Họp Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực:
Ủng hộ xu hướng một kỳ thi quốc gia!
(Dân trí) - Ngày 20/8 đã diễn ra phiên họp thứ 2 năm 2014 của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực. 5 vấn đề giáo dục được bàn thảo lấy ý kiến của các thành viên Hội đồng quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị.
5 nội dung được đưa ra thảo luận là: Hệ thống giáo dục quốc dân những nội dung cần hoàn thiện; đổi mới Chương trình và sách giáo khoa phổ thông; Phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông và thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015; Hội nhập quốc tế trong quá trình đổi mới giáo dục đại học; Xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.
Vấn đề mà các đại biểu chú ý nhất là việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Trong đó, quan điểm được nhiều ý kiến thống nhất là về lâu dài theo xu thế học sinh học hết THPT thì có một kỳ thi quốc gia để xét tốt nghiệp. Các trường ĐH, CĐ có phương án tuyển sinh riêng trên tinh thần tự chủ. Song, trong vài năm tới, ngoại trừ một số trường ĐH, CĐ có phương án tuyển sinh riêng, còn đa phần các trường muốn có một kỳ thi quốc gia làm căn cứ để tuyển sinh.
Kỳ thi phải đảm bảo đánh giá đúng, công bằng trên tinh thần các đề thi, cách ra đề làm sao để phù hợp với cả học sinh ở vùng sâu, vùng xa. Công tác tổ chức phải đơn giản, rõ ràng, không gây khó khăn, nhiêu khê cho học sinh và phụ huynh.
Về mặt kỹ thuật, Bộ GD-ĐT căn cứ vào thực tế, huy động các chuyên gia, nhà giáo dục xây dựng cấu trúc đề thi có sự phân hóa để một mặt học sinh không băn khoăn khi thi tốt nghiệp THPT, mặt khác để kết quả kỳ thi là căn cứ tin cậy cho các trường ĐH, CĐ làm công tác tuyển sinh.
Chương trình THCS kéo dài hết lớp 10Bạn đồng ý theo phương án thi nào trong số 3 phương án tổ chức kì thi quốc gia do Bộ GD - ĐT vừa mới công bố tại hội nghị tổng kết năm học 2013 - 2014? | ||||||||
| ||||||||
Về vấn đề đề xác định lại số năm học của mỗi cấp học trong hệ thống giáo dục phổ thông, Dự thảo tờ trình đưa ra với 2 phương án:
Phương án 1: Giáo dục cơ bản được thực hiện trong 10 năm học (5 năm học giáo dục tiểu học và 5 năm học giáo dục trung học cơ sở), giáo dục định hướng nghề nghiệp (trung học phổ thông) được thực hiện trong 2 năm học.
Ưu điểm: So với phương án 9 năm học, thời gian thực hiện giáo dục cơ bản thêm 1 năm nên có điều kiện tốt hơn trong việc trang bị kiến thức phổ thông nền tảng; Độ tuổi 16 phù hợp hơn so với độ tuổi 15 trong phân luồng sau giáo dục cơ bản; Giáo dục trung học phổ thông trong 2 năm học so với 3 năm học sẽ thuận tiện định hướng nghề nghiệp hơn, đáp ứng được nhu cầu tăng thêm số phòng học/ lớp để phục vụ dạy học tự chọn; Giáo dục trung học cơ sở trong 5 năm học (thêm 1 năm học) sẽ tận dụng cơ sở vật chất đồng thời tăng thêm số lớp, số giáo viên của nhà trường, thuận tiện sinh hoạt chuyên môn; Thực trạng giáo dục phổ thông hiện hành cho phép thực hiện.
Hạn chế: Nếu thực hiện theo phương án này đòi hỏi phải điều chỉnh quy định tại Luật Giáo dục năm 2005 (về thời gian của mỗi cấp học giáo dục phổ thông) và phải cơ cấu lại các yếu tố trong hệ thống giáo dục hiện hành.
Phương án 2: Giáo dục cơ bản được thực hiện trong 9 năm học (5 năm học giáo dục tiểu học và 4 năm học giáo dục trung học cơ sở), giáo dục định hướng nghề nghiệp (trung học phổ thông) được thực hiện trong 3 năm học.
Ưu điểm của phương án này là đảm bảo quy định tại Luật Giáo dục năm 2005 và đảm bảo sự ổn định của hệ thống giáo dục hiện hành.
Hạn chế của phương án này là thời lượng 9 năm học dành cho trang bị kiến thức phổ thông nền tảng, đặc biệt là giáo dục hướng nghiệp ở trung học cơ sở còn ít so với yêu cầu mới; Giai đoạn định hướng nghề nghiệp 3 năm học ở trung học phổ thông là nhiều.
Nhiều ý kiến cho rằng, hệ thống giáo dục, phải tương thích với khu vực và thế giới, có độ mở, có tính liên thông cao giữa các bậc học (theo chiều dọc, chiều ngang, hướng chéo). Đây là một trong những giải pháp để giảm sức ép thi vào ĐH hiện nay, góp phần xây dựng xã hội học tập.
Về biên soạn SGK mới, theo dự thảo Tờ trình đưa ra 2 phương án:
Phương án 1: Bộ GD-ĐT chủ động tổ chức biên soạn đầy đủ một bộ SGK; đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn các bộ SGK hoặc các cuốn SGK khác, nhất là SGK cho các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.
Phương án 2: Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; Bộ GD-ĐT chỉ tổ chức biên soạn những SGK mà các tổ chức, cá nhân không đăng ký biên soạn.
Tại phiên họp, nhiều nhà khoa học bày tỏ sự đồng tình với chủ trương tách riêng chương trình và SGK khi thực hiện đổi mới. Từ đó, cho phép một chương trình có thể có nhiều bộ SGK, còn chương trình là căn cứ kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục.
Các phương án đổi mới SGK cũng nhận được nhiều đóng góp, phân tích sâu sắc, toàn diện. Theo đó, Bộ GD-ĐT trực tiếp biên soạn bộ SGK mẫu theo tinh thần đổi mới, sau đó huy động các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn; hoặc ngay từ đầu Bộ GD&ĐT chỉ thực hiện kiểm định chất lượng các bộ SGK.
Các đại biểu nhất trí cao với đề xuất của Bộ GD&ĐT trong việc áp dụng bộ SGK mới đồng loạt ở các lớp học thay cho cách làm cuốn chiếu trước đây, mất nhiều thời gian hơn.
Hồng Hạnh (tổng hợp)