Tuyển sinh đại học: Hướng đến đánh giá năng lực toàn diện

Việc thi đại học theo khối bắt đầu bị “phá vỡ” từ kỳ thi tuyển sinh năm 2015 với việc xuất hiện hàng loạt tổ hợp môn mới và các tiêu chí xét tuyển mới đi kèm. Phương án tuyển sinh của nhiều trường cho thấy lộ trình hướng đến sau 2015 là đánh giá được năng lực toàn diện của thí sinh chứ không chỉ dựa vào điểm số ba môn học.

Thí sinh nghe phổ biến quy chế trong kỳ thi đại học. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)
Thí sinh nghe phổ biến quy chế trong kỳ thi đại học. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)


Học lệch sẽ trượt từ vòng loại hồ sơ

Trong suốt 13 năm, từ 2002 đến 2014, việc xét trúng tuyển đại học chỉ dựa trên một tiêu chí duy nhất là điểm kỳ thi tuyển sinh đại học “ba chung” với các khối gồm ba môn thi. Vì thế, học sinh thường xác định khối thi đại học và có xu hướng học lệch theo khối thi đó ngay từ khi bắt đầu vào lớp 10. Những môn không thuộc khối đã chọn ít được các em quan tâm.

Tuy nhiên, từ năm 2015, tiêu chí tuyển sinh của rất nhiều trường đã thay đổi theo hướng đánh giá năng lực toàn diện của học sinh. Theo đó, để lọt qua vòng sơ loại (đủ điều kiện nộp hồ sơ), thí sinh phải có điểm tổng kết trung bình chung toàn năm học của tất cả các môn trong suốt ba năm cấp ba đạt tối thiểu mức trung bình khá. Nếu có điểm tổng kết dưới mức này, dù thí sinh có đạt điểm cao ở ba môn nhà trường xét tuyển cũng vẫn bị loại.

Các trường tuyển sinh theo phương án này đa số là các trường nhóm trên như Đại học Ngoại thương, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Y Hà Nội…

Theo lãnh đạo các trường đại học, việc đặt điều kiện như trên nhằm giúp trường vừa giảm bớt áp lực hồ sơ, vừa tuyển được những thí sinh có kiến thức, năng lực toàn diện vào trường. 

Điều chỉnh cách xét tuyển hướng đến toàn diện

Không chỉ đặt thêm ngưỡng xét tuyển, các trường đại học cũng bắt đầu thay đổi cách thi để hướng tới đánh giá toàn diện năng lực của thí sinh.

Đại học Quốc gia Hà Nội không xét tuyển trên điểm số các môn thi truyền thống mà tuyển sinh dựa trên bài thi đánh giá năng lực. Theo Trưởng ban Đào tạo của trường, giáo sư Nguyễn Đình Đức, bài thi gồm 180 câu hỏi trắc nghiệm bao gồm cả bốn lĩnh vực là toán, văn, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. “Trước mắt, năm 2015, thí sinh chỉ phải làm bắt buộc toán, văn và chọn thêm một trong hai lĩnh vực còn lại, nhưng trong tương lai các em sẽ phải làm cả bốn lĩnh vực để trường có thể đánh giá được năng lực toàn diện,” ông Đức cho biết.

Không tổ chức hình thức thi riêng như Đại học Quốc gia Hà Nội nhưng nhiều trường cũng hướng đến việc đánh giá năng lực toàn diện của thí sinh thông qua cách thay đổi đổi, bổ sung tổ hợp môn thi mới. Tiêu biểu có thể kể đến như Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh bổ sung thêm tổ hợp môn toán-hóa-văn, toán-sinh-văn. Các trường khối ngành công an, từ năm 2016, bổ sung thêm khối thi tự chọn (gồm toán, văn và một môn thí sinh tự chọn).

Thí sinh nghe phổ biến quy chế trong kỳ thi đại học. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)
Không chỉ học giỏi, thí sinh còn phải năng động trong các hoạt động xã hội như tham gia tình nguyện. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Khối các trường y cũng đang hướng đến tuyển sinh bằng cách kết hợp đánh giá năng lực toàn diện và đánh giá năng lực chuyên ngành. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, việc tuyển sinh ngành y nên hướng đến xét các môn toán, văn, tiếng Anh cộng thêm môn hóa học (với ngành dược) và môn sinh học (với ngành y). Mặc dù cho rằng phương án này không thể áp dụng ngay trong năm 2015 nhưng lãnh đạo các trường y cũng cho biết đây là một cách tuyển có thể thực hiện trong tương lai.

Không tuyển "gà công nghiệp"

Không chỉ đánh giá năng lực toàn diện của thí sinh thông qua các môn học, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thậm chí còn hướng đến đánh giá cả năng lực xã hội, ngoài trường học, của các em.

Theo Trưởng Ban Đào tạo đại học và sau đại học của trường, ông Nguyễn Quốc Chính, cùng với điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, điểm học bạ thì năng lực hoạt động xã hội sẽ là một trong các tiêu chí xét tuyển của trường, dự kiến áp dụng từ năm học 2017-2018.

Năng lực hoạt động xã hội được đánh giá thông qua các giấy chứng nhận tham gia hoạt động ngoại khóa, tham gia hoạt động hè, hoạt động tình nguyện, hoạt động xã hội… của thí sinh.

“Việc này sẽ nảy sinh nhiều vấn đề như kiểm chứng tính trung thực của các giấy chứng nhận, cách đánh giá và quy đổi điểm của các loại chứng nhận, các hoạt động mà thí sinh tham gia… Chúng tôi sẽ phải bàn thảo rất kỹ về những nội dung này. Tuy nhiên, đây là cách tuyển sinh trường hướng đến để có thể tuyển được những thí sinh thực sự chất lượng,” ông Chính cho hay.

Cũng theo ông Chính, thí sinh không chỉ cần học giỏi mà còn phải năng động, có kỹ năng sống và kiến thức xã hội.

Với những đổi mới trong phương thức tuyển sinh của các trường, nhiều học sinh cho biết sẽ phải điều chỉnh lại cách học phù hợp thay vì chỉ tập trung vào ba môn chủ chốt như trước đây bởi nếu muốn vào những trường chất lượng thì việc học lệch đã "hết thời".
Theo Phạm Mai
Vietnam+