Tuyển sinh lớp 6: Nhiều trường “ngồi trên đống lửa”

(Dân trí) - Vào thời điểm này của mọi năm, hầu hết các trường THCS trên địa bàn Hà Nội đã lên kế hoạch tuyển sinh. Tuy nhiên năm nay do chưa có hướng dẫn tuyển sinh của Sở GD&ĐT nên phụ huynh hoang mang còn nhiều trường như "ngồi trên đống lửa".

Chỉ biết chờ đợi

Thời điểm này của những năm khác, nhiều trường đã có thông báo tuyển sinh đến phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, do Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT, ngày 18/4 của Bộ GD&ĐT về việc cho phép một số trường đặc thù được phép tổ chức thi đánh giá năng lực. Bộ giao các Sở GD&ĐT hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển, hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh nên thời điểm này, các trường chỉ biết chờ đợi.

Trao đổi với PV Dân trí, cô Văn Thùy Dương, Phó Hiệu trưởng Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết, năm ngoái, khoảng đầu tháng 1, nhà trường đã đăng thông tin tuyển sinh vào lớp 6. Thế nhưng bây giờ đã gần đầu tháng 4 nhưng nhà trường vẫn đang... im như thóc do UBND quận đã có công văn cấm nhà trường đăng thông tin tuyển sinh, chờ hướng dẫn của Sở GD&ĐT Hà Nội.

“Cuối tháng 4 năm ngoái, chúng tôi đã bán hồ sơ tuyển sinh và lên các phương án khác trên cơ sở ước lượng số hồ sơ học sinh đăng kí ban đầu để quyết định.

Để làm được đề thi đánh giá năng lực rất mất công, chưa kể các công tác tuyển sinh khác. Nếu sở công bố hướng dẫn tuyển sinh quá chậm trễ, phụ huynh cũng lo lắng còn nhà trường sợ trở tay không kịp”, cô Dương cho biết.

Chia sẻ với PV Dân trí, cô Nguyễn Thị Minh Thúy (Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Nguyễn Siêu) cho hay: "Thông thường sau Tết, cha mẹ học sinh đã bắt đầu tìm trường cho con. Tính đến thời điểm này, văn phòng tuyển sinh Trường Nguyễn Siêu đã nhận được rất nhiều sự quan tâm như thế. Tuy nhiên, công văn của UBND quận Cầu Giấy yêu cầu không cho phép tuyển sinh khi chưa có hướng dẫn đã khiến chúng tôi chưa được công bố bất cứ thông tin nào liên quan tới tuyển sinh ngoài việc chờ đợi."

“Đối với trường tư thục, do đặc thù, mục tiêu và chiến lược phát triển khác nhau, mỗi trường phải tự lo về chỉ tiêu tuyển sinh, về cơ sở vật chất, về đội ngũ..., do đó tôi nghĩ cần cởi trói cho họ trong việc giới hạn về thời gian và phương thức tuyển sinh đầu cấp để đảm bảo tính công bằng chung trong hệ thống giáo dục toàn dân”, cô Thúy nói.

Cô Thúy chia sẻ thêm: “Việc “nghiêm cấm thông báo tuyển sinh” khiến nhiều cha mẹ học sinh hoang mang. Bản thân nhà trường chúng tôi cũng muốn sớm công khai thông tin tuyển sinh và công bố những điều kiện để cha mẹ học sinh tham khảo nhằm chuẩn bị tốt nhất các điều kiện, hồ sơ cũng như những kĩ năng cần thiết cho một ngày giao lưu trải nghiệm tìm hiểu môi trường học tập của cấp học mới”.


Một số trường phải chuẩn bị cùng lúc nhiều phương án tuyển sinh do chưa có hướng dẫn (Ảnh minh họa)

Một số trường phải chuẩn bị cùng lúc nhiều phương án tuyển sinh do chưa có hướng dẫn (Ảnh minh họa)

Cùng lúc có nhiều phương án

Theo cô Văn Thùy Dương, năm ngoái Trường Lương Thế Vinh đã nhận được khoảng 5 nghìn hồ sơ vào lớp 6. Trong khi đó, chỉ tiêu của nhà trường chỉ được hơn 500 em. Tỉ lệ đăng kí vào lớp 6, theo cô Dương, gần như các năm tương đương nhau. Do vậy, năm nay, nhà trường dự kiến sẽ nhận được số hồ sơ tương tự.

Chia sẻ về dự kiến phương án tuyển sinh năm nay, cô Dương cho hay, nhà trường chỉ mới họp để triển khai phương án tuyển sinh. Do chưa được phát hành hồ sơ, chưa biết được lượng học sinh sẽ vào và chưa có hướng dẫn của Sở GD&ĐT Hà Nội nên cùng lúc nhà trường phải chuẩn bị nhiều phương án.

“Nếu được thi đánh giá năng lực, nhà trường sẽ tổ chức làm một bài test kiểm tra năng lực, trong đó có cả môn Toán, Văn, Giáo dục, cộng với điểm học bạ. Trong đó, điểm thi nhân đôi, cộng với điểm học bạ, tối đa khoảng 300 điểm.

Ngoài ra, nhà trường vẫn phải chuẩn bị cả phương án nếu sở không cho thi đánh giá năng lực thì sẽ thực hiện thế nào”, cô Dương chia sẻ.

Còn theo cô Nguyễn Thị Minh Thúy, do chưa được phép mở cổng tuyển sinh online cho lớp 6 nên chưa biết bao nhiêu hồ sơ đăng ký vào trường.

“Theo kế hoạch, năm nay chỉ tiêu lớp 6 của Trường THCS & THPT Nguyễn Siêu là 240 học sinh học chương trình Quốc tế ở hai mô hình: Việt Nam Hội nhập và Song ngữ Quốc tế. Yêu cầu cần nhất là Tiếng Anh phải có sự chuẩn bị nên chúng tôi cũng mong muốn được sớm cho phép công khai thông tin tuyển sinh. Việc sớm có thông tin sẽ giúp học sinh và cha mẹ học sinh có nhiều lựa chọn và có sự chuẩn bị tốt về tâm lí cũng như những năng lực khác để đáp ứng trường mà các em ứng tuyển”, bà Thúy cho biết.

Về phương án tuyển sinh dự kiến, cô Thúy cho hay, mục tiêu của trường hướng tới là Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường và giảng dạy song bằng. Do đó, một trong những điều kiện đăng kí xét tuyển là học sinh phải có trình độ Tiếng Anh đáp ứng được chương trình quốc tế Cambridge. Bên cạnh đó, các con cần có kĩ năng khác theo yêu cầu của chương trình nên phương thức xét tuyển và kiểm tra đánh giá năng lực là phương án riêng của trường.

Được biết hiện tại, Sở GD&ĐT Hà Nội đang trình phương án tuyển sinh đầu cấp lên UBND Thành phố Hà Nội. Trao đổi với phóng viên trước đó, ông Phạm Văn Đại - Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cho hay: “Việc Bộ GD&ĐT đưa ra Dự thảo cho phép một số trường có số học sinh đăng kí vượt quá so với chỉ tiêu được tổ chức đánh giá năng lực, tôi cho là tốt. Với quan niệm học - thi, nhiều người cho là quá tải. Tuy nhiên, quả thật nếu học mà không tổ chức thi, tôi cho rằng sẽ kém hiệu quả”.

Cũng theo chia sẻ của ông Đại, nếu phương án khảo sát năng lực được Bộ GD&ĐT chính thức cho áp dụng, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ có khảo sát, đánh giá để có phương án phù hợp nhất và tốt nhất trên cơ sở đề xuất của các trường.

Mỹ Hà