Vạch "chiến lược" học tập, nghiên cứu khi du học

(Dân trí) - Khi chuyển sang một môi trường mới, ở một đất nước hoàn toàn xa lạ, hầu hết các du học sinh đều có nhiều bỡ ngỡ, gặp nhiều khó khăn và phải trải qua nhiều thử thách nhất là trong năm đầu tiên.

Khó khăn là điều không tránh khỏi, nhưng hiện nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, thông qua các trang mạng xã hội, các diễn đàn... nhiều bạn cũng đã phần nào hình dung trước được những “chướng ngại vật” ấy trên con đường tiếp thu kiến thức ngay từ khi còn ở Việt Nam.

 

Tuy nhiên, thực tế diễn ra cũng hoàn toàn không giống với những gì đã đọc, đã nghe và nhiều bạn đã “sốc” khi muốn hội nhập để sống và học tập cũng như nghiên cứu. Rất nhiều vấn đề mà mỗi du học sinh cần phải tiếp cận, thay đổi từ ăn uống, đi lại hàng ngày, thích nghi với thời tiết, giao tiếp với người bản xứ, cho đến phương pháp học tập ở môi trường mới.

 

Trong những trở ngại ấy, hầu hết các du học sinh đều có thể dần thích nghi và vượt qua. Nhưng, để xây dựng cho bản thân mỗi người một phương pháp học tập phù hợp và đạt kết quả tốt trong môi trường học tập ở nước ngoài hoàn toàn không đơn giản. Nhiều bạn đã loay hoay “thử” và “sửa sai” với thời gian mất đi là đáng kể.

 

Vạch chiến lược học tập, nghiên cứu khi du học
Du học sinh sẽ gặp không ít khó khăn khi tiếp xúc với một môi trường hoàn toàn mới lạ (ảnh minh họa)



Một số bạn đã quen với phương pháp học ở Việt Nam với “đọc - chép” hoặc “chiếu - chép” và bị động trong việc lên kế hoạch học tập, tự học đã phải gặp nhiều vất vả, thậm chí không thể theo kịp với tiến độ học tập trong môi trường mới.

 

Người viết bài này cũng đã có thời gian đầu khó khăn để làm quen với môi trường mới và với những gì đã qua, mong được chia sẻ cùng các bạn đã, đang và sẽ du học phương pháp học của bản thân:

 

1. Mỗi học kỳ đều có các môn sẽ học ở giảng đường với rất đông sinh viên đến từ các quốc gia khác nhau và các giáo sư giảng bài bằng máy chiếu với các file trình chiếu trong một thời gian nhất định. Rất nhiều bạn nghe bài giảng có thể không hiểu hoặc hiểu rất ít do những trở ngại về ngôn ngữ, kiến thức chuyên ngành.

 

Dần dần, sự chán nản hiện ra ngày một nhiều, cộng với việc không “điểm danh” đã làm nhiều bạn bỏ học. Điều này hoàn toàn không có lợi vì trong giảng đường, có thể nội dung vẫn còn chưa rõ nhưng các bạn du học sinh vẫn có thể rèn luyện ngoại ngữ vì nghe nhiều cũng sẽ hình thành kỹ năng nghe tốt. Không những thế, giao lưu với nhiều sinh viên ngoại quốc hoặc bản xứ để chúng ta có thêm thông tin và đôi khi cần đến những trợ giúp về sau.

 

2. Các bài giảng thường kèm theo các Seminar và diễn ra trong tuần. Mục đích của các Seminar này để làm rõ hơn các vấn đề trong bài giảng. Đây là thời điểm thích hợp để các bạn đầu tư thời gian, công sức tìm kiếm tài liệu, thông tin, chuẩn bị bài trình bày (bắt buộc) và báo cáo. Thông qua các thông tin tìm được cũng như học hỏi từ các thành viên trong nhóm và các nhóm khác, chúng ta đã có thể hiểu thêm và hiểu rõ những nội dung đã học. Ngoài ra, trong các Seminar thường giới hạn số lượng sinh viên và đây cũng là cơ hội để các bạn hỏi, chất vấn với các giáo sư và trợ giảng về các vấn đề mình còn mơ hồ.

 

3. Một “kho tàng tri thức” mà các du học sinh không thể bỏ qua trong quá trình học tập ở nước ngoài chính là thư viện. Với hệ thống thư viện hiện đại, kết nối thông tin đến cả thư viện quốc gia cũng như tài liệu được cập nhật liên tục là sự bổ túc cần thiết nhất cho những gì các bạn đã học, đã nghiên cứu. Hầu hết các thư viện ở các trường đều mở cửa rất sớm và đóng cửa rất trễ, môi trường yên tĩnh, không gian thoáng đãng... là địa điểm học lý tưởng nhất cho mỗi sinh viên.

 

4. Ngoài thời gian ở giảng đường, trong các Seminar, các giáo sư đều có những cuộc hẹn với sinh viên tại phòng làm việc hoặc sau khi đã thỏa thuận qua thư điện tử. Đây cũng là một cơ hội để các bạn có thể hỏi. Hầu hết các giáo sư rất thích sinh viên chất vấn, yêu cầu sinh viên hỏi chứ không chỉ gật đầu đồng ý các vấn đề, nội dung đã trình bày.

 

Để hỏi được, chắc chắn các bạn đã tìm hiểu thông tin, đã có những thắc mắc trong quá trình học tập, nghiên cứu. Ngoài ra, nên mạnh dạn trao đổi trực tiếp những lúc có thể, gởi thư khi có những thắc mắc. Từ những định hướng, hướng dẫn, chia sẻ của các thầy cô, chúng ta sẽ dễ dàng hơn để giải quyết các vấn đề.

 

5. Và cuối cùng, thời gian nhiều nhất mà các bạn nên chú ý đó là thời gian tự học. Tập hợp những giải đáp, tài liệu, bài giảng và thông qua trao đổi với bạn bè, thầy cô, chúng ta có thể tự mình xác định nội dung nào là trọng tâm, kiến thức bắt buộc phải có trong lĩnh vực chuyên ngành.

 

Khác nhau về hoàn cảnh, về giới tính, về khả năng tiếp thu nên mỗi người sẽ có những “chiến lược” riêng để học tập và nghiên cứu. Nhưng, chủ động và tích cực, tự lực là những điểm không thể thiếu để các bạn có thể sánh cùng, thậm chí vượt qua sinh viên nước “chủ nhà”

 

Nguyễn Quốc Vỹ

(NCS tại Đức- nguyenquocvy@gmail.com)