Bùng phát học sinh đánh nhau: Chỉ hạn chế chứ không triệt tiêu được
(Dân trí) - Bạo lực học đường là một hiện tượng học đường bình thường và sẽ tồn tại cùng hiện tượng giáo dục. Chúng ta chỉ có thể tìm cách kiểm soát, hạn chế chứ không thể triệt tiêu được nó.
Đó là nhấn mạnh của TS. Hoàng Trung Học, chuyên gia tâm lý học trường học, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục.
Học sinh đánh nhau, nhiều dấu hiệu bất thường
Phóng viên: Bạo lực học đường là vấn nạn đã, đang ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường học đường, đặc biệt là chất lượng giáo dục đạo đức cho học sinh. Tuy nhiên, thời gian gần đây bạo lực học đường lại có dấu hiệu bùng phát trở lại. Trong thực tế, cơ quan quản lý giáo dục cũng đã vào cuộc mạnh mẽ với nhiều giải pháp, nhưng dường như chưa đủ để kiểm soát hiện tượng này. Là nhà nghiên cứu và thực hành chuyên sâu về Tâm lý học trường học, đồng thời đã tiến hành nhiều hoạt động hỗ trợ tâm lý cho nhà trường, TS đánh giá như thế nào về vấn đề này?
TS Hoàng Trung Học: Thời gian qua tôi cũng theo dõi một số vụ việc liên quan đến bạo lực học đường được đăng tải trên phương tiện truyền thông. Để khẳng định là bạo lực học đường bùng phát mạnh so với trước đây thì cần có những nghiên cứu đầy đủ và đối sánh cẩn thận.
Tuy nhiên, phân tích các vụ bạo lực học đường gần đây, dễ nhận thấy nhiều dấu hiệu bất thường cần được quan tâm dưới góc độ hỗ trợ, can thiệp tâm lý và giáo dục.
Trước hết cần nhấn mạnh, bạo lực học đường là một hiện tượng học đường bình thường và sẽ tồn tại cùng hiện tượng giáo dục. Chúng ta chỉ có thể tìm cách kiểm soát, hạn chế nó chứ không thể triệt tiêu được nó. Mỗi cá nhân là một thực thể đơn nhất không lặp lại.
Do đó, khi hoạt động cùng nhau, những khác biệt sẽ phát sinh thành mâu thuẫn, xung đột như một hiện tượng tất yếu. Bản thân sự khác biệt và mâu thuẫn cũng có mặt tích cực của nó trong quá trình phát triển.
Phóng viên: Bạo lực học đường như là dạng mâu thuẫn đối kháng, tiêu cực. Vì vậy, chúng ta cần làm gì để kiểm soát tối đa những ảnh hưởng tiêu cực của hiện tượng này trong nhà trường?
TS Hoàng Trung Học: Bạo lực học đường ở Việt Nam có, trên thế giới cũng có; trước đây có và ngày nay cũng có. Tuy vậy, thời gian gần đây, một số hiện tượng bất thường xuất hiện, rất cần được quan tâm để kịp thời để có biện pháp phòng ngừa và can thiệp phù hợp dưới phương diện tâm lý, quản lý giáo dục và chính sách xã hội.
Từ sau Tết cổ truyền, các vụ bạo lực học đường có dấu hiệu gia tăng về số lượng, xảy ra đều khắp từ miền Bắc, Trung và miền Nam, chủ yếu ở học sinh THCS và học sinh THPT.
Đáng lo ngại nhất là các vụ bạo lực xảy ra với những nguyên nhân rất đơn giản. Chỉ vì dán tem xe khác nhau, nhìn "ngông", mượn áo chậm trả, mâu thuẫn trong quan hệ bạn bè… mà lập tức cà khịa, tập hợp lực lượng để đánh nhau trong và ngoài trường cho thấy, học sinh đang có xu hướng sử dụng bạo lực như một công cụ thường trực, được 'ưa thích" để giải quyết các mâu thuẫn.
Điều này cũng cho thấy, các em dường như dễ bị kích động hơn, có xu hướng hung tính hơn. Nếu nhận định này được chứng minh thật đáng lo ngại.
Bên cạnh đó, các vụ việc xuất hiện yếu tố vô cảm không chỉ ở nhóm học sinh bạo lực, mà đang có dấu hiệu lây lan ra cả những người lớn chứng kiến. Thói vô cảm nguy hiểm không kém hành vi bạo lực.
Những học sinh chứng kiến bạo lực, quay clip đưa lên mạng có biểu hiện lệch chuẩn không kém học sinh thực hiện hành vi bạo lực. Tuy nhiên, ngay cả những người lớn chứng kiến các vụ việc cũng vô cảm trước những hành động bạo lực rất nguy hiểm. Điều này có thể làm cho học sinh lầm tưởng hành vi của mình là bình thường, được chấp nhận (vì người lớn là người đã trưởng thành).
Mặt khác, biểu hiện này cũng phản ánh hiện tượng bạo lực, thói vô cảm không chỉ là vấn đề của học sinh mà là vấn đề từ xã hội, từ chính những người trưởng thành. Thậm chí, đây là một trong những nguồn gốc của bạo lực học đường.
Nếu như trước đây, các vụ bạo lực chủ yếu xuất hiện ở những học sinh trong trường, ở cùng cấp học thì nay có xu hướng xuất hiện các vụ bạo lực liên cấp. Điều này vừa phản ánh, mối quan hệ học đường dưới sự tác động của công nghệ và giao lưu xã hội đang có xu hướng mở rộng và diễn biến phức tạp.
Mặt khác, dường như thầy/cô, cha/mẹ đang chậm một nhịp khi nhận thức và quản lý các mối quan hệ ngoài gia đình, trường học của học sinh. Đây là một dấu hiệu đáng quan ngại.
Phóng viên: Thưa TS, hành vi bạo lực học đường trước đây thường được mặc định là dấu hiệu của những học sinh "cá biệt", thì nay hành vi bạo lực xuất hiện ở những học sinh "ngoan" khiến thầy/cô và cha/mẹ sửng sốt, vì sao vậy?
TS Hoàng Trung Học: Điều này cho thấy, chúng ta đang chưa "đủ" quan tâm đến học sinh và con mình; chưa thực sự hiểu các con, chưa đồng hành cùng các con. Và khái niệm "con ngoan", "học sinh ngoan" cũng cần xem xét lại dưới phương diện trợ giúp tâm lý và giáo dục cho phù hợp.
Từ những phân tích trên, có thể thấy, bạo lực học đường trong giai đoạn hiện nay đang bộc lộ những dấu hiệu bất thường của một hiện tượng bình thường. Những bất thường này rất đáng được quan tâm để phòng ngừa, can thiệp phù hợp.
Nguồn gốc do đâu?
Phóng viên: Bạo lực học đường đúng là đang cho thấy những tín hiệu bất thường cần được quan tâm. Những diễn biến của các dấu hiệu bất thường này có nguồn gốc do đâu thưa TS?
TS. Hoàng Trung Học: Khi xem xét một hiện tượng học đường cần nhìn nhận hệ thống, toàn diện, không nên quy chiếu trách nhiệm một cách đơn nhất và thiếu thiện chí cho thầy/cô giáo.
Nhà trường là một xã hội thu nhỏ, là một thiết chế trong xã hội tổng thể. Do đó, mọi hiện tượng học đường đều là hiện tượng xã hội, phản chiếu đời sống xã hội và chịu sự chi phối của các yếu tố khác ngoài nhà trường.
Các nhà nghiên cứu thường phân tích yếu tố thuộc về cả 3 nhóm tác động chi phối: gia đình, nhà trường, xã hội. Đây là cách tiếp cận đúng. Cần nhìn nhận như vậy và có giải pháp mang tính hệ thống mới mong kiểm soát được bạo lực học đường.
Tuy nhiên, về những biểu hiện bất thường gần đây, tôi chỉ xin nhấn mạnh về một số giả thuyết để mô tả nguyên nhân của bạo lực học đường như sau:
Các thông tin, hình ảnh bạo lực đang lan tràn, mất kiểm soát trên mạng xã hội và phương tiện truyền thông trong khi những hành động nhân văn, những điều tử tế xuất hiện khiêm tốn hơn rất nhiều.
Với phương tiện thông tin hiện đại, phổ biến, học sinh có thể dễ dàng tiếp cận các nguồn thông tin đa dạng, đa chiều, trong đó, ta có thể thấy nội dung liên quan đến bạo lực đang tồn tại phổ biến, thiếu kiểm soát. Về khía cạnh tâm lý, những hành vi loại này có sức thu hút đặc biệt với con người, đặc biệt là học sinh. Đương nhiên, những người xây dựng nội dung này rất hiểu quy luật đó.
Tuy nhiên, ở góc độ tác động tâm lý, giáo dục thì rõ ràng đang để lại những hậu quả tệ hại về mặt cảm xúc và hành vi cho thanh thiếu niên - những người đang phát triển tâm lý, thường cảm nhận và hình thành hành vi theo cơ chế ám thị và tập nhiễm. Bạo lực học đường cũng từ đó mà sinh ra.
Thời gian qua, dưới sự ảnh hưởng của Covid-19, nhiều địa phương buộc phải triển khai hoạt động học tập trực tuyến để đảm bảo chương trình giáo dục. Đây là một chủ trương đúng đắn trong thời gian dịch bệnh.
Mặc dù vậy, việc học tập trực tuyến và cách ly xã hội cũng có thể để lại nhiều hệ lụy đáng lo ngại. Tính xung năng của học sinh rất lớn, đặc biệt là các học sinh nhỏ. Nhu cầu giao tiếp, tương tác xã hội của các em, đặc biệt là tương tác trong hoạt động vui chơi cùng nhau với các bạn cùng tuổi rất lớn.
Nói cách khác, để một học sinh có sức khỏe tâm thần bình thường, các em cần được học, được chơi, được lao động vừa sức trong các mối quan hệ tác trực tiếp và được nghỉ ngơi đúng cách.
Tuy nhiên, Covid-19, cách ly xã hội và học tập trực tuyến đã ảnh hưởng trực tiếp đến tính đa dạng trong các hoạt động thường nhật của học sinh. Bên cạnh đó, nhiều trẻ em đang bị gia đình ép học đến mức không còn thời gian dành cho hoạt động khác cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe tâm thần và hành vi hung tính ở các em.
Chúng ta thử tưởng tượng, một đứa trẻ sáng học, chiều học, tối học… dưới sự nhắc nhở, ép buộc (đôi khi là rầy ra, thậm chí bạo lực của cha/mẹ) và chỉ tiếp xúc với máy móc, điện thoại, nay được trả về môi trường "tự do", lại sẵn bị tập nhiễm bởi hành vi bạo lực, khi gặp tác nhân kích thích phù hợp, thì cảm xúc, hành động của các em sẽ như thế nào?
Kiểm soát như thế nào?
Phóng viên: Đúng là khi nhìn nhận về nguyên nhân gây bạo lực học đường không nên chỉ quy trách nhiệm cho thầy/cô. Tuy vậy, cũng không thể phủ nhận, nhà trường là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động sống, các mối quan hệ xã hội của học trò. Vì vậy, trách nhiệm của nhà trường, thầy/cô là rất lớn. Theo TS, nhà trường cần làm gì để ứng phó với những dấu hiệu bất thường của bạo lực học đường như trong thời gian qua?
TS Hoàng Trung Học: Một số vụ bạo lực học đường gần đây cho thấy, nhà trường đang xử lý theo đúng quy định được hướng dẫn, đảm bảo yêu cầu quản lý đối với việc hành vi bạo lực.
Nhìn ở phương diện này, có thể nói nhà quản lý giáo dục đang làm tròn vai, đúng trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, đối với hành vi bạo lực, nếu chỉ chú trọng vào khâu xử lý thì không thể giải quyết được mục tiêu kiểm soát bạo lực.
Bạo lực học đường khi đã xảy ra sẽ để lại hệ lụy nghiêm trọng không chỉ cho học sinh bị bạo lực mà còn cho cả học sinh gây ra bạo lực và đặc biệt là môi trường học đường. Vì vậy, cần lấy công tác "phòng ngừa" và "can thiệp sớm" làm trọng tâm. Việc can thiệp chuyên sâu và xử lý hành chính chỉ là bước cuối cùng, và về cơ bản thường để lại nhiều hệ lụy.
Mặc dù vậy, công tác phòng ngừa, phát hiện sớm để can thiệp ngay ở mức nguy cơ thường đòi hỏi tâm huyết thật sự, sự nỗ lực cao của thầy/cô, nhà trường, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm.
Trong lý thuyết tâm lý học trường học, các vụ bạo lực học đường sẽ phòng ngừa và có hiệu quả đối với 80% học sinh. Tiếp theo, 15% học sinh bộc lộ nguy cơ bạo lực cao, thầy/cô cần phát hiện sớm để can thiệp kịp thời, làm giảm nguy cơ bạo lực. Chỉ còn khoảng 5% vụ bạo lực có thể bùng phát, thầy/cô và cha/mẹ cũng hoàn toàn có thể kiểm soát và xử lý theo hướng tích cực, không để lại những hệ lụy tiêu cực như hiện nay.
Tuy nhiên, để làm được việc đó, cần nhấn mạnh, thầy/cô phải thực sự nhạy cảm về mặt giáo dục, đủ gần gũi học sinh để nắm được tâm tư nguyện vọng của em, đủ nhạy cảm để cảm nhận được những nguy cơ bạo lực đang hiện hữu với học trò của mình.
Không bỏ mặc cho nhà trường, cha/mẹ cũng vậy, cần đồng hành cùng con để thấu hiểu và đánh giá được nguy cơ, kết hợp một cách khoa học cùng giáo viên, từ đó triệt tiêu tác nhân gây xảy ra hành vi bạo lực.
Các thầy/cô, dù đã rất vất vả để giải quyết nhiệm vụ dạy học và giáo dục, tuy nhiên, để giải quyết vấn nạn bạo lực học đường, thầy/cô cần tiếp tục dành tâm huyết cho học sinh với nhiệm vụ khó khăn này.
Điều này thực sự đòi hỏi thầy/cô phải quan tâm đến học trò bằng cả tâm huyết và lòng đam mê. Nó không thể được đo đạc bằng thời gian của những giờ lên lớp, bằng hoạt động giáo dục đóng kín trong nhà trường, mà đó thực sự là sự "thao thức" với nghề làm thầy.
Chỉ bằng tâm huyết với nghề mới tạo ra sự nhạy cảm của người thầy, giúp họ đủ tinh nhạy nghề nghiệp để phát hiện những nguy cơ tiềm tàng, từ đó mà giải quyết kịp thời vấn đề của học trò.
Cũng cần nhấn mạnh, phòng tâm lý học đường cần thực hiện đúng vai trò của mình trong việc phòng ngừa và can thiệp vấn đề học đường. Hiện nay, hầu hết trường đều có phòng Tư vấn tâm lý học đường, nhưng hầu như chưa hoạt động hiệu quả.
Do hầu hết là thầy/cô đang kiêm nhiệm công tác giảng dạy nên thường quá tải. Nghiệp vụ phòng ngừa, hỗ trợ tâm lý của lực lượng này và nhận thức của nhà trường cũng chưa sâu sắc nên hiệu quả hỗ trợ tâm lý chưa cao.
Chúng ta thực sự cần thúc đẩy hoạt động phòng Tư vấn học đường với lực lượng chính là chuyên gia tâm lý chuyên trách. Khi lực lượng này được biên chế trong nhà trường, nhiều vấn đề tâm lý của học sinh và hoạt động giáo dục trước nay chưa giải quyết được sẽ được giải quyết.
Phóng viên: Xin trân trọng cám ơn TS!