“Tụt huyết áp” vì môn Sử
(Dân trí) - Vừa dài vừa khó, có sử dụng tài liệu cũng không thể làm nổi. 90 phút như phải chịu cực hình, huyết áp tụt không phanh - đó là than vãn của rất nhiều học sinh tại các trường THPT trên đại bàn Hà Nội ngay lúc vừa bước ra khỏi phòng thi môn Sử sáng nay, 1/6.
Học sinh Đinh Mỹ Liên, trường THPT Nguyễn Trãi buồn rầu cho biết: “Đề Sử vừa dài, vừa khó mà thời gian làm bài lại quá ngắn nên em không làm được mấy. Trong phòng nhiều bạn mang tài liệu vào “quay” nhưng cũng không làm kịp”.
Cùng tâm trạng với Liên, Nguyễn Thị Hồng Nga, trường THPT Phạm Hồng Thái nói: “Đề khó so với dự đoán của chúng em. Nhiều bạn chuẩn bị khá nhiều “phao” thi nhưng cũng đành chịu vì câu hỏi Lịch sử thế giới là “Sự kiện nào đánh dấu bước phát triển mới của phong trào giải phóng dân tộc khu vực Mĩ la tinh sau chiến tranh thế giới thứ hai? Kể từ đó, phong trào đã diễn ra như thế nào?” Câu này hỏi lan man quá, chúng em chẳng xác định được nên làm thế nào cho khỏi lạc”.
Nga còn cho biết thêm (nhưng em yêu cầu không được… đưa lên báo): Môn Sử rất khó học thuộc nên em và bạn em đều mang tài liệu để sử dụng. Và nhờ tài liệu, bọn em cũng giải được hai câu, may ra thì đạt điểm trung bình.
Theo thăm dò của Dân trí, thì với hai môn Sử, Địa, hiếm có học sinh nào không thủ ít tài liệu “phòng thân”. Dù vậy, đề thi môn Sử năm nay vẫn khiến Nguyễn Đắc Nam, trường Dân lập Hồ Tùng Mậu chán nản phàn nàn: “Đề dài quá! Không học thuộc được nên phải mang tài liệu nhưng vẫn không làm hết được. Lại còn môn Địa chiều nay, được mang Átlát vào phòng thi cộng với ít tài liệu nữa thì may ra gỡ gạc được chút ít”. Sự thật là có rất nhiều học sinh có tâm trạng như Nam.
|
| ||
Thí sinh ngang nhiên thả ruột mèo ngay trước cổng trường thi... | .... và châm lửa đốt. (Vòng đỏ: tro của phao thi). |
Sau giờ thi môn Sử, tại cổng trường THPT Nguyễn Trãi, phao rải trắng đường. Do hôm qua trên các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh quá nhiều về phao thi, các trường đã cảnh giác hơn rõ rệt. Như trường THPT Nguyễn Trãi, cắt cử hẳn một bảo vệ chỉ mỗi việc đi... nhặt “phao” rơi trước cổng trường.
Khi thấy chúng tôi chụp ảnh, một đám học trò đã nhanh tay bảo nhau vơ vội đống phao giấu đi. Một đám học sinh khác thì ngang ngược lấy chân đá đống ruột mèo, ruột gà vào một góc, xoè lửa đốt rồi vây xung quanh cười ha hả.
Ra đề thi hay ép thí sinh sử dụng phao?
Là một giáo viên dạy Lịch sử, ông thấy đề thi ngày hôm nay như thế nào?
Theo quan điểm của tôi, đề thi lần này ra theo phương pháp mới, nhìn tổng thể thì khá hay nhưng vẫn vụn vặt.
Phần lịch sử Việt Nam, câu 1,2 của cả 2 đề đều sát với chương trình học. Câu 1 của đề I nếu học sinh nào không đọc cẩn thận thì rất dễ bị mắc bẫy. Còn câu hỏi 1 của đề II ra hơi lủng củng, đọc không thấy xuôi lắm.
Câu hỏi 3 của 2 đề ra vụn vặt, quá tiểu tiết. Hơn nữa, câu hỏi cũng nên cụ thể hơn. Thay vì câu hỏi kiểu chung chung: “Xác định mốc thời gian (ngày, tháng, năm) tương ứng với những sự kiện lịch sử…” nên chăng viết như thế này: “Em hãy cho biết ngày, tháng, năm xảy ra những sự kiện lịch sử sau đây…”.
Phần lịch sử thế giới, câu hỏi hay nhưng đòi hỏi thí sinh phải mất nhiều thời gian tư duy, mà tổng thời gian chỉ có 90 phút…
Như vậy, xung quanh việc ra đề thi môn Lịch sử vẫn còn nhiều vấn đề cần xem xét lại?
Đứng trên cương vị một giáo viên, tôi thấy đề cương môn Lịch sử đã quá dài đối với sức của học sinh rồi, do đó đề thi chỉ cần tập trung vào những mốc lịch sử chính, chủ yếu, quan trọng của Việt Nam và thế giới thôi. Chứ bắt học sinh phải nhớ hết tất cả những mốc thời gian quá nhỏ thì sẽ rất khó. Bản thân tôi khi đọc đề cũng phải mất một lúc lâu mới nhớ lại được.
Nếu cứ ra đề thi như thế này sẽ buộc học sinh rơi vào hoàn cảnh: dù không muốn cũng phải sử dụng phao thi trái phép để đối phó.
Xin cảm ơn ông! Trí Kiên |
Mai Minh - Hồng Hạnh