Bình Định:
Ước ao ngày Tết của cậu học trò tàn tật bị cha mẹ bỏ rơi
(Dân trí) - Hai tay cụt đến khuỷu, hai bàn chất mất không còn ngón, Lạc bị cha mẹ bỏ rơi khi em khoảng chừng 2 tháng tuổi. Bao năm qua, mỗi dịp Tết đến xuân về em lại ước ao được đón một cái tết đầm ấm bên cha mẹ mình.
Đó là cậu học trò khuyết tật Trần Văn Lạc, học sinh lớp 10, Trường THPT An Nhơn 1 (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định). Bao xuân qua, em Lạc đều đón tết tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Bình Định - mái nhà nơi em đang sinh sống, học tập.
Quyết không gục ngã
Chúng tôi đến Trung tâm bảo Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Bình Định (thị xã An Nhơn, Bình Định) vào những ngày cuối năm Giáp Ngọ 2014. Tiếp chúng tôi, ông Nguyễn Quỳnh, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Bình Định, bắt đầu câu chuyện: “Trong số 16 trẻ tàn tật mồ côi, cháu Lạc là chẳng còn ai thân thích, bị cha mẹ bỏ trước cổng Trung tâm Y tế thị xã An Nhơn khi còn đỏ lỏn. Sau đó, được Trung tâm chăm sóc, nuôi cho ăn học đến bây giờ. Cháu là đứa con hiếu động và có nghị lực trong cuộc sống”.
Gặp Lạc đúng vào dịp nghỉ Tết dương lịch 2015, dù ngày nghỉ lễ nhưng Lạc đang miệt mài với bài vở để chuẩn bị cho đợt thi cuối học kỳ. Vừa thấy chúng tôi, Lạc nhanh nhẹn đứng dậy vòng đôi tay cụt, rồi cúi đầu chào rất lễ phép. Đó là nếp sống văn hóa mà Lạc được cán bộ ở Trung tâm dạy cho em từ nhỏ.
Không may mắn như bao đứa trẻ bình thường khác, bản thân Lạc sinh ra không lành lặn, 2 tay em cụt, 2 bàn chân cụt mất các ngón chân. Số phận bi đát hơn khi chính cha mẹ em là người chối bỏ khi đem em đến trước cổng Trung tâm Y tế thị xã An Nhơn khi em mới chừng 2 tháng tuổi. May mắn, các cán bộ y tế phát hiện kịp thời đưa vào viện cấp cứu, chăm sóc. Sau đó, Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Bình Định làm hồ sơ nhận em về nuôi.
Cô Hà Thị Hiếu, phó phòng giáo dưỡng kiêm tổ trưởng tổ trẻ em, cũng là trực tiếp chăm sóc Lạc kể lại: “Khi mới đem cháu về do còn nhỏ nên việc chăm sóc cháu được đặc biệt quan tâm. Nhưng trời sinh voi trời sinh cỏ, lúc cháu nhỏ ngoan lắm, cứ khi nào nghe tiếng khóc là biết cháu đói, cho ăn bột, uống sữa lại ngủ. Khổ nhất là khi cháu còn nhỏ do bị cụt 2 tay nên mọi sinh hoạt cá nhân đều một tay các cô ở đây chăm sóc. Lớn lên, dần dần mình hướng dẫn, luyện tập, giờ mọi sinh hoạt cháu tự làm được hết”.
Khó khăn lớn nhất của Lạc là việc cầm bút để viết bởi bàn tay cầm bút thì cụt đến khuỷu tay, tay trái thì cụt mất cả bàn. Để cầm được bút, Lạc phải dùng bàn tay giả do Trung tâm Chỉnh hình tỉnh Bình Định thiết kế riêng cho em, nhưng cũng không khả quan. Bỏ đi mọi dụng cụ hỗ trợ, Lạc kiên chì ngày đêm luyện viết. Lạc dùng cánh tay trái cụt mất bàn kẹp cây bút vào khuỷu tay, tay phải cụt còn lại đè vào cây bút vừa giữ bút vừa điều khiển theo chữ viết. Qua nhiều năm khổ luyện, Lạc cũng đã viết dù không nhanh như người bình thường, nhưng những nét chữ mạch lạc, rõ ràng và đẹp.
“Lúc em mới tập viết, việc kẹp giữ cây bút đã khó nói gì đến viết thành chữ. Chỗ khuỷu tay kẹp cây bút để điều khiển không như ý muốn nên trong người khó chịu lắm. Sau giấy phút đó, em lấy lại bình tĩnh và tập từ từ. Bây giờ thì em viết đã ổn, trên lớp cơ bản viết theo kịp thầy cô giảng. Chỉ đôi khi, thầy cô giảng nhanh quá em chép không kịp, lúc ra chơi em phải ngồi lại mượn vở của bạn chép lại bài”, Lạc chia sẻ.
Không chỉ cố gắng trong học tập, dù thân hình không bình thường, nhưng Lạc lại rất năng động trong các mông thể thao nhất là bóng đá Lạc chơi khá tốt. Ngoài ra, Lạc còn cả khả năng chơi bóng bàn khá tuyệt vời.
Mong ước được cùng cha mẹ đón cái Tết đúng nghĩa
Dù với thân hình chẳng bình thường, tưởng chừng Lạc sẽ tự ti trước bạn bè. Trái lại, Lạc rất kiên cường biết vượt qua mặc cảm, quyết tâm đến trường thực hiện ước mơ. Thành tích học tập cũng không phải là tốt, thế nhưng ở Lạc luôn có một nghị lực, sự cố gắng trong học tập, rèn luyện. Với Lạc, em chỉ có một mong ước nhỏ nhoi trở thành người có ích cho xã hội. “Cuộc sống ai chẳng có ước mơ. Ai cũng có gia đình còn em thì không. Nhưng em không bao giờ trách cha mẹ, người đã bỏ rơi em. Nếu cho em điều ước, em sẽ ước có một được đón cái Tết đầm ấm cùng cha mẹ”, Lạc tâm sự.
Chia sẻ về tương lai, Lạc nói: “Bản thân em người khuyết tật, việc vận động khó khăn nên em sẽ chọn nghề phù hợp với khả năng. Em vẫn mong muốn trở thành thầy giáo dạy tin học. Tin học là sở thích, cô chú ở trung tâm cũng rất tạo điều kiện để em học thêm môn tin học. Ngoài học văn hóa, em cũng đang cố gắng theo lớp học tin học để ước mơ của em có thể thành hiện thực”.
Nhớ như in, ông Phạm Tuấn Kiệt - Trưởng phòng giáo dưỡng Trung tâm Bảo trợ Bình Định, kể lại: “Năm học Lớp 5, cháu Lạc là học sinh giỏi khuyết tật của tỉnh Bình Định tham dự Hội nghị trẻ khuyết tật toàn quốc tại Hà Nội. Khi được hỏi về mong ước, Lạc hồn nhiên nói “Cháu chỉ mong ước một ngày nào đó cháu được gặp bố mẹ cháu một lần”. Câu nói hồn nhiên của Lạc khiến không ít vị đại biểu, những bậc phụ huynh không cầm được lòng”.
Theo cán bộ ở Trung tâm, nhiều trường hợp trẻ khuyết tật mồ côi bị người thân bỏ rơi được trung tâm nuôi thì một số trường hợp có người thân tìm đến nhận. Riêng cháu Lạc thì không. Trong những đứa trẻ ở Trung tâm, Lạc cũng là người duy nhất không còn người thân. Vì thế, mỗi năm Tết Nguyên đán, trong khi các bạn có người thân đưa về quê ăn tết thì Lạc phải thui thủi một mình đón tết ở Trung tâm.
Cô Hà Thị Hiếu chia sẻ: “Mỗi người mỗi hoàn cảnh, nỗi khổ riêng nên họ mới bỏ các cháu vào Trung tâm để nhờ chăm sóc. Sau đó, một số ít trường hợp quay trở lại Trung tâm để nhận người thân. Có khí trong các nhà hảo tâm thường hay tặng quà cho trung thâm lại chính là thân nhân của các em. Làm ở đây lâu năm tôi hiểu, thường nhà hảo tâm nào thường tới thăm và dành sự quan tâm đặc biệt một cháu nào đó thì có thể là người thân. Riêng cháu Lạc thì chưa thấy có ai dành sự quan tâm đặc biệt như vậy. Giờ không biết cha mẹ cháu ở đâu”.
Doãn Công