Tuyển sinh đại học, cao đẳng 2018: Sôi động các ngành mới

Thời điểm hiện tại, một số trường ĐH, CĐ đã công bố phương án tuyển sinh năm 2018. Nhiều phương thức xét tuyển mới được bổ sung, nhiều ngành đào tạo mới được mở ra đáp ứng nhu cầu xã hội.

Đa dạng phương thức xét tuyển

Đáng chú ý phải kể đến ĐH Quốc tế - ĐHQG TP.HCM với 6 phương thức xét tuyển. Đó là: Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia; xét tuyển thẳng (học sinh trong các kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia và Olympic Quốc tế), xét tuyển học sinh giỏi của các trường THPT (theo quy định của ĐHQG TPHCM), xét tuyển dựa trên học bạ đối với học sinh có quốc tịch nước ngoài hoặc học sinh Việt Nam học chương trình THPT nước ngoài (phương thức này thực hiện từ năm 2007), xét tuyển dựa trên kết quả kỳ kiểm tra năng lực của ĐHQG TPHCM. Theo PGS.TS Hồ Thanh Phong- Hiệu trưởng ĐH Quốc tế - ĐHQG TPHCM, nhiều phương thức xét tuyển nhà trường sẽ vất vả nhưng học trò có nhiều lựa chọn thi tuyển vào trường.

Năm nay, ĐHQG Hà Nội sẽ tuyển sinh trên 8.500 chỉ tiêu cho 105 chương trình đào tạo chuẩn, chất lượng cao, tiên tiến, tài năng, bên cạnh sử dụng kết quả thi THPT quốc gia, thi đánh giá năng lực thì còn sử dụng kết quả kỳ thi chuẩn hóa SAT của Mỹ, chứng chỉ Cambidge của Anh.

Trường ĐH Kinh tế quốc dân về cơ bản giữ nguyên phương thức tuyển sinh như năm 2017. Theo PGS.TS Đức Triệu- Trưởng phòng đào tạo, sau khi cân đối chỉ tiêu và nguồn lực, theo thông tư 32 của Bộ GD&ĐT nhà trường có nguồn lực rất dồi dào có thể tuyển từ 6.000-8.000 sinh viên/năm, hơn nữa nhà trường cũng đã khánh thành tòa nhà lớn, cơ sở vật chất tăng lên gấp 3 lần nên nhà trường quyết định tăng chỉ tiêu trên 5.000 (năm ngoái 4.800).

Nhiều ngành mới

Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành Thông tư về Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ đại học. Theo danh mục mới này, có thêm hơn 100 ngành mới, tăng khoảng 40% so với danh mục năm 2010. Như vậy, tại kỳ tuyển sinh ĐH 2018 các thí sinh sẽ có thêm nhiều cơ hội lựa chọn ngành đăng ký xét tuyển.

PGS.TS Triệu cho biết, dự kiến năm nay các chuyên ngành trước đây của Trường ĐH Kinh tế quốc dân đã đào tạo 30-40 năm rồi khi có mã ngành mới sẽ nâng cấp lên thành ngành, nói cách khác là tách ra thành những ngành độc lập.Dự kiến là những ngành kinh tế phát triển, quản lý tài nguyên và môi trường, quản lý kinh tế (trước đây là khoa học quản lý).

Nhà trường cũng dự kiến mở một số ngành mới là logistics và quản lý chuỗi cung ứng, thương mại điện tử, các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh như quản trị khởi nghiệp, một ngành rất cần thiết cho xã hội là định phí bảo hiểm và quản trị rủi ro.

Năm 2018, ĐH Thủy lợi cũng tuyển thêm 4 ngành: Kỹ thuật cơ điện tử, Công nghệ chế tạo máy, Kỹ thuật điều khiển tự động hóa và Công nghệ sinh học. “Dựa vào số SV nhập học năm 2017 ĐH Thủy lợi đã điều chỉnh lại chỉ tiêu của các ngành, giảm một số ngành truyền thống bên khối xây dựng và chuyển sang chỉ tiêu cho những ngành mới phù hợp với xu hướng xã hội”, ông Nguyễn Tuấn Anh- Trưởng phòng đào tạo ĐH Thủy lợi cho hay.

Về cơ bản, các ngành đào tạo của ĐH Bách khoa Hà Nội không có biến động. PGS.TS Nguyễn Phong Điền- Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết nhà trưởng chỉ có 2 điều chỉnh nhỏ. Thứ nhất, ngành Cơ khí động lực trước đây chưa xuất hiện bảng mã danh mục ngành cấp IV của Bộ Giáo dục - Đào tạo thì năm nay đã có. Thứ hai, do cơ chế đặc thù được Thủ tướng phê duyệt đối với các trường đào tạo Công nghệ thông tin (CNTT), cần hết sức nỗ lực để gia tăng số nhân lực đào tạo CNTT với toàn bộ nền kinh tế quốc dân trong thời gian tới. Trường ĐH Bách khoa sẽ cân nhắc việc gia tăng thêm một số chỉ tiêu các lĩnh vực CNTT trong đào tạo, phương châm trường huy động với số lượng giảng viên hiện có đào tạo cho CNTT không chi nằm ở Viện CNTT truyền thông của ĐH Bách khoa mà còn nằm ở một số đơn vị khác ví dụ một số trung tâm nghiên cứu và viện nghiên cứu khác có đội ngũ mạnh.

Theo Phương Linh

Đại Đoàn Kết

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm