Tuyên dương giáo viên tiêu biểu trong giáo dục học sinh khuyết tật

(Dân trí) - Sáng 26/11, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Lễ tuyên dương các nhà giáo và cán bộ quản lý tiêu biểu trong giáo dục học sinh khuyết tật toàn quốc lần thứ 3. Theo đó, 194 nhà giáo và cán bộ quản lý đạt thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong công tác giáo dục học sinh khuyết tật được Bộ GD-ĐT ra Quyết định khen thưởng.

Trong 194 nhà giáo và cán bộ quản lý tiêu biểu được tuyên dương và nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT gồm 57 cán bộ quản lý và 137 giáo viên các cấp học (7 giáo viên mầm non; 85 giáo viên tiểu học; 7 giáo viên trường THCS dạy hòa nhập; 38 giáo viên dạy chuyên biệt ở các cấp học Mầm non, Tiểu học, THCS tại các trường chuyên biệt, các Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật). Đây là những nhà giáo và cán bộ quản lý tiêu biểu đại diện cho các vùng miền trong cả nước, những tấm gương sáng về tình yêu thương, tinh thần trách nhiệm, sự hy sinh, tận tụy, hết lòng vì học sinh thân yêu. Nhiều thầy, cô giáo gần như gắn bó cả cuộc đời với công tác chăm sóc, dạy trẻ khuyết tật.

Dạy trẻ khuyết tật: Cần phải vượt qua muôn vàn khó khăn

Phát biểu tại buổi Lễ tuyên dương, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh: Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người khuyết tật, trong thời gian qua, toàn ngành Giáo dục đã có những nỗ lực to lớn trong công tác giáo dục học sinh khuyết tật. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về giáo dục khuyết tật, đặc biệt là giáo dục hòa nhập học sinh khuyết tật ngày càng hoàn thiện.

Nhiều chính sách về giáo dục đối với học sinh khuyết tật, chính sách đối với giáo viên dạy học sinh khuyết tật được ban hành và thực hiện, tạo cơ hội cho trẻ khuyết tật được đến trường; thúc đẩy sự phát triển của giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật ở nước ta. Tỷ lệ huy động học sinh khuyết tật đi học ngày càng tăng. Có nhiều hình thức tổ chức lớp học linh hoạt với các đối tượng trẻ khuyết tật khác nhau. Nhiều học sinh khuyết tật đã thành công, có nhiều đóng góp cho xã hội.


Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa

“Có được kết quả ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp tích cực của các bộ, ban ngành, các địa phương, các tổ chức đoàn thể, sự chung tay góp sức của toàn xã hội; sự nỗ lực của ngành Giáo dục, đặc biệt là đóng góp công sức, trí tuệ, sự lao động miệt mài, bền bỉ, hy sinh thầm lặng, tận tụy, hết lòng vì học sinh thân yêu của các nhà giáo, cán bộ quản lý làm nhiệm vụ chăm sóc giáo dục trẻ khuyết tật” – Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nói.

Thứ trưởng Nghĩa cũng nhấn mạnh: Việc chăm sóc, giáo dục, giảng dạy phải được thiết kế đặc biệt, cần phải điều chỉnh nội dung chương trình, phương pháp giáo dục linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với nhu cầu riêng biệt của mỗi học sinh thiệt thòi, bị khiếm khuyết một phần cơ thể. Chính tình yêu thương, sự sẻ chia sâu sắc với những cuộc đời bất hạnh đã giúp các nhà giáo, cán bộ quản ý vượt qua muôn vàn khó khăn vất vả để hoàn thành nhiệm vụ; sự tiến bộ của các em mỗi ngày chính là niềm hạnh phúc của mỗi nhà giáo chúng ta.

Những nhà giáo ưu tú trong việc giáo dục trẻ khuyết tật nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT
Những nhà giáo ưu tú trong việc giáo dục trẻ khuyết tật nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT

 

Thấm thía nỗi đau của các bậc cha mẹ có con khuyết tật, các thầy cô đã luôn trăn trở, tìm tòi các giải pháp hiệu quả và thiết thực nhất để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục học sinh khuyết tật, nhiều sáng kiến của các thầy cô đã được áp dụng đạt kết quả. 194 nhà giáo và cán bộ quản lý được Bộ GD-ĐT tôn vinh, khen thưởng hôm nay là những tấm gương tiêu biểu về phẩm chất, tài năng, trí tuệ, đại diện cho hàng chục ngàn thầy cô giáo đang chăm sóc, dạy dỗ các em học sinh khuyết tật trong cả nước, đã và đang âm thầm đóng góp công sức, trí tuệ, tình yêu thương, sự kiên trì, nhẫn nại, bền bỉ để các em được đến trường, được học tập và phát triển.

Vẫn còn nhiều thách thức

Bộ GD-ĐT cũng cho biết, trong quá trình chỉ đạo, quản lý và giảng dạy học sinh khuyết tật nhiều nhà giáo đã có sáng kiến kinh nghiệm được các cấp quản lý giáo dục đánh giá cao. Mỗi sáng kiến kinh nghiệm của các nhà giáo và cán bộ quản lý được đúc kết từ thực tiễn phong phú và sinh động. Đây là những bài học quý báu để giải quyết các vấn đề trong công tác giáo dục học sinh khuyết tật, phù hợp với điều kiện mỗi địa phương, mỗi đối tượng học sinh. Các sáng kiến kinh nghiệm ở những tầng bậc, lĩnh vực giáo dục, chăm sóc, giảng dạy, hỗ trợ khác nhau nhưng cùng hướng tới một mục tiêu là phát triển và không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục học sinh khuyết tật, mong muốn và tạo điều kiện để các em được thụ hưởng một nền giáo dục chất lượng, thân thiện và bình đẳng.

Các nhà giáo tọa đàm, chia sẻ về kinh nghiệm giáo dục trẻ khuyết tật
Các nhà giáo tọa đàm, chia sẻ về kinh nghiệm giáo dục trẻ khuyết tật

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả và thành tích đã đạt được, công tác giáo dục học sinh khuyết tật còn phải đối diện với nhiều thách thức. Chẳng hạn như nhận thức của cộng đồng về giáo dục hòa nhập; chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên tham gia giáo dục học sinh khuyết tật; môi trường học tập, sinh hoạt của trẻ em học hòa nhập; vấn đề chính sách, cơ chế, chương trình, tài liệu, cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ giáo dục hòa nhập; việc huy động sự tham gia của các lực lượng xã hội và cộng đồng…

“Để vượt qua những thách thức đó, cùng với sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, của ngành giáo dục và sự chăm lo của toàn xã hội, việc phát huy tinh thần trách nhiệm, lòng nhân ái, sự năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên trực tiếp tham gia giáo dục trẻ khuyết tật là điều vô cùng quan trọng và cần thiết” - lãnh đạo Bộ GD-ĐT nhấn mạnh.

Nguyễn Hùng

(Email hungns@dantri.com.vn )

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm