Valentine và Thông tư 29 về dạy thêm học thêm: Khi tình yêu lên tiếng!
(Dân trí) - "Bộ chọn ngày có hiệu lực cho Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm thật đẹp, ngày 14/2. Vậy là các thầy cô và người thân, cha mẹ và học sinh sẽ có thời gian nhiều hơn để yêu mình và yêu nhau hơn".
Đó là chia sẻ của cô Trần Thị Kim Hạnh, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Hùng Vương, Quận Hải Châu, Đà Nẵng vào sáng 14/2, ngày Thông tư 29 về dạy thêm học thêm của Bộ GD&ĐT chính thức có hiệu lực.
![Valentine và Thông tư 29 về dạy thêm học thêm: Khi tình yêu lên tiếng! - 1 Valentine và Thông tư 29 về dạy thêm học thêm: Khi tình yêu lên tiếng! - 1](https://cdnphoto.dantri.com.vn/5j2rCUJeRaNQkaV2wk6IjVotV00=/thumb_w/1020/2025/02/14/daythemhoainam1-edited-1739504898222.jpeg)
Từ ngày 14/2, Thông tư 29 về dạy thêm học thêm của Bộ GD&ĐT có hiệu lực (Ảnh: Yến Hoài).
Bộ lấy ngày 14/2, ngày lễ Tình yêu Valentine là ngày Thông tư 29 có hiệu lực. Không biết vô ý hay hữu tình nhưng ở thông tư này, dù còn nhiều tranh cãi nhưng chất chứa những trách nhiệm và cả những yêu thương.
Lần đầu tiên, văn bản pháp lý của ngành nhìn nhận thực tế học thêm tràn lan, vắt kiệt sức học trò, tiền bạc của phụ huynh được nhắc tới lâu nay.
Và hơn hết, quản lý ngành đã dám nhìn thẳng vào tình trạng o ép học sinh học thêm.
Điểm đáng chú ý nhất của Thông tư 29 là giáo viên không được dạy thêm với học sinh chính khóa trên lớp của mình. Quy định này tháo gỡ cho việc học sinh phải đi học thêm với giáo viên trên lớp được bàn đến lâu nay. Thông tư đã thể hiện được trách nhiệm lẫn tình yêu thương hướng đến học trò của các nhà quản lý bằng những quy định thiết thực
Không chỉ với học trò, Thông tư 29 của Bộ thể hiện trách nhiệm và bảo vệ đội ngũ của ngành. Cũng bởi dạy thêm học thêm, giáo viên lâu nay chịu quá nhiều điều tiếng trước học sinh, phụ huynh và dư luận.
![Valentine và Thông tư 29 về dạy thêm học thêm: Khi tình yêu lên tiếng! - 2 Valentine và Thông tư 29 về dạy thêm học thêm: Khi tình yêu lên tiếng! - 2](https://cdnphoto.dantri.com.vn/kTqbdScUELl2zWCTC2l5wIYDMu0=/thumb_w/1020/2025/02/14/daythemhoainam-edited-1739504960454.jpeg)
Thông tư quy định giáo viên không dạy thêm với học sinh chính khóa (Ảnh chụp lại màn hình).
Quy định không dạy thêm với học sinh chính khóa dù đang bị chính nhiều giáo viên phản đối nhưng phải nhìn thẳng đây là mấu chốt bảo vệ nhà giáo, có lợi cho nhà giáo.
Bộ không cấm giáo viên dạy thêm, chỉ yêu cầu giáo viên dạy thêm kèm những điều kiện đi cùng và "nói không" với học trò chính khóa. Giáo viên không dạy thêm với học sinh chính khóa thì họ không còn phải đối mặt với điều tiếng chèn ép, trù dập học trò…
Đó chính là việc tìm và trả lại sự minh bạch cho mỗi người thầy.
Thông tư 29 cũng đã nhìn sòng phẳng về trách nhiệm của trường học trong giáo dục.
Lâu nay tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan. Học sinh yếu đi học thêm, học sinh giỏi đi học thêm, học sinh không yếu không giỏi cũng đi học thêm.
Nhiều gia đình, tiền học chính khóa cho con có khi hết 1 đồng, nhưng phải "cày" gấp 3, gấp 4, thậm chí gấp nhiều lần mới đủ tiền học thêm của con. Điều này cũng thúc đẩy bất bình đẳng trong giáo dục ở ngay môi trường học đường.
Đã có những trăn trở học thêm trở thành học chính, học ở giờ chính khóa lại trở thành học thêm. Giờ chính khóa thầy trò không dạy, không học hết mình mà chờ… sang giờ dạy thêm, học thêm.
Giờ đây, Bộ nâng tầm trách nhiệm và vai trò của nhà trường trong Thông tư 29 đối với chất lượng giáo dục với quy định việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường chỉ áp dụng đối với đối tượng học sinh kết quả chưa đạt, bồi dưỡng học sinh giỏi và ôn thi cuối cấp.
Và không thu tiền. Bởi đó là trách nhiệm của trường học.
Quy định đòi hỏi mỗi nhà quản lý trường học, giáo viên và mỗi học trò phải thật sự nỗ lực thể hiện vai trò của mình.
Và Thông tư 29 của ngành giáo dục còn hiểu rõ giáo dục lớn nhất đối với mỗi người chính là giáo dục gia đình.
Khi trường học "trả" dạy thêm về cho gia đình đòi hỏi mỗi ông bố, bà mẹ cần phải tổ chức, sắp xếp lại sinh hoạt và dành nhiều thời gian hơn cho con cái. Hơn ai hết, lúc này, chính bố mẹ cũng phải học, phải trau dồi để đồng hành cùng với con, không thể "khoán" hết cho nhà trường, thầy cô.
Thông tư đặt ra yêu cầu mỗi chủ thể giáo dục phải làm tốt hơn việc của mình và giành thời gian để yêu thương, gắn kết nhiều hơn như chia sẻ của cô Trần Thị Kim Hạnh.
![Valentine và Thông tư 29 về dạy thêm học thêm: Khi tình yêu lên tiếng! - 3 Valentine và Thông tư 29 về dạy thêm học thêm: Khi tình yêu lên tiếng! - 3](https://cdnphoto.dantri.com.vn/773XuUFm2cDKg-QqbAlAhJxqT7M=/thumb_w/1020/2025/02/14/daythemhoainam2-1739504882644.jpg)
Phụ huynh Trường Tiểu học Đặng Trần Côn, quận 4, TPHCM tham gia cùng tiết học của con (Ảnh: Hoài Nam).
Một điều cần nhìn nhận, Thông tư dạy thêm học thêm của Bộ cũng đặt ra thách thức và yêu cầu về năng lực tự học của học trò - đây là điều học sinh chúng ta thiếu hụt trầm trọng lâu nay.
Thời đại của công nghệ cũng là thời đại của sự tự học, không thể bước theo cách học thụ động, sao chép lại kiến thức, tư duy của người khác…
Bớt học thêm, mỗi học sinh sẽ phải nghĩ nhiều hơn, động não hơn, tự tìm tòi, nghiên cứu, mày mò, tự tư duy thay vì cái gì cũng được "mớm" sẵn.
Thông tư 29 có hiệu lực từ hôm nay không chỉ là vấn đề dạy thêm, học thêm mà còn mở ra cái nhìn mới trong tư duy giáo dục về tự học và thực học.
Từng bước đi của quy định mới về dạy thêm, học thêm chắc chắn sẽ còn nhiều khó khăn, nhiều việc phải làm. Nhưng tin rằng, khi tình yêu và trách nhiệm lên tiếng, mỗi chủ thể trong giáo dục sẽ có thêm sức mạnh về trọng trách của mình.