Vẽ thành phố không gian 3 chiều bằng thư viện đồ họa RADLib
(Dân trí) - Đoạt giải 3 cuộc thi Nhân tài đất Việt 2005 với sản phẩm Thư viện phát triển các ứng dụng đồ họa RADLib, Phạm Hữu Ngôn và nhóm BK02 là đội có độ tuổi trung bình trẻ nhất trong các đội lọt vào vòng chung kết. Tuổi trẻ tài cao, đó là những gì có thể nói về Phạm Hữu Ngôn, một trong 10 gương mặt trẻ được Thủ tướng Phan Văn Khải trao giải thưởng CNTT Quả cầu vàng năm 2004.
Ý tưởng từ… games!
Là một “thủ lĩnh” dày dặn kinh nghiệm trong các cuộc thi quốc tế về CNTT nhưng ít ai biết rằng Phạm Hữu Ngôn vốn là một cậu bé nghiện games mà trở nên giỏi tin học!
Ngôn kể, năm lên lớp 8 em được tặng một chiếc máy vi tính để bàn, đó thật sự là một tài sản lớn mà bố mẹ em chắt chiu mới có được. Như hầu hết một số bạn có PC riêng, Ngôn rất nghiện chơi các trò games cài sẵn trong máy mỗi khi có dịp. Tuy nhiên, chơi mãi rồi cũng chán, Ngôn bắt đầu tìm các sách vở dạy lập trình và tự mày mò học lập trình. “Biết lập trình em còn nghiện hơn cả chơi games, hễ có thời gian em lại tập làm đến khi tìm được giải pháp tối ưu nhất mới thôi” - Ngôn tâm sự.
Đam mê và chịu khó học hỏi, Ngôn đã tích lũy cho mình một nền tảng kiến thức sâu rộng về tin học. Khi còn ngồi trên ghế trường THPT, Ngôn đã giành giải nhất học sinh giỏi toàn quốc môn tin học. Thành tích này của Ngôn đã chứng minh không chỉ học sinh ở các thành phố lớn mới có thể học giỏi và giành giải cao trong các cuộc thi về tin học.
Sinh ra và lớn lên tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, Phạm Hữu Ngôn không có nhiều điều kiện để tiếp xúc sớm với CNTT như các bạn cùng lứa tuổi tại các thành phố lớn. Phần lớn kiến thức tin học em đều phải tự mày mò và tìm kiếm trên mạng internet.
Ngôn tâm sự, internet với công nghệ ADSL thực sự là “phao cứu sinh” cho em mỗi khi gặp khó khăn về lập trình và các giải pháp xây dựng phần mềm Thư viện phát triển các ứng dụng đồ họa RADLib. Ký ức về các cảnh games đã từng tham gia từ khi chưa biết gì về lập trình, những bài học toán về hình học không gian phải học “chay” phần nào thôi thúc Ngôn ý tưởng xây dựng một thư viện đồ họa hướng tới cộng động, đặc biệt là ứng dụng vào các minh họa về công thức toán học và hình học không gian 3 chiều.
“Đạt được giải Ba của cuộc thi Nhân tài đất Việt là một vinh dự lớn của nhóm BK02. Với giải thưởng này, chúng em sẽ tiếp tục đầu tư nghiên cứu để phát triển sản phẩm hướng tới giáo dục, mô hình hoá các công thức toán học, vật lý, hoá học. Nếu có điều kiện, nhóm BK02 sẽ thực hiện vẽ lại toàn bộ TPHCM bằng hình ảnh không gian 3 chiều với độ chính xác cao bằng thư viện đồ họa này” - Ngôn nói sau lễ trao giải.
Thư viện đồ họa “cho không biếu không”
Trước đêm công bố giải thưởng Nhân tài đất Việt 2005, Ngôn và nhóm bạn hết sức hồi hộp mặc dù bản thân em đã trải qua hàng trăm cuộc thi lớn nhỏ. Với Phạm Hữu Ngôn, mỗi lần tham gia một cuộc thi là một lần thử sức mình để cố gắng hơn, bất kể sản phẩm được giải hay không. Khi cuộc thi Nhân tài đất Việt chỉ còn 10 ngày nữa là hết hạn nộp sản phẩm nhóm BK02 đã quyết định gửi sản phẩm của mình đến Ban tổ chức. Sản phẩm này được xây dựng dựa trên nền tảng 3 thư viện đồ họa của nhóm đã làm và tham gia các cuộc thi trước đó nên công việc chuẩn bị tài liệu không gặp mấy khó khăn. Đây là lần đầu tiên sản phẩm này cung cấp một giải pháp tổng thể nhất về đồ họa, một lĩnh vực rất khó và còn khá mới mẻ.
Với mục đích hướng tới cộng đồng và hỗ trợ giáo dục, sản phẩm không đi sâu vào xây dựng nhiều tính năng mà hướng đến tính ứng dụng cao, dễ dàng sử dụng. Với trình độ lập trình đơn giản, người dùng có thể sử dụng thư viện này để ứng dựng vào các thiết kế đồ họa một cách dễ dàng. Thư viện này còn có nhiều mẫu dựng sẵn để người dùng lắp ghép vào các thiết kế đồ họa của mình, đó là điểm ưu việt nhất của một sản phẩm hướng đến cộng đồng - tính ứng dụng cao, nhanh chóng, thân thiện.
Để có được một sản phẩm hoàn thiện và khả năng ứng dụng cao như thư viện đồ họa RADLib, Phạm Hữu Ngôn đã học cách “cho” để nhận lại thật nhiều. Với tôn chỉ là phi thương mại và hướng đến cộng đồng, phần mềm của Ngôn cùng nhóm bạn đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhiều người. Đó là cái “được” lớn nhất đối với nhóm lập trình trẻ đang là sinh viên năm thứ 4 Đại học Bách khoa TPHCM.
Trong khi hầu hết các nhà lập trình trong nước hiện nay đang có xu thế “đóng” các sản phẩm và các ý tưởng sáng tạo thì Ngôn đã làm ngược lại, những gì em có đều sẵn sàng chia sẻ cho tất cả mọi người: “Những kiến thức mình học hỏi được đều đến từ internet, vậy tại sao không chia sẻ sản phẩm của mình cho tất cả mọi người? Đến với những cuộc thi như Nhân tài đất Việt nhóm em luôn mong muốn chia sẻ với mọi người những gì mình có”.
Với giải 3 cuộc thi Nhân tài đất Việt 2005, sản phẩm Thư viện phát triển các ứng dụng đồ họa RADLib sẽ tiếp tục được nâng cấp và hoàn thiện hơn để áp dụng vào các mô phỏng giáo dục về không gian 3 chiều và những thiết kế đồ họa, các bản đồ thành phố 3D… đó là ý tưởng mà Phạm Hữu Ngôn cùng nhóm BK02 đang làm. “Mong ước của em thuở nhỏ là được tham gia các cuộc thi quốc gia và quốc tế và em đã làm được. Mong ước hiện nay của nhóm là xây dựng thương hiệu của sản phẩm lên tầm quốc tế. Nghe có vẻ hơi xa vời nhưng nếu quyết tâm sẽ thành công!”, Ngôn nói.
Trần Đức - Bảo Trung