UNICEF đề nghị Bộ GD-ĐT hợp tác phổ cập công nghệ cho học sinh từ mầm non
(Dân trí) - UNICEF đề nghị hợp tác với Bộ GD-ĐT để phổ cập công nghệ thông tin cho học sinh từ bậc học mầm non và tất cả các giáo viên.
Thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho biết, thứ trưởng Ngô Thị Minh vừa có buổi tiếp Phó Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, bà Lesley Miller. Tại đây, hai bên đã trao đổi nhiều nội dung nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Tại buổi làm việc bà Lesley Miller cho biết, UNICEF Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực và giải pháp của Bộ GDĐT trong đảm bảo sự công bằng trong giáo dục và thúc đẩy việc học tập, nhất là trong đợt đại dịch Covid-19 vừa qua.
Các giải pháp của Bộ GDĐT đã đảm bảo an toàn cho học sinh và đảm bảo việc học tập không bị gián đoạn. Khi học sinh quay lại trường học, các nhà trường, thầy cô và học sinh cũng đã nỗ lực để đảm bảo một môi trường học tập an toàn.
Bà Lesley Miller đã đề xuất 4 lĩnh vực ưu tiên hợp tác giữa UNICEF Việt Nam và Bộ GDĐT, bao gồm: Phổ cập số trong giáo dục và đào tạo; xây dựng chương trình giáo dục mầm non mới; nâng cao chất lượng giáo dục và đảm bảo sự công bằng trong giáo dục; xây dựng môi tròng học tập xanh - sạch - đẹp và an toàn.
Theo bà Lesley Miller, trong bốn lĩnh vực ưu tiên hợp tác thì việc phổ cập công nghệ thông tin cần phải được quan tâm đúng mức, trong đó, UNICEF đề nghị hợp tác với Bộ GDĐT để phổ cập công nghệ thông tin cho học sinh (từ bậc học mầm non) và tất cả các giáo viên. Vì thực tế đợt dịch Covid-19 vừa qua cho thấy, nhờ có công nghệ thông tin mà việc học không bị gián đoạn mặc dù việc đến trường phải tạm dừng.
Ghi nhận sự quan tâm của UNICEF dành cho trẻ em Việt Nam, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho biết, bốn lĩnh vực ưu tiên mà phía UNICEF đưa ra đã được Chính phủ Việt Nam, Bộ GDĐT quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, với sự đồng hành của UNICEF thì các lĩnh vực sẽ được quan tâm và đảm bảo sự thành công.
Đối với vấn đề xây dựng chương trình giáo dục mầm non mới, chú trọng vào giáo dục và xây dựng kỹ năng và tình cảm xã hội làm nòng cốt, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho biết, để có thể thực hiện được thành công, trong thời gian tới Bộ GDĐT sẽ chỉ đạo tổng kết 10 năm chương trình giáo dục mầm non hiện hành, từ đó rút kinh nghiệm và xây dựng chương trình mới.
Với việc đảm bảo công bằng trong giáo dục và đào tạo, nhất là cho nhóm trẻ em yếu thế và học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc đặc biệt khó khăn, theo Thứ trưởng, đây là những vấn đề đã được quy định trong Luật Giáo dục 2019.
Hiện tại, Việt Nam đang nỗ lực đầu tư để đảm bảo việc học tập công bằng cho tất cả các đối tượng và nhóm đối tượng. Với sự đồng hành của UNICEF, Thứ trưởng tin tưởng, việc đảm bảo công bằng trong giáo dục và đào tạo sẽ đạt được những kết quả bền vững hơn nữa.