Về nơi học sinh học trong gian khó
(Dân trí) - Dù đã có ngôi trường mới, nhưng cũng còn lâu lắm mới được chuyển đến. Cũng vì thế, các em học sinh tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Mai Sơn (huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) vẫn phải học trong ngôi trường cũ nát. Về mùa này, những đợt gió lạnh cứ lùa vào khiến cho các em càng trở nên lạnh hơn bao giờ hết.
Xã nghèo nơi biên giới
Qua buổi tiếp xúc và làm việc với thầy Trần Quốc Dương - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú (PTDTBT) THCS Mai Sơn, thầy bảo: Nhà trường còn đó những khó khăn hiện tại của tập thể nhà trường và các em học sinh nơi đây đang phải gánh vác. Vẫn còn nhiều trăn trở về cơ sở vật chất, về điều kiện sinh hoạt và học tập của học sinh.
Thầy Dương cho biết, Mai Sơn là một xã biên giới giáp với nước bạn Lào, huyện khó khăn và xa nhất của huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Nếu xuất phát từ TP Vinh đến với Mai Sơn phải đi vòng qua huyện Kỳ Sơn và trải qua quãng đường gần 300km mất khoảng gần 1 ngày đi bằng xe ô tô và phải thông thạo đường, lái xe giỏi …
“Tổng dân số toàn xã tính đến tháng 8 năm 2017 có 2.549 người với 531 hộ chủ yếu là đồng bào các dân tộc Thái, Khơ Mú, H'Mông. Đơn vị hành chính được chia thành 10 bản. Địa bàn nơi trường đóng là vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn. Địa bàn dân cư được phân bố tương đối rộng, diện tích tự nhiên toàn xã: 9 679.93 ha.
Số hộ nghèo tính đến tháng 11 năm 2017 của toàn xã là: 383/531 hộ; chiếm tỷ lệ: 72,1%. Nguyên nhân chính nghèo đói cũng là do trình độ dân trí thấp, dân số trong độ tuổi lao động chưa có tri thức để tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất”, thầy Dương chia sẻ.
98% học sinh thuộc hộ nghèo
Cũng theo thầy Dương, Trường PTDTBT THCS Mai Sơn đóng trên địa bàn xã Mai Sơn, là đơn vị thuộc khu vực vùng biên giới, có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, trải rộng, đường xã đi lại khó khăn, xa trung tâm. Đời sống nhân dân nghèo nàn, trình độ dân trí chưa cao. Học sinh của trường 100% là con em đồng bào dân tộc thiểu số thuộc 3 dân tộc: Thái và Hmông và Khơ Mú.
“Hiện tại trường có 8 lớp học (trong đó khối 6: 2 lớp; khối 7: 2 lớp; khối 8: 2 lớp; khối 9: 2 lớp) với gần 260 em học sinh đang học tại trường (trong đó 98% học sinh thuộc hộ nghèo và cận nghèo). Từ khi thành lập đến nay, nhà trường luôn luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ của cấp uỷ Đảng, Chính quyền các cấp, của ngành Giáo dục và Đào tạo song do trường đóng ở vùng sâu vùng xa, vùng biên giới nên nhà trường gặp khó khăn rất nhiều mặt trong quá trình hoạt động”, thầy Trần Quốc Dương bày tỏ.
Theo ghi nhận của PV Dân trí cũng như lời hiệu trưởng chia sẻ thì, hiện nay ngôi trường với cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn quá thiếu thốn; nhà công vụ, nhà bán trú không đáp ứng nhu cầu của giáo viên và học sinh.
Thầy Dương nói: “Hiện nay học sinh đang thiếu nhiều SGK để học tập, toàn thể học sinh của trường có nhưng chưa đủ áo ấm mặc tránh rét trong mùa đông năm nay (học sinh học ban đêm tại trường dường như không có áo ấm để mặc, ngồi co ro không học được bài, ảnh hưởng đến sức khỏe, thương các em quá...). Đáng chú ý là chăn ấm cũng chưa đủ đắp ngủ trong mùa đông năm nay, kéo theo đó nên vẫn còn tình trạng học sinh bỏ học và vắng học.
Vì là xã vùng cao tiếp giáp biên giới với nước bạn Lào, vào mùa đông tiết trời sương mù cả ngày, kéo dài, nhiệt độ xuống rất thấp (khoảng 11 - 14 độ C), đa số là rét đậm, rét hại. Nhân dân và học sinh thường phải chịu đựng, chống chọi được mùa đông ở đây là rất vất vả, khổ sở”.
Đứng trước những khó khăn đó Trường PTDTBT THCS Mai Sơn rất mong muốn được các cấp ngành, các tổ chức, công ty và nhà hảo tâm giúp đỡ để các em học sinh nơi đây bớt thiệt thòi …
Dưới đây là một số hình ảnh trường PTDTBT THCS Mai Sơn được PV Dân trí ghi lại:
Nguyễn Duy