Tư vấn tuyển sinh: Mình chọn đam mê hay đam mê chọn mình?

(Dân trí) - Tại Ngày Hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2019, thí sinh đặt câu hỏi: “Trong quá trình chọn ngành nghề ở mùa tuyển sinh đại học này, em băn khoăn liệu mình chọn đam mê hay đam mê chọn mình?”.

PGS.TS Nguyễn Tiến Thảo (Phó Trưởng ban đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận xét, đây là câu hỏi rất hay.

Ông Thảo chia sẻ: “Tôi nhớ, năm ngoái cũng có một bạn học sinh hỏi ban tư vấn một câu hỏi tương tự rằng: mình chọn nghề hay nghề chọn mình? Một chuyên gia tâm lý trả lời như thế này, tôi xin trích lại: Ngồi một buổi ở ngày hội tuyển sinh nghe các thầy tư vấn mà không có lợi ích, hứng thú gì, bản thân mình đã thấy không hài lòng, khó chịu.

Sau này bạn làm một việc bạn ngồi 1 ngày 8 tiếng với một nghề mình không thích nữa thì bao nhiêu buổi phải ngồi như vậy. Nói thế để chúng ta xác định rằng, nếu mình không thích ngành, không thích nghề thì mình sẽ liên tục 5-6 ngày/ 1 tuần làm việc mình không yêu thích, bạn có đủ kiên nhẫn hay không?

Tư vấn tuyển sinh: Mình chọn đam mê hay đam mê chọn mình? - 1

PGS.TS Nguyễn Tiến Thảo (Phó Trưởng ban đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội) giải đáp thắc mắc của thí sinh.

Vế thứ hai bạn hỏi, có nhắc chuyện "nghề chọn mình". Đó là việc lúc đầu mình chọn ngành 1 nhưng sau này vì lí do nào đó mình chuyển sang ngành thứ hai. Sau một thời gian học tập, nghiên cứu, làm việc, nhuốm mình trong thế giới lao động, mình được nghề yêu quý thì bản thân mình sẽ bị tác động, ảnh hưởng - trường hợp này nghề chọn mình, cũng không phải là hiếm.

Nhưng bây giờ, chúng ta đang đứng trước định hướng mình được lựa chọn, trước khi nghề chọn mình thì lời khuyên của thầy là chúng ta hãy cho mình quyền lựa chọn trước. Trường hợp thứ 2 - nghề chọn mình, khi đó mình đã hết quyền được lựa chọn rồi. Bạn đang ngồi đây, đứng trước lựa chọn ngành nghề trường thì hãy phát huy quyền chủ động, được lựa chọn”.

PGS.TS Nguyễn Tiến Thảo tư vấn cho thí sinh.mp4

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Thảo, quy chế tuyển sinh đào tạo năm nay cho bạn trẻ rất nhiều lựa chọn, bạn có thể đăng ký 5-7-10 nguyện vọng để lựa chọn nghề mình yêu thích. Có thể, thí sinh không được trường này nhưng được trường kia, tối thiểu là chọn được ngành nghề mình yêu thích.

Quy chế tuyển sinh cho phép học sinh rất nhiều nguyện vọng để tăng khả năng, cơ hội đỗ ngành nghề mình yêu thích ở một trường đại học nào đó trên cả nước. Do đó, bạn trẻ hãy tận dụng thật tốt.

GS.TS Nguyễn Ngọc Tú (Phó Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội) tư vấn: “Với hiểu biết từ phía ngành Y, một ngành mang tính chất xã hội, tôi nghĩ đam mê là một từ mang tính chất cảm tính rất nhiều. Đam mê rất cần thiết khi chúng ta còn trẻ và cả khi về già, nếu có đam mê thì cuộc sống mới có sự thú vị.

Tuy nhiên, khi các bạn còn trẻ. tôi chỉ lưu ý rằng đam mê đó mang tính cảm tính rất nhiều. Càng trưởng thành đam mê của chúng ta càng có cơ sở hơn, tức là đam mê thể hiện đầy đủ nhận thức của mìn do đó sẽ chính xác hơn.

Tư vấn tuyển sinh: Mình chọn đam mê hay đam mê chọn mình? - 2

GS.TS Nguyễn Ngọc Tú (Phó Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội) đang tư vấn.

Khi các bạn còn trẻ, đam mê là cái rất cần thiết tuy nhiên tôi mong các bạn lưu ý, chúng ta cũng cần cố gắng thu thập đầy đủ thông tin, tìm hiểu kỹ để chọn ngành nghề. Vì chọn ngành nghề là định hướng rất quan trọng trong cuộc đời. Chính vì vậy, bạn trẻ nên tìm hiểu đầy đủ nhất các thông tin khi chọn ngành chọn nghề. 

GS.TS Nguyễn Ngọc Tú giải đáp thắc mắc.mp4

Các bạn có thể tìm hiểu thoải mái, bây giờ chưa vội quyết định. Các bạn có một kỳ thi THPT quốc gia sau đó mới chốt vào trường nào, cho nên còn rất nhiều thời gian để tìm hiểu mà không vội quyết định trong ngày hôm nay hay vài ngày tới. Các bạn hãy cố gắng học cho tốt, sau đó còn rất nhiều thời gian để chọn. Xin chúc các bạn thành công!", ông Tú nhấn mạnh.

Được 20 điểm có thể đỗ ĐH Kinh tế quốc dân không?

“Nếu thi THPT quốc gia 2019 đạt 20 điểm (cả điểm ưu tiên) thì có đỗ ĐH Kinh tế quốc dân hay không?”, một thí sinh đặt câu hỏi.

Giải đáp câu hỏi này, PGS.TS Bùi Đức Triệu (Trưởng Phòng Quản lý đào tạo) cho biết: ĐH Kinh tế quốc dân tuyển 5.650 chỉ tiêu trong năm 2019. Nhà trường duy trì phương thức xét tuyển kết hợp (tuyển thẳng) với 2 đối tượng là:

Thí sinh tham gia vòng thi tuần "Đường lên đỉnh Olympia" và có tổng điểm thi THPTQG năm 2019 của 3 môn bất kỳ (có môn Toán) đạt từ 18 điểm trở lên (gồm cả điểm ưu tiên).

Thí sinh có chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế trong thời hạn (tính đến ngày 22/6/2019) đạt IELTS 6.5 trở lên hoặc TOEFL ITP 550 trở lên, TOEFL iBT 90 trở lên và có tổng điểm thi THPTQG năm 2019 của môn Toán và 1 môn bất kì (trừ môn Tiếng Anh) đạt từ 14 điểm trở lên (gồm cả điểm ưu tiên).

Năm 2019, ĐH Kinh tế quốc dân mở 7 chương trình mới và tách 3 chương trình riêng, nâng số mã tuyển sinh lên 47, tăng 10 mã so với năm 2018. Việc này tạo thêm nhiều lựa chọn về định hướng nghề nghiệp cho các thí sinh.

"Năm nay thí sinh có cơ hội rất lớn được theo học đúng sở trường khi trúng tuyển vào trường. Cơ hội việc làm của sinh viên cũng cao khi tỉ lệ có việc làm sau ra trường của sinh viên đều trên 90%.

Tư vấn tuyển sinh: Mình chọn đam mê hay đam mê chọn mình? - 3
Các thí sinh quan tâm đến khối ngành Kinh tế chăm chú lắng nghe tư vấn.

Theo Trưởng Phòng Quản lý đào tạo – ĐH Kinh tế Quốc dân, về dự kiến điểm chuẩn năm 2019, những thí sinh có học lực khá, có tổng điểm thi THPT quốc gia 2019 từ 20 điểm trở lên (gồm cả điểm ưu tiên) có cơ hội rất cao để trúng tuyển vào trường.

“Khi đăng kí nguyện vọng, các em cần so sánh khả năng của mình với điểm chuẩn các ngành của năm 2018. Sau đó, thí sinh nên chọn và đăng kí khoảng 6 nguyện vọng, chia thành 3 nhóm, mỗi nhóm hai nguyện vọng. Nhóm 1 cao hơn khả năng của mình, nhóm 2 ngang với khả năng và nhóm 3 thấp hơn khả năng. Sau đó xếp các nguyện vọng này theo thứ tự ưu tiên, ưu tiên cao nhất là nguyện vọng 1. Với cách đăng kí như vậy, theo qui chế tuyển sinh hiện hành, khả năng trúng tuyển vào trường của thí sinh là khá cao", ông Triệu lưu ý.

Lệ Thu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm