Tuyển sinh 2020: Công nghệ nano- ngành học “vạn năng” thời 4.0
(Dân trí) - Công nghệ nano đang hiện diện trong nhiều lĩnh vực khoa học - công nghệ làm thay đổi diện mạo của cuộc sống con người. Vậy công nghệ nano là gì? Triển vọng nghề nghiệp cho ngành học này như thế nào?
Ứng dụng “vạn năng” của công nghệ nano
Thời gian gần đây, có thể thấy sự nổi lên mạnh mẽ của các sản phẩm sử dụng công nghệ nano. Ví dụ như các sản phẩm nước rửa tay hay khẩu trang sử dụng công nghệ kháng khuẩn bằng các hạt nano kim loại đang trở thành một trong những mặt hàng bán chạy nhất trong mùa dịch Covid-19.
Các loại kem trị nám, trị mụn, các liệu trình chăm sóc, trẻ hóa làn da dùng công nghệ nano tạo ra làn sóng mới trong ngành làm đẹp, đem lại lợi nhuận khổng lồ cho các trung tâm thẩm mỹ và các hãng dược phẩm.
Trên các quảng cáo về tủ lạnh, công nghệ kháng khuẩn khử mùi nano bạc được nhấn mạnh như một tính năng nổi bật của sản phẩm. Công nghệ nano cũng được các chuyên gia Nhật Bản ứng dụng trong quá trình xử lý nước ở sông Tô Lịch Hà Nội.
Công nghệ nano được đánh giá là một trong những thành phần công nghệ điển hình của nền công nghiệp 4.0 bên cạnh công nghệ Internet Vạn vật (IoT), thành phố thông minh, trí tuệ nhân tạo, xe tự lái, robot, máy in 3D và công nghệ sinh học.
Vậy công nghệ nano là gì mà sở hữu sức mạnh vạn năng đến vậy? Công nghệ nano nói một cách đơn giản là công nghệ cho phép tác động, điều khiển hình dáng, kích thước, cũng như cấu tạo của vật chất ở quy mô cực kỳ nhỏ bé- kích thước nanomet (1nm = 1 phần tỷ mét)
Khi ở kích thước này, vật chất xuất hiện những đặc tính vật lý, hóa học và sinh học hoàn toàn khác so với khi ở kích thước bình thường. Một số vật liệu trở nên bền và nhẹ hơn; một số khác dẫn điện, truyền nhiệt tốt hơn hoặc phản xạ ánh sáng hay thay đổi màu sắc do kích thước hoặc cấu trúc của chúng bị thay đổi.
Bởi lợi thế ưu việt đó, công nghệ nano trở thành công cụ quan trọng được các nhà khoa học sử dụng trong phân tích, thiết kế và chế tạo ra các vật liệu tiên tiến, với nhiều tính năng đặc biệt để phục vụ nhu cầu cuộc sống.
Ngành công nghệ nano được đào tạo thế nào?
Để bắt nhịp với sự ứng dụng ngày càng mạnh mẽ của công nghệ nano vào ngành công nghiệp vật liệu, nhiều trường đại học tại Việt Nam mở các ngành đào tạo liên quan đến công nghệ nano, trong đó có trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH, Đại học Việt Pháp).
Tại đây, khi theo học chương trình cử nhân Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano, sinh viên được trang bị kiến thức cơ sở vững chắc về cấu tạo vật liệu, phương pháp chế tạo vật liệu nano cũng như các phương pháp nghiên cứu xác định cấu trúc, tính chất của vật liệu.
Ngoài các giờ học lý thuyết, thực hành trên lớp, sinh viên còn có cơ hội tham gia dự án nghiên cứu của giảng viên để trực tiếp vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, rèn luyện kỹ năng làm việc trong phòng thí nghiệm cũng như tích lũy kinh nghiệm nghiên cứu thực tế.
Với chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, sinh viên được thường xuyên nâng cao trình độ ngoại ngữ để chủ động tiếp cận, mở mang nguồn tri thức mới trong quá trình học, đồng thời tự tin gia nhập thị trường lao động thời kỳ hội nhập.
Ở những nước có nền khoa học kỹ thuật tiên tiến, Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano là một trong những ngành đào tạo rất được chú trọng đầu tư.
Do vậy, nếu sở hữu kiến thức và khả năng tiếng Anh tốt, sinh viên sẽ có nhiều cơ hội trao đổi học thuật, thực tập và nhận học bổng học tiếp tại nước ngoài. Đơn cử như ở USTH, hàng năm 80% sinh viên đi thực tập nước ngoài và 50% sinh viên tốt nghiệp được học bổng học tiếp tại Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ…
Cơ hội cho người học công nghệ nano?
Công nghệ nano đang với tay tới mọi khía cạnh của cuộc sống hiện đại. Chính vì thế, sinh viên tốt nghiệp ngành này sẽ không bị bó buộc cơ hội việc làm trong một mảng ngành nghề nhất định mà có thể thử sức ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Sinh viên ra trường có thể làm việc tại các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực như năng lượng (sản xuất pin mặt trời, pin và ắc quy, đèn LED); chăm sóc sức khỏe (sản xuất dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm); môi trường (vật liệu lọc nước, vật liệu xử lý môi trường, phát triển cảm biến phát hiện các chất độc hại, kim loại nặng trong thực phẩm, cũng như trong môi trường); Vật liệu điện tử, vật liệu tổng hợp (composites), mực in thông minh...
Một số những vị trí việc làm nổi bật sinh viên có thể ứng tuyển như nghiên cứu viên phát triển sản phẩm, phân tích chất lượng sản phẩm, các vị trí quản lý trong dây truyền sản xuất, chuyên viên tư vấn công nghệ, giới thiệu sản phẩm...
Ngoài ra, sinh viên cũng có thể học tiếp sau đại học để trở thành nhà nghiên cứu, giảng viên tại các trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm, trường đại học trong nước và nước ngoài.
Hồng Hạnh