Vẫn còn nhiều băn khoăn với dự thảo quy chế thi THPT quốc gia

(Dân trí) - Kiến nghị xem xét lại thời gian tổ chức thi, khâu tổ chức thi... là những băn khoăn mà các đơn vị trường học kiến nghị về Bộ GD-ĐT. Qua đây cho thấy, Bộ GD-ĐT cần phải tiếp tục lắng nghe để hoàn thiện quy chế trước khi ban hành.

Ông Đặng Phương Bắc - Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Bình cho biết: Sau khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo thì Sở đã có Công văn yêu cầu các trường THPT, trung tâm GDTX-HN của tỉnh nghiên cứu, phổ biến và lấy ý kiến góp ý của cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh về Dự thảo Quy chế thi THPT quốc gia.

Qua tổng hợp các ý kiến cho thấy, hầu hết các đơn vị đều nhất trí với Dự thảo Quy chế thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng do Bộ GD-ĐT soạn thảo. Tuy nhiên, vẫn còn không ít những băn khoăn liên quan đề thời điểm thi, điểm ưu tiên. Cụ thể, theo dự thảo Quy chế thì mỗi năm tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia vào trung tuần tháng 6 là hợp lý. Năm học 2014-2015, Kỳ thi tổ chức vào đầu tháng 7/2015 sẽ gây khó khăn cho học sinh, đặc biệt là những học sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT.

Về cộng điểm khuyến khích cho học sinh, cần bổ sung học sinh đạt giải trong Cuộc thi Vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết các vấn đề trong thực tiễn do Bộ GDĐT tổ chức. Ngoài ra, về đối tượng dự thi thì cần bổ sung thêm trường hợp học sinh không nghỉ quá 45 buổi học trong năm học lớp 12 (nghỉ một lần hoặc nghỉ nhiều lần cộng lại).

“Những kiến nghị và góp ý này chúng tôi đã gửi lên Bộ GD-ĐT. Hi vọng với những gì chúng tôi tổng hợp lại được sẽ góp phần đưa ra được một quy chế hoàn chỉnh nhằm tổ chức một kì thi THPT quốc gia an toàn, nghiêm túc” - ông Đặng Phương Bắc nói.
 
Học sinh trường phổ thông vùng cao Việt Bắc đang nỗ lực học tập
Học sinh trường phổ thông vùng cao Việt Bắc học tập để chuẩn bị bước vào kì thi THPT quốc gia.

Đồng quan điểm trên, tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) cũng bày tỏ thêm: Tháng 6 là tháng nghỉ hè của năm học. Theo kế hoạch năm học của Bộ GD-ĐT cũng như vậy. Việc nghỉ tự học ôn ở nhà cả tháng 6 không có thầy cô và trường lớp thì việc rơi rụng kiến thức và lúng túng khi ôn tập là rất dễ xảy ra. Mong Bộ GD-ĐT đưa ra việc tổ chức hướng dẫn ôn tập cho học sinh khối 12.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng bày tỏ, nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12. Như vậy chương trình lớp 10 và 11 sẽ chiếm tỷ trọng bao nhiêu? Điều này cần làm rõ để học sinh có định hướng ôn tập cho tốt.

Tại điều 8 Chương II. Dự thảo quy định phòng thi được xếp theo môn thi; mỗi phòng thi có tối đa 40 thí sinh; trong phòng thi phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa 2 thí sinh ngồi cạnh nhau là 1,2 mét theo hàng ngang. Riêng phòng thi cuối cùng của mỗi môn thi được xếp đến 45 thí sinh.

“Chúng tôi nhận thấy mặc dù Bộ đã quan tâm đến khoảng cách giữa các thí sinh nhưng thông thường các phòng học hiện tại thường 54m2- 56m2 và số thí sinh là 24 em. Trường hợp phòng thi rộng thì việc xếp 40- 45 em chỉ đạt yêu cầu về diện tích quy định cho mỗi thí sinh.

Tuy nhiên, trường hợp phòng thi rộng thì việc xếp 40- 45 em chỉ đạt yêu cầu về diện tích quy định cho mỗi thí sinh nhưng sẽ khó khăn cho công tác tổ chức coi thi vì 2 cán bộ coi thi phải làm việc rất vất vả với số lượng thí sinh đông, đồng thời cũng khó khăn trong việc đảm bảo tính nghiêm túc trong phòng thi. Hơn nữa, việc xếp phòng thi theo môn thi sẽ dẫn đến việc thí sinh thi các môn tự chọn sẽ phải di chuyển phòng thi. Về vấn đề này Bộ GD-ĐT cần phải lưu ý trong công tác tổ chức thi” - lãnh đạo Trường THPT Phan Huy Chú góp ý.
 
Nguyễn Hùng (ghi)
 

 

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!