nhà. Đây là cơ hội để các bạn nghiên cứu sinh, cao học ở Việt Nam về Cơ học đất, hoặc ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ học đất, xây dựng cần thầy hướng dẫn có thể nhờ đến Giáo sư.
Chu Đình Tới
NCS ở Ba Lan