Tuổi thơ đòn roi: Đừng để yêu thương hóa hận thù!
(Dân trí) - Thấy chị đánh con, bà ngoại xót cháu vào can ngăn liền bị chỉ đẩy ra cùng lời oán hận: “Ngày trước mẹ đánh con, hành con, giờ con đánh con là bình thường”.
Chị có hai đứa con, cô con gái lên 9 và cậu con trai mới lên 3. Mỗi lần con quậy phá, nói không nghe lời, ăn chậm..., chị hay tét mông, có lúc tát cả vào mặt hai đứa nhỏ. Lần nào đánh con xong, chị cũng ôm con khóc, tự dằn vặt bản thân.
Mới đây, mẹ chị ở quê vào trông cháu. Thấy chị đánh cháu, bà xót nhảy vào can ngăn, nói chị “mẹ gì mà ác”, chị liền đẩy bà ra cùng lời trách móc, oán hận: “Ngày trước mẹ đánh con, hành con, giờ con đánh con là bình thường”. Bà ngoại không vừa, nhảy xổm lên: “Tao đánh mày là vì thương mày. Tao không đánh giờ mày được thế này chắc?”. Cô con gái khóc toáng lên: “Vâng, con được thế này đây! Thế này đây” và tiếp tục cầm roi vụt liên tiếp vào mông cậu con trai.
Sự có mặt của mẹ cùng lời can ngăn của bà khiến chị lại càng dữ dằn, đánh con mạnh hơn, nhiều hơn như để “trả thù” quá khứ.
Một chuyên gia tâm lý nói bạo lực có tính di truyền quả không sai. Một đứa trẻ được nuôi dạy bằng đòn roi sẽ rất khó tránh việc không sử dụng bạo lực với người khác.
Con trẻ ngày nay vô cảm, bạo lực… với đủ nguyên nhân được mổ xẻ nào là do trào lưu, nào là do tác động của phim ảnh, thông tin. Tuy nhiên, việc các em xem bạo lực, xem đánh nhau như một cách giải quyết mọi vấn đề to nhỏ trong cuộc sống bởi ngay trong gia đình và cả nhà trường rất nhiều đứa trẻ được “trải nghiệm” việc bố mẹ yêu thương con trẻ, thầy cô có trách nhiệm với học trò bằng… những cái bạt tai, bằng roi, bằng thước, bằng dây thừng…
Và khi lớn lên làm bố làm mẹ, những đứa trẻ được nuôi dạy bằng roi vọt thường sẽ tiếp tục có xu hướng đối xử với con mình bằng bạo lực. Có nhiều người biết như vậy là sai nhưng vì lớn lên bởi đòn roi đã ăn sâu trong tiềm thức của mỗi người mà ý thức “không được đánh con” không vượt qua được. Điều này biến bạo lực trong việc dạy con trẻ như một cỗ máy có thời gian sử dụng vô hạn.
Và nếu thiếu một “liều thuốc mạnh” thì thế hệ này sẽ tiếp tục “dìm” thế hệ khác bởi “được” yêu thương bằng roi vọt.
TS Xã hội học Phạm Thị Thúy chia sẻ tình trạng người và người cư xử với nhau bằng bạo lực, tình trạng các em học sinh hung hăng đánh nhau tràn lan hiện nay chỉ là bề nổi của hệ quả tồn tại từ rất lâu. Các em chính là nạn nhân sống trong một môi trường bạo lực, từ gia đình, nhà trường rồi xã hội.
Tất cả mọi vấn đề của bạo lực là do trẻ thiếu tình yêu thương, không được học cách yêu thương, tôn trọng người khác ngay trong gia đình. Theo bà Thúy, để tránh bánh xe khủng khiếp của vòng quay bạo lực, trước hết cần bỏ ngay quan niệm con ngoan là phải nhất nhất nghe lời người lớn. Điều này dễ dẫn đến cách giáo dục áp đặt, sử dụng đòn roi để đổi lại sự nghe lời của con trẻ.
Trẻ cần được thể hiện cá tính của mình, thậm chí được quyền “cãi” lại người lớn khi người lớn sai. Trách nhiệm của người lớn là giáo dục các em tư duy phản biện trước mọi vấn đề, bảo vệ quan điểm của mình bằng những tranh luận tích cực, lành mạnh.
Phạm Diễm Kiều, một cô giáo dạy nhạc ở TPHCM cũng có tuổi thơ trải qua đòn roi của mẹ cho rằng, thật khó để mỗi người có thể quên đi ký ức đau thương hồi bé. Những ký ức luôn luôn tác động đến cuộc sống hiện tại của mỗi người.
Tuy nhiên, với những việc mà bản thân người đó biết là sai thì cần tự thay đổi. Ngày trước ông bà, bố mẹ thời chiến tranh không được ăn học đầy đủ, ít được tiếp cận với các phương pháp giáo dục khoa học nên nhiều người chỉ biết đánh trẻ để răn đe. Còn chúng ta bây giờ được sống trong một thế giới phẳng, được học hành nhiều, có cơ hội tiếp xúc với việc nuôi dạy con khoa học.
“Chúng ta sinh ra để thay đổi chứ không phải để tiếp nối những cái sai. Hãy để những đứa trẻ thế hệ sau này là bản sao của mình – bản sao của tình yêu thương không có nước mắt, sự hận thù vì roi vọt”, cô giáo trẻ bộc bạch.
Tuy nhiên, nuôi dạy trẻ là chuyện không đơn giản, không phải cứ lý thuyết hay là thực hành đẹp. Nhất là trong cuộc sống hiện nay, ngày càng ngột ngạt, nhiều áp lực, căng thẳng việc bố mẹ và cả thầy cô đánh đòn con trẻ thường là những phút nóng giận, thiếu kiềm chế mà ai cũng có thể gặp phải.
Khi người lớn ứng xử chưa đúng với con trẻ, có những hành vi gây hại về thể xác lẫn tinh thần trẻ, theo TS Phạm Thị Thúy việc cần làm ngay là xin lỗi con trẻ. Xin lỗi một cách chân thành về hành vi sai của mình, đồng thời bày tỏ sự hối hận để trẻ cảm nhận được tình yêu thương của bố mẹ đối với mình.
Điều này sẽ giúp con trẻ khôi phục lại được ý thức về giá trị bản thân và còn cố gắng để giữ gìn, khôi phục mối quan hệ với bố mẹ, thầy cô. Và trong sự việc xảy ra, nếu trẻ cũng có hành vi chưa đúng thì đây cũng là cơ hội để bố mẹ, thầy cô phân tích phải trái để con hiểu vấn đề chứ không vì mục đích biện minh cho việc đánh con của mình.
Lời xin lỗi của người lớn đưa vào tiềm thức con trẻ việc đánh người khác là hành vi sai. Để các em hiểu rằng mình không được quyền đánh người khác và cũng không cho ai được phép đánh mình.
Nhưng điều vướng nhất, theo các chuyên gia, khi con trẻ làm gì chưa đúng thì người lớn, kể cả dùng roi bắt con vòng tay xin lỗi bằng được, nhưng khi mình sai thì rất ngại lên tiếng xin lỗi con trẻ. Trong khi một lời xin lỗi từ bố mẹ, thầy cô là phương pháp rất hiệu quả trong việc giúp trẻ hiểu được giá trị của lời xin lỗi và sự bao dung. Để các em biết rằng con người không ai hoàn hảo nhưng làm sai thì phải xin lỗi và sửa sai.
Hoài Nam
(Hoainam@dantri.com.vn)