“Tuổi thơ dữ dội” của cô thủ khoa xứ Thanh
(Dân trí) - Có một tuổi thơ đầy nước mắt, một cuộc sống thiếu thốn tình cảm của cả cha và mẹ, vượt qua hoàn cảnh éo le, cô học trò Trường THPT Lê Viết Tạo (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) đã đỗ thủ khoa khoa Luật (khối C)- ĐH Quốc gia Hà Nội với số điểm 26,5.
Sau khi đọc bài viết này, nhiều độc giả ngỏ ý muốn xin số điện thoại của thủ khoa Lê Thị Lan để chia sẻ, động viên em. Đáp ứng yêu cầu của độc giả, chúng tôi xin đăng tải số điện thoại của em Lan: 0165 976 9424 (địa chỉ: thôn 4, xã Hoằng Vinh, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) |
Xa mẹ, Lan sống với ông bà ngoại, cuộc sống nghèo khó, bữa đói bữa no. Ngoài những giờ lên lớp, em theo ông bà ra đồng làm ruộng, về nhà thì phụ đan lát cùng ông để kiếm thêm thu nhập. Thế mà thật cảm phục là năm nào em cũng đạt học sinh giỏi. Năm lớp 11, Lan còn đạt giải Khuyến Khích môn Địa lý cấp tỉnh và lớp 12 đạt giải Khuyến khích cấp tỉnh môn Văn.
Và hơn hết đó là kỳ thi ĐH vừa qua, Lan đỗ thủ khoa khoa Luật - ĐH Quốc gia Hà Nội với số điểm 26,5, trong đó môn Văn 8,5; môn Lịch sử và môn Địa lý đều đạt 9 điểm - đó là kết quả của 12 năm miệt mài với bao nỗ lực và cố gắng.
Đón nhận kết quả xong, vừa bất ngờ vừa hạnh phúc, Lan tâm sự: “Lúc đó không hiểu sao nước mắt em cứ thế chảy ra, hạnh phúc xen lẫn tủi thân. Nỗi đau về sự bất hạnh của chính mình lại như sống dậy. Nếu như các bạn của em thì họ sẽ chia sẻ niềm hạnh phúc ấy cho bố mẹ của mình nhưng em thì khác... Từ lâu em luôn tự nhủ mình phải thật mạnh mẽ, nhưng cái giây phút ấy em đã không cầm lòng được”.
Lan bảo cuộc đời em chỉ có con đường học để làm gì đó trả nợ cho mẹ cả cuộc đời lam lũ làm thuê làm mướn vì em, trả nợ ông bà ngoại đã cưu mang em từ khi em lên 3 tuổi. Em khẳng định cũng là để động viên mình: “Nếu làm điều gì đó mà cứ cố gắng, quyết tâm hết mình chắc chắn cơ hội sẽ đến”.
Quyết tâm học tập của em cũng khá gian nan khi không có tiền mua sách tham khảo, em tìm cách mượn từ thầy cô bạn bè để học. Mỗi lần mượn được quyển sách hay, em đều ghi chép lại những kiến thức mới. Đó là cách em tạo cho mình một kho kiến thức để khi bắt gặp những câu hỏi tương tự không bị bỡ ngỡ. Ước mơ trở thành Luật sư để thay đổi cuộc sống và có thể giúp đỡ ông bà, mẹ đã khiến em càng đặt quyết tâm hơn.
Ôm đứa cháu ngoại vào lòng như ngày Lan mới lên 3 tuổi, ông Lê Đình Biểu - ông ngoại của Lan chia sẻ: “Cháu nó ở với chúng tôi từ khi mới 3 tuổi. Con lớn chút nữa thì mẹ nó cũng vào miền Nam làm thuê. Thương cháu nên hai ông bà cố gắng bù đắp, dành tình thương hết lòng cho cháu nhưng không làm sao mà xóa đi vết thương trong lòng một đứa trẻ tội nghiệp. Thế nhưng cháu vẫn vượt lên trên hoàn cảnh để có được kết quả học tập như ngày hôm nay quả là rất đáng mừng. Chúng tôi già rồi, cũng không còn sống được bao lâu nữa, chỉ mong cháu tiếp tục cố gắng để sau này có thể tự lo cho bản thân và cho mẹ”.
Giờ đây, điều cô nữ sinh giàu nghị lực này băn khoăn hơn hết đó là việc học sắp tới của mình bởi đôi chân mẹ sẽ thêm vội vã, bờ vai gầy của mẹ lại trĩu nặng hơn. Dự định sẽ xin vào ký túc ở và sắp xếp thời gian để có thể đi làm thêm để trang trải cuộc sống - đó là cách mà cô thủ khoa chọn để có thể giúp mẹ bớt gánh nhọc nhằn.
Chia sẻ về cô học trò của mình, cô Lê Thị Nhung - giáo viên chủ nhiệm lớp em Lan cho biết: "Đã hơn 10 năm trong nghề nhưng tôi chưa gặp cô học trò nào mà có nghị lực như Lan cả. Một học sinh dù có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng rất giàu nghị lực. Có nhiều khi kể về cuộc sống của mình, tôi để ý trong khóe mắt em nước mắt chảy ra rồi em quay đi gạt nước mắt, giấu nỗi yếu đuối. Điều làm tôi rất khâm phục nữa là lòng đam mê học tập và ham học hỏi của em. Gần như 3 năm, cô lớp trưởng lớp tôi không nghỉ học buổi nào dù tôi biết có nhiều hôm em ốm nhưng vẫn cố gắng đến lớp. Em tự giác đến nhà các cô giáo và làm thẻ thư viện để mượn sách, tự giác kiếm tìm những đề bài hay rồi làm sau đó mang đến nhờ cô giáo sửa. Đạt được thành tích như ngày hôm nay đó là cả một sự cố gắng không ngừng của em. Em khiến những giáo viên như chúng tôi thật sự cảm phục. Nhà trường sắp tới cũng sẽ trao học bổng 4 triệu đồng khen thưởng trước khi em lên đường nhập học".
Nguyễn Thùy