Vào ĐH Yale để bảo vệ biển, đảo Việt Nam

Lần đầu tiên sau 50 năm, Trường Trung học Guilford ở Mỹ có hai học sinh là chị em một nhà vào được “thánh đường giáo dục thế giới” - ĐH Yale (Mỹ).

Hai chị em ruột người Việt thế hệ thứ nhất trên đất Mỹ này quyết tâm vào Yale để theo đuổi giấc mơ làm luật sư bảo vệ người nghèo và góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam…

Không ồn ào như những người có thành tích học tập đỉnh cao khác, hai chị em Đỗ Phụng Giáng Quỳnh (sinh năm 1989) và Đỗ Phụng Bảo Quyên (sinh năm 1994) âm thầm bước vào ĐH Yale một cách nhẹ nhàng. Người chị, Giáng Quỳnh đã tốt nghiệp xuất sắc, đi làm; còn em Bảo Quyên đến năm 2016 sẽ tốt nghiệp và hứa hẹn cũng xuất sắc không thua kém chị.

Giành được học bổng Bill Gates

Khiêm tốn, hai chị em ít khi nói về bản thân mình. Phải thật sự thân thiết, cha mẹ của hai cô gái, ông Đỗ Luật và bà Trần Thị Bích Huyền, mới có vài thổ lộ với chúng tôi về việc học tập và những dự định của con gái, của gia đình mình…

Giáng Quỳnh sinh tại Việt Nam, sang Mỹ khi mới hai tuổi, học Trường Trung học Guilford và là thủ khoa niên khóa 2007 - Giáng Quỳnh được ĐH Yale tuyển làm sinh viên Yale Class of 2011 (tức là ra trường vào năm 2011). Giáng Quỳnh đã tốt nghiệp xuất sắc cử nhân Anh văn (BA English) và hiện đang làm phụ tá chủ bút của Nhà xuất bản Basic Books ở TP New York.

Hai chị em Giáng Quỳnh, Bảo Quyên trong đồng phục của Trường ĐH Yale. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Hai chị em Giáng Quỳnh, Bảo Quyên trong đồng phục của Trường ĐH Yale. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Còn Bảo Quyên sinh tại TP Rockford, tiểu bang Illinois. Cũng học ở Guilford High School, Bảo Quyên ra trường đứng hạng năm. Được năm trường đại học nhận vào, trong đó có Yale và em đã chọn đại học danh giá này.

Điều này tạo nên lịch sử cho Trường Trung học Guilford khi 50 năm qua mới có hai chị em ruột học ở đây được Yale nhận vào. Đặc biệt, cả hai không phải là người Mỹ bản xứ, mà là người Mỹ gốc Việt thế hệ thứ nhất. Việc hai chị em ruột cùng học tại ĐH Yale cũng là chuyện chưa có đối với người Việt Nam.

Bà Bích Huyền cho biết: “22 năm trước, chúng tôi đến Mỹ khi con gái đầu lòng mới hai tuổi. Cả gia đình lúc đó chỉ có 20 USD trong túi, vốn tiếng Anh khiêm tốn nên vất vả vô cùng. Chồng tôi đi làm toàn thời gian và tôi chỉ làm việc bán thời gian để tiện chăm sóc và dạy dỗ con. Ngày Giáng Quỳnh được ĐH Yale nhận vào học, chồng tôi rơi nước mắt nói: “Con người không chỉ khóc vì đau khổ mà còn khóc vì sung sướng nữa!””.

Cũng theo bà Bích Huyền, ngày đưa chị vào trường cũng là ngày em gái Bảo Quyên bắt đầu nuôi ước mơ. Chiều 29-3-2012, các trường Ivy League công bố danh sách sinh viên được nhận vào Class of 2016 cùng một lúc. Bảo Quyên bình tĩnh đón nhận thông tin ĐH Yale chào đón mình. Mấy tuần sau, cô gái này được GMS - The Gates Millennium Scholars thông báo được học bổng toàn phần từ quỹ học bổng của tỉ phú Bill Gates.

Luôn hướng về Việt Nam

Trầm ngâm nói về hai cô con gái của mình, ông Đỗ Luật cho biết: “Gia đình, bà con dòng họ chúng tôi ở đây luôn hướng về Việt Nam. Chúng tôi lúc nào cũng dạy con phải làm những điều tốt đẹp cho người dân ở quê hương và đất nước Việt Nam trong khả năng của mình. May mắn là ở trường học của các cháu, họ cũng luôn dạy sinh viên việc học và phục vụ cộng đồng, dám mơ ước và thực hiện những điều tốt đẹp để một ngày nào đó có thể thay đổi thế giới…”.

Ông Luật “bật mí” để được học bổng của tỉ phú Bill Gates, Bảo Quyên đã viết một tiểu luận về trẻ em nghèo, không có điều kiện đến trường ở những vùng quê nghèo của Việt Nam mà cháu đã tận mắt thấy trong những lần về Việt Nam. Đều đặn từ năm 1997, họ đã về và làm nhiều việc thiện nguyện.

Và trên tất cả, mặc dù luôn dùng tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha trong sinh hoạt hằng ngày theo quy định của Trường Yale nhưng hai cô gái này vẫn có thể đọc, nói và viết tiếng Việt tốt. Đó là kết quả của một quá trình gian nan mà bà Bích Huyền đã làm được khi tình nguyện làm cô giáo dạy tiếng Việt cho các trẻ em Việt Nam ở thành phố nơi họ ở.

Học luật để giúp được nhiều người

Về định hướng công việc cho các con, ông Đỗ Luật cho biết: “Giáng Quỳnh trầm tính nên tự chủ trong tất cả công việc của mình, ít khi nói trước điều gì. Bảo Quyên thì tự tin, định hướng rõ ràng là sau khi ra trường, đi làm hơn hai năm sẽ tiếp tục học luật để làm luật sư. Ở Mỹ, muốn học luật phải tốt nghiệp một đại học khác và có kinh nghiệm làm việc hai năm. Cháu bảo theo đuổi nghề luật sư để có điều kiện giúp đỡ dân nghèo, nhất là về pháp lý và góp phần nào đó giúp quê hương”. Tiếp lời chồng, bà Bích Huyền chia sẻ thêm: “Chúng tôi sẽ định hướng cho các con vào bằng được một trường luật danh tiếng. Nếu được vào trường luật của Yale (Yale Law School) thì còn gì bằng”. Được biết ĐH Yale tuyển sinh khó nhất nước Mỹ. Mỗi năm trường chỉ tuyển vài trăm sinh viên trong số hàng ngàn sinh viên xuất sắc nhất của nước Mỹ và thế giới.

Ngành công pháp quốc tế, nghiên cứu tư liệu và pháp lý về Hoàng Sa, Trường Sa là mục đích cụ thể nhất của gia đình ông bà Luật vào lúc này. “Chúng tôi nghĩ rằng muốn chiến thắng Trung Quốc về mặt pháp lý, tránh đổ máu thì cần có một đội ngũ tài năng, tập trung nghiên cứu một cách bài bản nhất. Điều đó có thể đạt được khi nhiều người Việt Nam, nhất là lớp trẻ, được đào tạo bài bản ngành luật ở các trường danh tiếng của các nước tiên tiến. Cũng thấy vui khi cháu cho biết hiện có hàng vạn cuốn sách viết về Việt Nam được lưu trữ rất tốt ở thư viện các đại học danh tiếng. Chúng tôi nghĩ rằng còn nhiều tư liệu quý, nhiều kiến thức văn hóa, luật pháp quý ở trên đất Mỹ có thể phục vụ cho Việt Nam những điều tốt lành mà chúng ta chưa khai thác hết…” - ông Luật phấn khởi nói.

“Chúng tôi muốn thời gian chậm trôi để cho con mình giữ mãi nét tươi trẻ nhưng nhiều khi cũng muốn mau đến ngày các con, nhất là Bảo Quyên, thực hiện được giấc mơ làm luật sư của mình…” - bà Bích Huyền chia sẻ. Hy vọng giấc mơ học tiếp luật ở trường danh tiếng sẽ sớm thành hiện thực đối với họ, những người luôn đau đáu cho sự bình yên và tiến bộ của quê hương.

Viện ĐH Yale hay ĐH Yale (Yale University) là viện đại học tư thục ở New Haven, Connecticut, được thành lập năm 1701. Yale là một trong những viện đại học lâu đời nhất ở Mỹ, chỉ sau Trường ĐH Harvard (năm 1636; sau này là Viện ĐH Harvard) và Trường ĐH William & Mary (năm 1693)…

Trong số những người đoạt giải Nobel, 51 người có quan hệ với Yale như là sinh viên, giáo sư hay nhân viên. Những nhân vật nổi tiếng xuất thân từ Yale có năm tổng thống Mỹ như cựu Tổng thống Bill Clinton và vợ là Hillary Rodham Clinton, Tổng thống Bush cha và Bush con…; 19 thẩm phán tối cao pháp viện Mỹ, một số nguyên thủ quốc gia các nước… (Theo Wikipedia)

 

Theo Dương Phi Anh

Pháp luật TPHCM