“Vé vớt” nào cho chàng trai thi ĐH đạt 25 điểm bị “trục trặc lý lịch”?

(Dân trí) - Kết quả thi vào ĐH An ninh của cậu học trò nghèo Đặng Văn Thiên đạt 25 điểm, nhưng vì lý lịch trục trặc nên em có nguy cơ phải ở nhà một năm, chờ sang năm thi trường nào “nuôi ăn ở” hoặc ở gần nhà để mẹ đỡ vất vả...

Tiếc lực học rất tốt và thương cho hoàn cảnh mẹ góa con côi của em, một bạn đọc đã gửi thư đến Dân trí mong tìm được một lối thoát cho Thiên.

 

Từ chỉ dẫn trong thư, chúng tôi về thôn 4, xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) quê Thiên trong những ngày cuối tháng 8. Vất vả lắm mới tìm được nhà em, giữa heo hút lưng đồi.

 

Nhà quá nghèo nên kỳ thi ĐH vừa qua, Thiên chỉ nộp hồ sơ thi duy nhất vào trường ĐH An ninh Nhân dân (phía Nam).

 

Khi nộp hồ sơ ở công an huyện để xác minh lý lịch thì Thiên đủ tiêu chuẩn để thi. Tuy nhiên, sau khi thi đậu, Công an huyện Duy Xuyên mới xác minh một lần nữa thì lý lịch bên ngoại của em không đạt yêu cầu.

 

Theo Trung tá Nguyễn Công Tâm, Trợ lý Phòng xây dựng lực lượng (Công an huyện Duy Xuyên) thì trong năm học này, Công an Duy Xuyên tuyển 72 trường hợp, nhưng do thí sinh đông nên việc xác minh lý lịch có phần khó khăn vì không đủ người và thời gian. Do đó công an huyện chỉ xác minh 25 hồ sơ và chỉ xác minh những trường hợp đáng chú ý.

 

Trong những lý lịch được xác minh trước khi thi, không có trường hợp của em Thiên nên khi trường ĐH An ninh gửi thông báo Thiên đỗ thì công an huyện mới xác minh lại. Phần lý lịch bên ngoại của em không đảm bảo tiêu chuẩn, nên em đành giã từ ước mơ “Bắt giam những kẻ côn đồ/ Giữ yên cuộc sống tự do cho đời” (Trích trong một bài thơ nhỏ ngay bên thời khóa biểu với một quyết tâm lớn của Thiên khi chọn ngành an ninh). 
 
“Vé vớt” nào cho chàng trai thi ĐH đạt 25 điểm bị “trục trặc lý lịch”? - 1

Đặng Văn Thiên và góc học tập của mình. (Ảnh: Báo Quảng Nam)

 

Mẹ của Thiên cho biết, nhờ sự giúp đỡ của bà con hàng xóm và thầy hiệu trưởng cùng thầy chủ nhiệm lớp 12A1 trường THPT Lê Hồng Phong (xã Duy Hòa) nên Thiên mới có thể vào TPHCM thi, nếu không thì cũng không được đi thi rồi.

 

Nhìn kết quả học tập của Thiên trong 3 năm phổ thông thật ấn tượng: Cả 3 năm đều là học sinh giỏi, điểm các môn khối A toàn trên 9 phẩy. Kết quả thi ĐH của Thiên cũng rất xuất sắc: Toán: 7,35 điểm, Lý 9,5 điểm, Hóa 6,35 điểm và cộng thêm 1 điểm ưu tiên là 25 điểm. Tiếc là lỗi sơ suất của cơ quan chức năng khiến em lâm vào thế khó.

 

Thiên đã rất buồn khi nhận được thông báo trục trặc lý lịch. Em thích học Bách khoa nhưng quyết định thi ngành công an với tính toán “sẽ không phải lo tiền ăn ở trong suốt 4 năm đại học”. Giờ đây, trượt nguyện vọng 1 với số điểm rất cao nhưng em lại đứng giữa những lo toan ngổn ngang. Em muốn học ĐH Bách khoa Đà Nẵng để gần nhà, dễ dàng đi về với mẹ, hơn nữa chi phí sinh hoạt cũng rẻ hơn Hà Nội, Sài Gòn.

 

Ngặt nỗi, ĐH Bách khoa Đà Nẵng lại không tuyển nguyện vọng 2; ĐH Tự nhiên TPHCM thì rộng cửa nhưng bài toán “đầu tiên” lại ngáng chân Thiên.

 

Cả mấy tuần nay, Thiên ở nhà không yên, cứ hết xuống huyện lại ra Đà Nẵng hỏi thăm để có thể học NV2. Mẹ của Thiên rơm rớm nước mắt: “Khổ quá chú ơi, có đứa con trai cố gắng chịu cực khổ lo ăn học mà giờ này không biết có được đi học không”.

 

Theo mẹ Thiên, nếu không học được ở trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng thì Thiên phải ở nhà vì hoàn cảnh quá khó khăn. Còn học ở trường ĐH Tự nhiên TPHCM thì không thể lo nổi. Đường nào cũng khó, giờ mẹ Thiên như ngồi trên đống lửa vì sợ con bỏ phí mất một năm, rồi sang năm không biết sẽ ra sao.

 

“Vé vớt” nào cho chàng trai thi ĐH đạt 25 điểm bị “trục trặc lý lịch”? - 2
Ngoài thời gian học ở trường, Thiên thường phụ mẹ làm vườn, chăn bò và nuôi heo sống qua ngày. (Ảnh: Công Bính)

 

Hai mẹ con Thiên đang sống trong căn nhà rách nát mới sửa lại được vài tháng với bà ngoại đã 77 tuổi. Cuộc sống của gia đình Thiên chủ yếu nhờ vào 2 sào ruộng, cặp bò và đàn heo. Tuy nghèo nhưng với mẹ và bà Thiên, việc học hành của em được dặt lên hàng đầu. Thiên tâm sự: “Ở đây nghèo quá, nếu không được đi học thì suốt đời em cũng không ra được khỏi cái xóm nghèo hoang vắng này đâu”.

 

Học mới thoát nghèo nhưng hiện giờ Thiên lại rơi vào con đường chưa có lối thoát. Mong sao có trường đại học nào đó có ngành học Điện tử viễn thông mà Thiên thích, phù hợp với hoàn cảnh của em thì sẽ là điều hạnh phúc nhất không chỉ với Thiên, mà còn là niềm vui vô bờ với mẹ và bà ngoại - những người đang từng ngày mong Thiên bước vào giảng đường đại học.

 

Công Bính