Tuyển giáo viên mầm non kiểu “vơ bèo vạt tép”
(Dân trí) - Giáo viên mầm non có vai trò nuôi dạy, chăm sóc và cả nắm giữ sự an toàn của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, những vụ cô giáo mầm non bạo hành trẻ liên tục xảy ra làm dấy lên lo ngại về chất lượng người lao động trong ngành mầm non, nhất là ở các cơ sở ngoài công lập.
Mới đây, hình ảnh giáo viên tại một nhóm trẻ ở TPHCM dốc ngược đầu, dọa ném đứa trẻ 22 tháng tuổi ra ngoài cửa sổ vì lười ăn làm nhiều người phải rụng rời tim gan. Vậy nhưng cô Đ., người dốc ngược trẻ lại cho đó là hành vi đùa giỡn, hù dọa vẫn áp dụng hàng ngày với trẻ nhỏ.
Đúng là nhiều người thường có động tác tung hứng, đùa nghịch với trẻ nhỏ. Nhưng một cô giáo mầm non phải hiểu rõ hơn ai hết hành động này dễ dàng gây ảnh hưởng đến tâm lý trẻ, nhất là trong bối cảnh đang ép trẻ ăn. Chưa kể sự rung lắc, dốc ngược đầu có thể gây chấn thương cho não.
Càng đáng ngại hơn khi chủ cơ sở giữ trẻ này khẳng định cô Đ. là giáo viên được đào tạo chuyên môn, có kinh nghiệm. Trong khi ở các nhóm lớp, nhóm trẻ độc lập, việc tuyển được giáo viên có hai yếu tố này không hề dễ dàng. Điều này càng dấy lên lo ngại chất lượng người giữ trẻ. Ở TPHCM, các trường mầm non tư thục, nhóm trẻ vô cùng khó khăn trong việc tuyển người, nhiều nơi còn nhắm mắt để tuyển.
Trong lần báo cáo với Ban Văn hóa Xã hội, HĐND thành phố, lãnh đạo quận Gò Vấp thừa nhận có thực trạng “thế thân” trong các cơ sở mầm non. Nhiều trường tư thục, nhóm trẻ khi đăng ký nhân sự với Phòng Giáo dục là tên giáo viên này nhưng khi đoàn xuống kiểm tra lại là người lạ hoắc. Nguyên nhân theo các cơ sở là giáo viên vào làm rồi nghỉ việc, các cơ sở phải tìm người thế vào nên chưa kịp cập nhật để báo cáo.
Đó là vấn đề chung của rất nhiều cơ sở mầm non tư thục hiện nay. Các trường thường xuyên rơi vào thế giáo viên nghỉ việc bất kỳ lúc nào không lường trước. Hôm nay, cô còn đi dạy, mai đã bặt vô âm tín không liên lạc được, bỏ việc không một chút dây dưa.
Nhiều trường tư thục ở TPHCM trao biển tuyển dụng quanh năm suốt tháng để có chỗ “bám” khi giáo viên nghỉ việc.
Chủ trường, hiệu trưởng nhiều cơ sở mầm non tư thục ở quận 7 kể tình cảnh oái oăm nhiều cô về quê ăn Tết hoặc báo gia đình có việc xin nghỉ là... một đi không trở lại. Thế rồi họ lại phải đôn đáo tìm người thế vào trong trạng thái vội vã, gấp rút. Trong khi, kể cả trong thời điểm tuyển dụng hồ sơ nộp vào còn thấp hơn cả nhu cầu chứ chưa bàn đến chất lượng. Lúc cần người khó tranh việc “vơ bèo vạt tép” cho dù ai cũng biết “bèo tép” giữ vai trò nuôi dạy và cả sự an toàn hàng chục đứa trẻ.
Nhiều cơ sở ngoài công lập còn gặp cảnh tuyển “trái non” đến chín là... rụng. Khi mới vào trường, nhiều người chỉ có trình độ phổ thông, trung cấp rồi học lên dần, khi có bằng cấp, có cơ hội thì họ chuyển trường. Nhiều cơ sở rơi vào vòng xoay tiễn người giỏi sang nhà người, rước người kém vào nhà mình.
Bà Lê Thị Lý, hiệu trưởng một trường mầm non tư ở quận 7 cho hay, phần lớn các trường tư thục chỉ có thể tuyển giáo viên ở tỉnh, còn giáo viên ở thành phố họ sẽ chọn trường công có với chế độ ổn định. Giáo viên ở tỉnh cuộc sống thuê trọ bấp bênh, làm ở tư thục vui thì làm, không thích nữa họ nghỉ không luyến tiếc... nên các trường tư quay rất mệt mỏi khi ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục và quản lý.
Phụ trách bậc học mầm non của nhiều quận huyện ở TPHCM thừa nhận chính việc đội ngũ giáo ở cơ sở tư thục biến động liên tục chính là nguy cơ lớn nhất đối với sự an toàn của trẻ. Thiếu người hoặc tuyển người mới chưa quen việc, quen trẻ rất dễ xảy ra các tình huống không hay. Nhưng đó đang là vòng quay của nhiều cơ sở ngoài công lập.
Hiện TPHCM thiếu gần 800 giáo viên mầm non, số ứng viên đăng ký dự tuyển vào các trường mầm non không đủ chỉ tiêu, thậm chí nhiều giáo viên trúng tuyển nhưng... không thèm nhận việc.
Hoài Nam