Tuyển sinh 2016: Sẽ rắc rối trong xét tuyển trực tuyến
(Dân trí) - PGS.TS Lê Trọng Thắng, trường ĐH Mỏ Địa chất cho rằng, nếu thí sinh sau khi đăng ký trực tuyến xong lại phải ra bưu điện để chuyển tiền lệ phí ĐKXT thì sẽ làm giảm ý nghĩa và sự tiện lợi của hình thức đăng ký trực tuyến.
Tuyển sinh 2016, thí sinh cần cân nhắc kỹ trước khi đăng ký xét tuyển vào trường đại học
Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2015.
PGS.TS Lê Trọng Thắng nhận định, 12 điểm điều chỉnh và bổ sung trong thông tư nhằm khắc phục những bất cập phát sinh trong kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2015. Điểm thay đổi quan trọng nhất của thông tư quy định thí sinh không được thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển sẽ khắc phục tình trạng lộn xộn trong xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2015.
Quy định thí sinh được đăng ký xét tuyển đợt I vào hai trường, mỗi trường được đăng ký tối đa vào 2 ngành; các đợt xét tuyển bổ sung thí sinh được đăng ký nộp đơn xét tuyển vào 3 trường và mỗi trường 2 ngành, tuy có gây khó khăn hơn cho các Hội đồng tuyển sinh, nhưng đổi lạị, quy định này đã tạo thêm cơ hội cho thí sinh nên cũng là điều cần làm.
Tuy nhiên, PGS.TS Thắng cho rằng, nội dung thông tư quy định thí sinh nộp phiếu ĐKXT và lệ phí ĐKXT qua bưu điện theo hình thức thư chuyển phát nhanh hoặc đăng kí trực tuyến cần phải nghiên cứu lại.
Nộp phiếu ĐKXT và lệ phí ĐKXT qua Bưu điện theo hình thức thư chuyển phát nhanh là cách thức đã được làm nhiều năm qua. Ngoài một số trường hợp Bưu điện chuyển nhầm địa chỉ phải xử lý, nhìn chung không có vấn đề gì lớn xảy ra. Tuy nhiên, theo hình thức này cần nêu rõ thời hạn xét tuyển cuối cùng của từng đợt phải căn cứ vào dấu bưu điện.
Với hình thức đăng ký trực tuyến, theo PGS.TS Thắng, có vẻ như hình thức này thuận lợi cho thí sinh, nhưng thực chất nó chỉ thuận lợi khi đã có đồng bộ hệ thống thanh toán lệ phí ĐKXT qua tài khoản.
Hệ thống đăng ký trực tuyến sẽ xác nhận thí sinh đã ĐKXT sau khi xác nhận thí sinh đã nộp lệ phí qua tài khoản. Nếu thí sinh sau khi đăng ký trực tuyến xong lại phải ra bưu điện để chuyển tiền lệ phí ĐKXT thì sẽ làm giảm ý nghĩa và sự tiện lợi của hình thức đăng ký trực tuyến. Theo hình thức này có thể sẽ xảy ra nhiều trường hợp thí sinh đăng ký trực tuyến nhưng lại không nộp lệ phí ĐKXT, gây khó khăn cho cơ sở đào tạo.
Quy định không cho phép thí sinh nộp phiếu ĐKXT và lệ phí trực tiếp tại trường. Hình thức này đã được sử dụng nhiều năm và cũng thể hiện nhiều ưu điểm như: tiện lợi cho người có điều kiện nộp; Hội đồng tuyển sinh không phải kiểm tra thí sinh nộp phiếu ĐKXT đã nộp lệ phí hay chưa…
PGS.TS Thắng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét bổ sung hình thức nộp phiếu ĐKXT và lệ phí tại trường để tạo thêm cơ hội thuận lợi cho thí sinh. Sau khi hoàn thiện hai hình thức đăng ký xét tuyển theo quy định, có thể bỏ hình thức nộp phiếu ĐKXT tại trường.
Ông Nguyễn Hóa - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum: “Học sinh phải thận trọng trong đăng ký xét tuyển!” Thay vì năm 2015 phải cấp 4 Giấy chứng nhận kết quả thi để làm thủ tục đăng kí xét tuyển thì năm nay việc đăng kí xét tuyển được tiến hành nhẹ nhàng hơn qua bưu điện và trực tuyến (online). Về tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính qui: Năm 2016 rút ngắn thời gian các đợt xét tuyển so với năm 2015; không được thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển sau khi đã đăng kí; trong mỗi đợt xét tuyển giảm số ngành đăng kí/trường, nhưng lại tăng số trường/đợt xét tuyển. Những thay đổi này phù hợp với nguyện vọng của thí sinh, người nhà thí sinh và thuận lợi cho các trường ĐH, CĐ trong việc tuyển sinh, khai giảng năm học; đảm bảo tính ổn định về việc công tác xét tuyển sinh, khắc phục được hạn chế lớn nhất của công tác xét tuyển ĐH, CĐ năm 2015. Tuy nhiên, do không được thay đổi nguyện vọng sau khi đã đăng kí xét tuyển cho nên để đạt kết quả tốt trong việc xét tuyển sinh, các nhà trường phải làm tốt công tác tư vấn chọn trường cho học sinh, các em học sinh phải hết sức thận trọng trong việc đăng kí xét tuyển. |
Hồng Hạnh (ghi)